Vận chuyển gạo vào bản hỗ trợ bà con bị cô lập do mưa lũ ở Quảng Bình

Liên tiếp những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, nhiều nơi ngập cục bộ, giao thông chia cắt.

Quảng Bình có địa hình vùng đồi núi dễ bị chia cắt, vùng trũng ngập lụt dễ bị cô lập. Hiện nay, người dân ở các địa phương này đã chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, đề phòng mưa lớn trong những ngày tới gây ngập lụt chia cắt, cô lập dài ngày.

Vận chuyển lương thực vào các bản làng biên giới dễ bị cô lập

Những đợt mưa liên tiếp vừa qua gây ngập lụt tại nhiều ngầm tràn ở miền núi tỉnh Quảng Bình. Hơn 20 thôn bản ở các huyện miền núi bị cô lập do đường vào các bản bị chia cắt khi nước lũ về. Đặc biệt, khu vực Hung Trâu dẫn vào 3 bản Mò O-Ồ Ồ, Ón, Yên Hợp, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa đang ngập sâu 1,5m, các phương tiện không qua lại được. Dự báo những ngày tới có mưa lớn diện rộng, gây ngập cục bộ, giao thông chia cắt, ảnh hưởng cuộc sống người dân vùng bị cô lập.

Những ngôi nhà chống lụt bão sẽ giúp người dân chủ động ứng phó trước mưa lũ

Ông Hoàng Thanh Bình, Phó trưởng Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình cho biết, địa phương đã vận chuyển lương thực, thực phẩm vào các bản làng, phối hợp với các Đồn Biên phòng trên tuyến biên giới kịp thời phân phát cho bà con khi mưa lũ gây cô lập dài ngày.

“Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Minh Hóa vận chuyển 3 tấn gạo cho vùng đồng bào Rục thuộc các bản Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ, xã Thượng Hóa và 3 tấn gạo cho bà con dân tộc các bản khu vực biên giới xã Trọng Hóa. Số gạo được phòng Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với các đồn biên phòng trên tuyến biên giới tập kết tại các đồn để dự trữ, bảo quản và ứng cứu cho người dân trong trường hợp cô lập, chia cắt cần hỗ trợ về lương thực”, ông Bình nói.

Hiện nay, người dân tỉnh Quảng Bình cũng sẵn sàng ứng phó với tình hình mưa lớn, áp thấp nhiệt đới đang mạnh lên. Nắm bắt thông tin mưa lũ diễn biến phức tạp trong những ngày tới, ông Bùi Hữu Thanh, ở xóm 3 thôn An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy chở lúa đi xay thành gạo, bọc kín trong lớp bao nilon, bao tải bên ngoài để dự trữ. Vợ ông Thanh cũng tranh thủ đi chợ mua thực phẩm khô dễ bảo quản để dự trữ trong nhà, đề phòng ngập lụt dài ngày. Ông Bùi Hữu Thanh cho biết, trước khi mưa lớn, bà con đã kịp đưa đồ đạc lên gác cao, nhà nào có nhà chống lụt bão thì rất yên tâm.

Những cánh đồng ở vùng trũng huyện Lệ Thủy đã ngập nước do đợt mưa vừa qua

“Khi gió to, nước lên ngang đường làng, đường ngập thì mọi công tác ứng phó đã được chuẩn bị xong. Đồ đạc đã chuẩn bị rồi, kê đồ, lúa, đồ dùng lên cao. Chuẩn bị khoảng vài chục ký gạo, thực phẩm khô ví dụ cá khô, tép, mắm ruốc và các thực phẩm thiết yếu để ăn hàng ngày”, ông Thanh cho hay.

Hiện nay, ngành Giáo dục tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu các đơn vị, trường học triển khai biện pháp ứng phó mưa lũ, tùy theo diễn biến thời tiết để chủ động cho học sinh nghỉ học, đảm bảo an toàn.

Chính quyền địa phương và bộ đội biên phòng đưa gạo vào bản dự trữ, phân phát cho người dân

Ứng phó mưa lớn kéo dài, tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương và nhân dân triển khai “4 tại chỗ”. Tỉnh này cũng đề nghị các địa phương đảm bảo dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm, pin dự phòng, vật tư y tế... dự phòng cho tình huống bị chia cắt dài ngày, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng có đồng bào dân tộc sinh sống.

Ông Phan Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Quảng Bình cho biết: “Chuẩn bị dự trữ hàng hóa thiết yếu, thực hiện phương châm 4 tại chỗ phục vụ phòng chống lụt bão trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng phương án 4 tại chỗ ở các địa phương. Phối hợp với sở, ban, ngành, các lực lượng trong ban phòng chống lụt bão để có phương án ứng cứu khi có yêu cầu, lệnh điều động của UBND tỉnh”.

Thanh Hiếu/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/van-chuyen-gao-vao-ban-ho-tro-ba-con-bi-co-lap-do-mua-lu-o-quang-binh-post1053168.vov