Vấn đề Triều Tiên: Mỹ tước quyền tự quyết của Hàn Quốc?

Khi người đứng đầu Nhà Trắng chỉ trích Seoul muốn đối thoại liên Triều, cho thấy quyền tự quyết của Hàn Quốc không được tôn trọng...

Tổng thống Trump chỉ trích người đồng cấp Hàn Quốc muốn đối thoại với Bắc Hàn

Theo hãng tin CNN, Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 4/9, đã bất ngờ đưa ra lời chỉ trích người đứng đầu Nhà Xanh trong nỗ lực tìm kiếm đối thoại với Bình Nhưỡng.

Lời chỉ trích đồng minh được ông Trump đưa ra chỉ vài giờ sau khi Bình Nhưỡng cho tiến hành vụ thử bom nhiệt hạch vào trưa 3/9.

Động thái này của người đứng đầu Nhà Trắng, theo giới phân tích, sẽ gây lo ngại cho quan chức chính phủ Hàn Quốc.

Các trợ tá của Tổng thống Mỹ tiết lộ rằng, nhà lãnh đạo Mỹ ngày càng bất bình trước lập trường mà ông cho là yếu đuối của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đối với Triều Tiên là muốn đàm phán với Bình Nhưỡng để hạ nhiệt căng thẳng.

Tổng thống Trump đã quá đà trong việc xem nhẹ quyền tự quyết của Hàn Quốc

Ngày 1/9, sau khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa bay ngang qua lãnh thổ Nhật Bản, Tổng thống Trump cũng có cuộc điện đàm với người đồng cấp Hàn Quốc, mà theo CBS News, ông Trump đã nhấn mạnh không còn lúc đối thoại với Triều Tiên.

Song theo Yonhap dẫn thông báo của Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, thì hai nhà lãnh đạo Mỹ - Hàn đã thống nhất phải tăng cường khả năng phòng thủ của Hàn Quốc và vẫn ưu tiên đưa Bình Nhưỡng quay lại đối thoại.

Điều đó khiến cho dư luận bán tín bán nghi, không biết thông tin từ CBS News là chuẩn xác hay từ Yonhap News là chính xác và liệu Washington có thực sự phớt lờ ý muốn giải quyết xung đột trên bán đảo Triều Tiên bằng biện pháp hòa bình.

Tuy nhiên sự thật đã được công khai vào ngày 3/9, khi Tổng thống Trump viết trên Twitter chỉ trích đồng minh. "Hàn Quốc đang thấy rằng, việc họ nói về thỏa hiệp với Triều Tiên sẽ không hiệu quả, họ chỉ hiểu có một điều thôi!".

Cho dù ông Trump không cho biết cụ thể "một điều" đó là gì, song theo giới phân tích như vậy cũng là quá đủ, mà không cần người đứng đầu Nha Trắng phải giải thích thêm điều gì nữa.

Bởi lẽ, qua những gì mà vị tổng thống doanh nhân của nước Mỹ đã thể hiện thì quyền tự quyết của người dân và chính quyền Hàn Quốc đã bị xem nhẹ, thậm chí bị tước bỏ nếu Washington thực hiện hành động không phù hợp ý nguyện của đồng minh.

Mất quyền tự quyết, Hàn Quốc sẽ mất gì?

Theo lịch sử các học thuyết chính trị, một quốc gia hình thành, tồn tại và phát triển gắn liền với ba quyền cơ bản, đó là quyền tự do dân tộc, quyền tự quyết dân tộc và quyền bảo vệ tổ quốc. Mất 1 trong 3 quyền cơ bản này, coi như ảnh hưởng chủ quyền quốc gia.

Trong 3 quyền cơ bản của quốc gia dân tộc, thì quyền tự quyết đóng vai trò trung tâm. Những lực lượng nắm giữ vận mệnh quốc gia phải thực hiện quyền bảo vệ tổ quốc để đảm bảo quyền tự quyết dân tộc.

