Vấn đề hôm nay: Vô cảm

(VOH) - Câu chuyện về bé Duyệt Duyệt 2 tuổi bị xe tải cán, 18 người đi qua vẫn thờ ơ không cứu ở Trung quốc đã xôn xao trên cộng đồng mạng về thói vô cảm của người đời.

Cha mẹ bé Duyệt Duyệt quỳ mọp xuống tạ ơn người phụ nữ nhặt rác tốt bụng (Ảnh: SOHU)

Câu chuyện này đánh động vào nhân tâm con người nhưng nó cũng báo động về tình hình tai nạn giao thông khủng khiếp hiện nay. Có ai biết kinh nghiệm mà cánh tài xế xe tải rỉ tai nhau là khi cán phải một người là nên cán chết người đó luôn, người chết thì trách nhiệm 1 lần còn hơn là để thương tật dây dưa khó giải quyết. Chẳng phải vì thế mà sau khi bé Duyệt Duyệt qua đời, ở Trung Quốc lại có thêm tin một bé 5 tuổi bị xe tải cán chết đến 2 lần. Con người sao mà tàn nhẫn đến ghê sợ. Câu chuyện xảy ra ở Trung quốc nhưng làm ta cũng phải giật mình, đó là cái thói vô cảm của cái mà chúng ta hay gọi là CON NGƯỜI.

Vô cảm bị lên án khi thấy người chết mà không cứu. Điều đó đã rõ, nhưng trong cuộc sống hằng ngày biết bao những hành vi vô cảm mà chúng ta vẫn chưa biết, hoặc có biết nhưng dễ dàng cho qua. Đi đường thấy kẻ cướp không dám ra tay vì sợ rước họa vào thân, đi chợ thấy kẻ móc túi nhưng không dám tri hô vì sợ chúng trả thù. Vì bản thân mình mà sợ những điều tai bay họa gió thôi thế cũng đành. Nhưng có những điều chúng ta cảm thấy có lợi cho mình lại làm tổn hại đến người khác mà rồi cũng nhắm mắt làm ngơ, sản xuất không an toàn, dùng các hóa chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Sản xuất, xây dựng trong điều kiện không an toàn, không đảm bảo vệ sinh lao động gây tai nạn lao động, chết người. Một nhà máy hóa chất sẵn sàng thải các chất thải độc hại ra sông, làm ô nhiễm nguồn nước, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống cư dân. Trồng lúa, trồng rau đổ nhớt xuống ruộng để không bị sâu rầy nhưng có nguy cơ gây bệnh ung thư cho người dùng. Còn biết bao thứ độc hại biết mà vẫn làm, thấy người ta làm mình cũng làm, vả lại người ta ăn cũng có chết liền đâu mà sợ… Như thế chẳng phải là vô cảm đó hay sao?

Cuộc sống thành thị tất bật lo toan vô tình đã hình thành lối sống đèn nhà ai nấy tỏ, không như ở quê tối lửa tắt đèn có nhau, cho nên “cháy nhà hàng xóm bình chân như vại”, muốn nhà mình sạch thì đem rác thải đổ xuống kênh rạch, cống rảnh. Đường phố có dơ thì ngành vệ sinh công cộng chịu trách nhiệm, cống có nghẹt mưa ngập đường, ngập sá cũng do lỗi của ngành giao thông công chánh. Cái gì thuộc của công thì vô tư xài lãng phí, không biết đó là tiền của dân đổ mồ hôi, sôi nước mắt làm ra đóng thuế cho Nhà nước. Quan tham đục khoét công quỹ, cán bộ công chức thờ ơ trước những bức xúc của người dân, sáng xách ô đi chiều xách ô về, thâm lạm lao động 8 giờ vàng ngọc để làm việc riêng, sống thiếu gương mẫu, sống không có đạo đức, xa hoa lãng phí… đó không phải là thói vô cảm trước hàng triệu đồng bào còn cơ cực thiếu ăn, đói khổ hay sao?

Ở đời luôn có kẻ xấu, người tốt, anh xe ôm không sợ nguy hiểm, cụ già cao tuổi ngày ngày vẫn cặm cụi dọn sạch đường phố khu phố, cháu thiếu nhi mỗi ngày cõng bạn bị liệt tới trường, nhiều cháu không sợ chết ở vùng nước xoáy, bơi ra cứu bạn trong mùa lũ... biết bao tấm gương dũng cảm, vì lòng nhân ái mà quên mình cứu người. Có xây 7 tháp phù đồ không bằng làm phước cứu cho 1 người. Không cần những việc lớn lao, phi thường, chỉ cần sống có trách nhiệm với cộng đồng, không làm việc gì trái với lương tâm, với đạo đức xã hội, mở rộng tấm lòng bao dung với mọi người, đừng để thói vô cảm lấn át mình trước sự việc hàng ngày, để dư luận lên án, lương tâm cắn rứt. Sống sao cho có ích, hãy để cuộc sống của chúng ta mỗi ngày là một ngày vui, sống như thế mới là đáng sống./.

Nguồn VOH: http://voh.com.vn/news/newsdetail.aspx?id=37652