Vẫn còn quất tứ quý Tứ Liên

Những tháng cuối năm, con đường dẫn vào làng quất cảnh Tứ Liên dường như đông đúc hơn, người và xe hối hả. Người làng Tứ Liên tất bật với bao thứ việc ngoài ruộng vườn mong có được những cây quất đẹp nhất kịp mang ra chợ Tết ngày Xuân.

Nghề trải bốn đời

Tứ Liên trước kia còn gọi là Tứ Tổng. Lịch sử có ghi lại từ thời nhà Trần, nhà Lê, nhà Nguyễn, đây là nơi sinh sống, canh tác của bốn làng: Nội Châu, Ngoại Châu, Vạn Ngọc, Ngọc Xuyên nên tên gọi Tứ Tổng và tên Tứ Liên từ đó mà ra. Dân làng Tứ Liên tự hào về truyền thống của làng, truyền thống ấy hun đúc tạo nên tính cách con người nơi đây dũng cảm,chịu thương, chịu khó, sáng tạo duy trì và phát triển nghề truyền thống. Tháng 2-1947, làng Tứ Tổng là nơi đưa Trung đoàn Thủ đô qua sông Hồng trong cuộc rút quân huyền thoại.

Không rõ nghề trồng quất cảnh bắt đầu từ bao giờ, chỉ biết ở làng Tứ Liên có nhà đã bốn đời làm nghề này. Nhà ông Minh, ở giữa làng là một trong những gia đình như thế. Ông có 3 sào đất vườn liền với thổ của căn nhà 3 gian lợp ngói gia đình ông đang ở, 2 sào đất vườn ở đầu làng, 4 sào ruộng ven sông Hồng, đều trồng quất. Ông Minh từng là cán bộ hải quan nhưng có dáng một lão nông thứ thiệt với đôi bàn tay to bè, nứt nẻ, luôn mặc chiếc áo kaki hai túi đã sờn vai. Làm luống xong, ông vác cuốc vào hiên nhà kéo điếu thuốc lào. Ông bảo làm cán bộ Nhà nước gần 30 năm nhưng thu nhập thì không bằng chăm mấy vườn quất cảnh, có lẽ thế mà vợ chồng ông đẻ tới 4 người con cho có lao động đỡ đần việc nhà nông.

Nhà ông Minh có nhiều khách quen mua quất, những khách hàng là công ty, cơ quan trong phố đến tầm này đã rủ nhau đi ngắm và chọn mua ngay ngoài vườn. Có khách mua quen nhiều năm rồi trở thành thân thiết đến độ xin ngủ lại, sáng sớm theo chân ông ra vườn học cách chăm sóc cây vì tò mò muốn biết người ta làm thế nào có được cây quất đẹp như thế.

Giữ gìn thương hiệu

Trước đây, người làng Tứ Liên làm tất cả các công đoạn từ cây giống cho tới khi đem ra chợ bán, giờ các nhà vườn đều mua giống ở Văn Giang, Hưng Yên. Làm cây giống là khâu mất nhiều công sức và thời gian, hơn nữa đất đai ở Tứ Liên cũng bị thu hẹp không đủ đất mà làm giống nữa. Tháng 3 âm lịch là thời điểm tốt nhất trồng quất cảnh, cây làm giống phải là cây chiết cành từ cây lâu năm, quất trồng từ cây chiết cuối năm mới kịp cho quả. Trung bình một sào đất trồng được 150 cây, nhưng để có quất đẹp, người Tứ Liên chỉ trồng độ 100 gốc cho cây đón nắng, sinh trưởng tốt hơn. Người trồng quất Tứ Liên không ham số lượng mà tập trung chăm chút từng cây, làm hài lòng người chơi và không làm hỏng thương hiệu quất của làng.

Cũng giống như trồng các loài cây khác, nghề trồng quất cảnh phải trải qua các công đoạn vất vả như làm luống, vun gốc, bỏ rãnh, làm cỏ, bón phân, trừ sâu... Chăm quất cảnh quan trọng nhất là không để cây bị ngập nước, thối rễ, cây sẽ chết hoặc không lớn được. Làng ven sông Hồng như Tứ Liên hầu như năm nào cũng ngập, có năm nước sông lút ngọn quất cảnh đang ra quả xanh, ông Minh mất trắng.