Ranh giới giữa bảo trợ với xâm phạm quyền cơ bản của đồng minh rất mong manh

Quyền bảo vệ tổ quốc là quyền thiêng liêng. Vì vậy lực lượng cầm quyền phải có trách nhiệm sử dụng sức mạnh nhà nước để thực hiện tốt quyền này của quốc gia dân tộc mình.

Quyền tự do dân tộc là quyền cơ bản, nếu mất tự do dân tộc thì có thể hiểu là mất nước. Do vậy trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào, lực lượng cầm quyền đều phải đảm bảo được quyền tự do cho quốc gia dân tộc mình.

Từ trước tới nay vấn đề độc lập và chủ quyền đều được xem là biểu hiện của quyền cơ bản của các quốc gia dân tộc. Dù lực lượng cầm quyền xây dựng chính sách dựa trên nền tảng tư tưởng nào, song quyền cơ bản của quốc gia dân tộc thì luôn không có gì khác biệt.

Một quốc gia được hình thành, một nhà nước được ra đời, không thể là một quốc gia độc lập, có chủ quyền nếu nguyên tắc tồn tại của nó không gắn liền với vấn đề bảo vệ quyền cơ bản của quốc gia dân tộc ấy.

Khi Hiệp định đình chiến cho Chiến tranh Triều Tiên được ký kết, nó đã trở thành công cụ quan trọng đảm bảo cho chiến lược của Mỹ tại vùng Viễn Đông, song nó cũng đồng thời khiến cho quyền tự quyết của người Nam Hàn phụ thuộc vào tính toán của người Mỹ.

Sau khi Washington và Seoul ký kết với Hiệp ước anh ninh chung Mỹ - Hàn vào năm 1954, thì quyền dân tộc cơ bản của Hàn Quốc càng bị bó hẹp hơn, sau khi Mỹ trở thành lực lượng bảo trợ an ninh cho xứ Nam Hàn.

Cho dù, theo Hiệp ước an ninh chung thì đảm bảo an ninh cho Hàn Quốc là sự phối kết hợp giữa lực lượng quân sự của hai bên, song trách nhiệm gần như hoàn toàn thuộc về Mỹ.

Và nay, khi người đứng đầu Nhà Trắng chỉ trích chính quyền Hàn Quốc muốn tìm kiếm cơ hội cho đối thoại liên Triều, cho thấy vấn đề không còn lả Mỹ bảo trợ an ninh cho Nam Hàn, mà quyền tự quyết của Hàn Quốc đã không được tôn trọng.

Washington tạo sự mơ hồ giữa việc bảo trợ và xâm phạm quyền dân tộc cơ bản của đồng minh

Biến Hàn Quốc miễn nhiễm với ngoại giao nước lớn là ý đồ của Mỹ

Giới phân tích cho rằng, trong quan hệ đồng minh chiến lược giữa Mỹ và Hàn Quốc, rất khó có thể phân được rõ hành động nào nằm trong giới hạn sự bảo trợ đồng minh của Mỹ, hành động nào xâm phạm quyền dân tộc cơ bản của Hàn Quốc.

Và việc tạo ra sự mơ hồ ấy là một sự tính toán khôn ngoan của người Mỹ.

Nó giúp cho Washington khai thác tối đa lợi ích trong quan hệ với đồng minh và tạo sự lệ thuộc của đồng minh vào Mỹ.

Có thể thấy rằng, khi tạo ra công cụ khắc chế với sự trỗ dậy của Hàn Quốc và sự miễn nhiễm của Seoul với ngoại giao nước lớn, Washington đã hạn chế tới mức tối đa quyền tự quyết của Hàn Quốc trong vòng kiểm tỏa của lợi ích Mỹ.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/van-de-trieu-tien-my-tuoc-quyen-tu-quyet-cua-han-quoc-3342463/