Vận động nhân dân vượt khó, thoát nghèo

Sau 15 năm liên tục làm Trưởng khu 15, xã Lương Lỗ (Thanh Ba, Phú Thọ), ông Lê Văn Tinh tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ. Cán bộ, đảng viên và người dân trong khu cảm phục, tin yêu ông bởi tác phong giản dị, tận tụy. Ông Tinh tâm sự: Là người cán bộ, đảng viên, ngoài sự nhiệt tình, trách nhiệm, gương mẫu thì mình phải thật sự gần gũi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, đề xuất cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể quan tâm giải quyết những vấn đề người dân cần và phải bằng chính hành động thực tế để dân tin, dân hiểu.

Với phương châm ấy, những năm qua, ông Lê Văn Tinh cùng tập thể chi bộ trăn trở, tìm tòi, tạo hướng phát triển kinh tế để góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Ông đã vận động nhân dân tích cực tham gia lao động sản xuất, đưa các giống lúa, ngô có phẩm cấp tốt, cho năng suất, sản lượng cao vào canh tác, tập trung phát triển chăn nuôi gia súc gia cầm, nuôi trồng thủy sản và tham gia xuất khẩu lao động nhằm xóa đói, giảm nghèo. Nhờ vậy, hằng năm, khu 15 đã đạt tổng sản lượng lương thực hơn 300 tấn, thu nhập từ chăn nuôi hơn năm tỷ đồng/năm, bình quân thu nhập đầu người gần 19 triệu đồng/người/năm.

Ông Tinh còn thường xuyên đến các hộ gia đình, nhất là các hộ neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn để thăm hỏi, nắm bắt tình hình, động viên, chia sẻ, tuyên truyền, vận động mọi người cùng chấp hành tốt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương. Là Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận, ông Tinh vừa là hạt nhân đoàn kết, gắn bó mọi người, vừa vận động người dân trong khu phát huy tinh thần tương thân tương ái, nêu cao truyền thống đại đoàn kết toàn dân, chung sức xây dựng cuộc sống mới.

Ông còn cùng các đảng viên trong chi bộ động viên nhân dân tích cực tham gia xây dựng gia đình, khu dân cư văn hóa. Với vai trò, trách nhiệm của mình, ông đã góp thêm tiếng nói nhằm tranh thủ các nguồn lực và sự ủng hộ của các cấp, các ngành, của những người con xa quê để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, cơ sở vật chất hạ tầng, tạo diện mạo nông thôn mới.

Từ sự nỗ lực, cố gắng của mình, ông Lê Văn Tinh đã góp phần để khu 15 trở thành khu dân cư văn hóa cấp tỉnh, Chi bộ đảng đạt trong sạch, vững mạnh tiêu biểu 5 năm liên tục.

Gây ô nhiễm ở vùng giáp ranh

Suốt thời gian dài, người dân thôn Thụy Lôi, xã Thụy Lâm (Đông Anh, Hà Nội) và xã Thắng Cương (Yên Dũng, Bắc Giang) liên tục kêu cứu vì ô nhiễm khói, bụi do hoạt động đốt rác, phế liệu của các điểm tái chế và xử lý rác thải. Đáng nói là những điểm gây ô nhiễm nêu trên đều nằm trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Tại thôn Quan Độ, xã Văn Môn (Yên Phong, Bắc Ninh), các điểm thu gom, tái chế phế liệu đã hoạt động từ nhiều năm nay gây ô nhiễm nghiêm trọng nhưng không được các cơ quan chức năng xử lý. Một số hộ dân sau khi thu mua phế liệu chứa đồng, nhôm (chủ yếu là dây điện) đã tập kết đốt tại khu vực bãi sông. Hàng tạ dây bọc nhựa khi đốt tạo thành những quầng khói đen kịt, khét lẹt chứa nhiều khí độc hại. Đáng nói ở chỗ, thời điểm người dân thôn Quan Độ đốt phế liệu thường có gió thổi mạnh và khói độc theo gió đã khiến người dân thôn Thụy Lôi, huyện Đông Anh, Hà Nội hứng chịu cả. Người dân thôn Thụy Lôi nhiều lần gửi đơn, có ý kiến với chính quyền địa phương, nhưng vì nơi gây ô nhiễm lại là địa phương khác cho nên sự việc vẫn chưa được giải quyết.

Cũng chịu chung cảnh hít thở khói bụi ô nhiễm do rác thải nhưng từ nơi khác là người dân xã Thắng Cương (Yên Dũng, Bắc Giang). Từ năm 2013, bãi rác tại xã Phù Lãng (Quế Võ, Bắc Ninh) tổ chức tập kết rác thải khiến người dân chung quanh bán kính 500 m phải chịu đựng đủ thứ mùi xú uế. Đáng nói hơn, mỗi khi đơn vị quản lý bãi rác đốt rác thì khói bụi bốc lên đen đặc, bao trùm cả mấy thôn ven sông của xã Thắng Cương. Kiến nghị mãi nhưng không nơi nào đứng ra xử lý, người dân chỉ còn cách đưa người già, trẻ con đi nơi khác "lánh nạn" mỗi khi bãi rác hoạt động. Ngoài ra, cũng theo người dân phản ánh, thỉnh thoảng nước thải từ bãi rác đổ ra sông Cầu khiến nước sông ô nhiễm trầm trọng. Nhiều loại thủy sản trước kia sống tại đoạn sông này giờ không còn nữa. Theo đăng ký hoạt động tại Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh, bãi rác tại xã Phù Lãng không có chức năng đốt rác mà chỉ được phép xử lý bằng cách chôn lấp.

Hoạt động đốt rác, phế liệu trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh gây ô nhiễm cho người dân địa bàn giáp ranh đã vi phạm quy định về bảo vệ môi trường, nhưng vẫn tồn tại từ nhiều năm nay cho thấy sự buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm của cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương. Đề nghị chính quyền tỉnh Bắc Ninh kiểm tra, làm rõ và xử lý triệt để những điểm gây ô nhiễm, trả lại môi trường trong sạch cho người dân các vùng lân cận.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/bandoc/item/32028202-van-dong-nhan-dan-vuot-kho-thoat-ngheo.html