Làng Tứ Liên có hai con đường song song dọc theo chiều dài của làng, một đường men theo triền đê dẫn tới chợ hoa Tứ Liên-Quảng Bá, một đường chạy theo bãi sông đến làng hoa đào Nhật Tân. Chợ hoa họp từ 1 giờ sáng, trước đây người đi chợ ai cũng mang theo cái đèn pin để tìm được mớ hoa ưng ý. Dưới ánh đèn pin mới thấy rõ màu đỏ thẫm của hoa hồng nhung, đỏ tươi của đồng tiền, màu vàng rực hoa cúc, tím da diết của violet... hoa nào cũng ướt đẫm sương đêm. Bây giờ chợ thắp điện sáng trưng chẳng cần đến đèn pin, khách đi chợ tự dưng thấy thiêu thiếu cái gì đó.

Mùa thu ngô, gò quất

Lan, con gái út của ông Minh, ở cái tuổi trăng tròn nhưng nhỏ người, có lẽ do vất vả làm lụng từ nhỏ. Cô thiếu nữ mặc thêm cái áo bảo hộ màu xanh lá, nhanh nhẹn buộc mấy bao tải dứa, xin phép bố sang bãi giữa trẩy ngô. Đi hết bãi cỏ lau là nhìn thấy mép sông, vài ba chiếc thuyền lớn chở hàng sứ đang neo đậu. Một tấm ván dài đặt làm cầu từ mạn thuyền lên tới bờ đất cao, mấy cửu vạn vác bình sứ to trên vai bước thoăn thoắt, chiếc cầu võng xuống dập dờn theo dịp bước. Đồ sứ dưới thuyền được chất đầy lên các xe thồ rồi nối đuôi nhau theo đường mòn đi vào phố chợ. Gốm Hải Dương, Bát Tràng được vận chuyển bằng đường sông theo cách này. Người ta quen gọi nơi đây là Bãi Sứ.

Sông Hồng sau mùa lũ yên ả lạ thường, vài xoáy nước đuổi nhau theo dòng cuộn lên màu đỏ phù sa. Ngô bên bãi giữa trồng bạt ngàn, ngút tầm mắt. Bắp ngô đến lúc hái được là khi râu ngô chuyển sang màu vàng sẫm, cẩn thận hơn thì vạch vài lớp áo cho lộ hạt. Ngô nếp bãi giữa sông Hồng là đặc sản của người Hà Nội. Ngô được nhiều người cầu kỳ chế biến làm các món ngô nướng, ngô chiên, bánh ngô, ngô xào tôm khô... nhưng thưởng thức hết cái ngon của ngô thì chỉ đơn giản là luộc. Khi luộc, vị của nước kết hợp với lá, lõi và râu ngô tạo nên vị ngọt thơm đặc biệt làm hấp dẫn tất cả ai từng nếm thử.

Đến mùa thu hoạch ngô cũng là bắt đầu vào mùa gò thế cây của làng quất cảnh. Thợ gò quất phải là người có bàn tay khéo léo và con mắt thẩm mĩ, biết cách “sắp xếp” những quả quất, tán lá mọc thưa thớt, rải rác tập trung lại, phô quả ra ngoài trải đều khắp cây từ gốc đến ngọn, điểm xuyết quả xanh, quả chín, hoa, lộc biếc… Có nhiều kiểu tạo hình cho cây quất cảnh: tạo hình cây quất thế, cây quất dáng mâm xôi, cây quất dáng hình tháp... Để gò hoàn thiện cho một cây quất loại vừa và nhỏ thì một người thợ gò lành nghề, có kinh nghiệm cũng phải mất đến vài tiếng đồng hồ, còn với những cây quất to, cao trên 2m có khi phải mất cả ngày. Chính vì vậy các nhà vườn phải bắt tay vào gò thế quất sớm thì mới mong kịp phục vụ dịp Tết Nguyên đán.

Quất cảnh Tứ Liên cây nào cũng có dáng đẹp, nhiều lộc, quả chín, quả xanh, hoa trắng hay còn gọi là quất "tứ quý" đã sẵn sàng lên đường vui xuân cùng với mọi nhà trong thành phố.

Một mùa xuân nữa sắp về, vườn quất đang độ chín vàng dưới sắc nắng hanh hao sẽ đón gió xuân mang hơi ẩm từ sông Hồng thổi về làm trái căng mọng. Ông Minh và bao người trồng quất của làng Tứ Liên sẽ đón mùa xuân mới trong hân hoan, vui mừng vì quất cảnh được giá, bù đắp bao nỗi vất vả trong một năm trồng trọt.

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/van-con-quat-tu-quy-tu-lien/712537.antd