Vận động toàn dân tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông: Cần những cách làm mới để phát huy sức mạnh phối hợp

Như Đại Đoàn Kết đã đưa tin, ngày 8-12, tại Hà Nội, UBTƯ MTTQ Việt Nam, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia (UBATGTQG) tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết liên tịch số 02/NQLT/MTTW-UBANGTQG về vận động toàn dân tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông giai đoạn 2000-2011. Tham dự Hội nghị có Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim, Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ công an – Phó trưởng ban ATGTQG.

Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm

tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân xuất sắc

Tai nạn giao thông đe dọa sự bình yên trong mỗi gia đình

Theo UBATGTQG, trong những năm qua, số lượng phương tiện giao thông đã có sự tăng mạnh theo cấp số nhân. Nếu năm 2003 cả nước có 675 ngàn xe ô tô và hơn 11,3 triệu xe gắn máy thì hiện nay, số ô tô đã tăng gấp 2,75 lần, xe gắn máy tăng 2,96 lần. Việc gia tăng các phương tiện giao thông ồ ạt trong khi cơ sở và kết cấu hạ tầng không đồng bộ đang là thách thức đối với sự phát triển của đất nước.

Hơn 10 năm qua, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã phối hợp với UBATGTQG phát hành hàng triệu tài liệu, hỗ trợ tuyên truyền đồng loạt cho hơn 100 ngàn khu dân cư, phối hợp tổ chức ký cam kết khu dân cư, gia đình đảm bảo trật tự ATGT; Xây dựng và tổ chức hoạt động của các tổ nhóm tự quản về ATGT tại các khu dân cư, xây dựng các mô hình điểm, vận động nhân dân xây dựng, tham gia và bảo vệ các công trình giao thông... Với phương châm lấy khu dân cư là địa bàn phối hợp thực hiện, phong trào "Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông” đã phát huy được vai trò của hơn 100 ngàn Ban công tác Mặt trận của 105.769 khu dân cư. Đến nay có 15.894.952 gia đình đạt chuẩn văn hóa trên tổng số 22.659.006 gia đình trên cả nước, đã có 54.225 khu dân cư đạt chuẩn văn hóa trên 105.769 khu dân cư. Đây chính là các gia đình, khu dân cư làm tốt công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Trong các tầng lớp nhân dân đã có chuyển biến về nhận thức khi tham gia giao thông, đã thấy được hiểm họa của tai nạn giao thông đối với mỗi con người, mỗi gia đình và toàn xã hội. Việc thay đổi nhận thức của cộng đồng đã góp phần làm giảm thiểu các vụ TNGT và đảm bảo trật tự ATGT.

Trước thực trạng ATGT đang trở thành một thách thức, nguy cơ, hiểm họa tiềm tàng, Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ công an – Phó trưởng ban ATGTQG nhấn mạnh: Tình hình trật tự an toàn giao thông vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Hàng năm, số người chết về tai nạn giao thông vẫn ở mức cao, nguy cơ gia tăng tai nạn còn rất lớn trên cả đường bộ, đường sắt và đường thủy nội bộ. Việc ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều phức tạp. "Tai nạn giao thông đã thực sự là "quốc nạn”, là thách thức, hiểm họa tiềm ẩn đối với an sinh và trật tự xã hội, sự bình yên của mọi gia đình, cản trở sự phát triển kinh tế, làm giảm đi hình ảnh đất nước trong mắt cộng đồng quốc tế”- ông Ngọ nói.

Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và ý thức của người dân

Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ cho rằng, để khắc phục tình hình phức tạp về trật tự an toàn giao thông cần có sự thay đổi căn bản về nhận thức của lãnh đạo các cấp, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm về phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Thay đổi ý thức của người tham gia giao thông, cùng với đó là nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước. Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành đoàn thể các tổ chức chính trị xã hội cần được đẩy mạnh hơn nữa để tạo đột phá trong đảm bảo an toàn giao thông. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông và thực hiện nếp sống văn hóa giao thông trong các tầng lớp nhân dân; tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa MTTQ, các tổ chức thành viên và Ban ANTG các cấp trong công tác đảm bảo trật tự ANTGT. Theo đó, mục tiêu cụ thể giảm từ 5-10% số vụ, số người chết vì tai nạn giao thông; giảm 20% số vụ ùn tắc giao thông, ngăn chặn tình trạng đua xe trái phép, xây dựng lộ trình và triển khai xóa cơ bản các điểm đen về an toàn giao thông.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký UBTƯMTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim cho rằng: Để công tác ATGT thực sự đạt hiệu quả phải phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Phải có cách làm mới, cách làm hay gắn kết những chính sách, những cơ chế mạnh hơn nữa như tịch thu phương tiện vi phạm, phạt nặng các hành vi vi phạm, giải quyết vấn đề lấn chiếm vỉa hè, lòng đường... Tăng cường công tác lãnh đạo của cấp ủy, chỉ đạo của chính quyền, phối hợp trong thực hiện công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức thành viên Mặt trận như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội người Cao tuổi...ở khu dân cư. Cùng với đó là tiếp tục công tác tuyên truyền, vận động toàn dân bằng nhiều phương thức để thay đổi nhận thức của người dân trong việc tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông để mỗi người dân tự giác gương mẫu trong công tác đảm bảo TTATGT... Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, hưởng ứng thực hiện của các tầng lớp nhân dân, việc đẩy lùi tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông sẽ có chuyển biến tích cực trong thời gian tới.

Trung Hiếu

Tại Hội nghị tổng kết Nghị quyết liên tịch 02, Chủ tịch Huỳnh Đảm đã trao tặng bằng khen của UBTƯ MTTQ Việt Nam cho 13 Ban an toàn giao thông tỉnh, thành phố và 2 tập thể đã có thành tích xuất sắc trong việc vận động toàn dân tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông giai đoạn 2000-1011. Bộ Giao thông vận tải trao bằng khen cho 15 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc vận động toàn dân tham gia đảm bảo trật tự ATGT.

Gửi cho bạn bè

Bản in

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=43384&menu=1371&style=1