Văn Chấn nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp

Sản xuất nông nghiệp của huyện Văn Chấn đang phát triển mạnh theo hướng hàng hóa. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp bước đầu đã hình thành sự liên kết, hợp tác với các đơn vị, doanh nghiệp. Từ đó, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp cho giá trị kinh tế cao.

Công chức địa chính - nông lâm xã Sơn Lương cùng với người dân thôn Tành Hanh kiểm tra mô hình trồng bí lấy hạt.

Năm 2010, Công ty TNHH Hạt giống Tân Lộc Phát, thành phố Hồ Chí Minh đã về xã Sơn Lương vận động nông dân trồng bí bán hạt giống cho Công ty. Với hình thức nhân dân bỏ đất, bỏ công, doanh nghiệp cung ứng hạt giống, phân bón và cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc và thu hoạch. Sản phẩm hạt bí được doanh nghiệp thu mua hết với giá từ 400 - 600.000 đồng/kg tùy thời điểm.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế, một số hộ đã chủ động trồng thử nghiệm. Đến nay, ngoài trồng bí ngô lấy hạt, người dân mở rộng diện tích trồng bí đao, bầu và mướp đắng lấy hạt. Giá thu mua hạt bí luôn giữ được ổn định. Từ chỗ chỉ có vài hộ đăng ký thực hiện, đến nay, có trên 120 hộ ở xã Sơn Lương tham gia với diện tích trên 10 ha.

Ông Hà Văn Hưng - Chủ tịch UBND xã Sơn Lương cho biết: "Bí là cây có khả năng chịu hạn tốt, phát triển nhanh, thời gian sinh trưởng khoảng 90 - 120 ngày là cho thu hoạch, ít sâu bệnh, chi phí đầu tư thấp, thu nhập bình quân không dưới 100 triệu đồng/ha sau khi đã trừ các khoản chi phí. Đây là mô hình không mới nhưng nó thể hiện sự liên kết, bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người nông dân, góp phần quan trọng giúp cho nhiều hộ dân có việc làm, tăng thu nhập, nhiều hộ đã thoát nghèo, trở lên khá giả”.

Dựa trên đặc điểm về địa hình, thổ nhưỡng và thời tiết, huyện Văn Chấn đã hình thành và phát huy hiệu quả 3 vùng sản xuất nông nghiệp gồm: vùng trong, vùng ngoài, vùng cao và thượng huyện. Vùng trong gồm 4 xã, thị trấn: Đồng Khê, thị trấn Sơn Thịnh, Sơn Lương, thị trấn nông trường Liên Sơn; vùng này có lợi thế để phát triển sản xuất lúa chất lượng cao, phát triển cây ăn quả có múi như cây nhãn; xây dựng các trang trại, hộ gia đình chăn nuôi lợn công nghệ cao, chăn nuôi gia cầm hàng hóa; xây dựng vùng trồng rau sạch, an toàn và phát triển diện tích trồng cây mắc ca.

Vùng ngoài gồm 9 xã, thị trấn: Đại Lịch, Tân Thịnh, Chấn Thịnh, Bình Thuận, Nghĩa Tâm, Minh An, Thượng Bằng La, thị trấn Nông trường Trần Phú, Cát Thịnh; khu vực này có lợi thế để phát triển cây chè theo hướng thâm canh, cải tạo và thay thế diện tích kém hiệu quả, cung cấp nguyên liệu chế biến chè đen xuất khẩu gắn với các cơ sở chế biến, phát triển vùng cây ăn quả có múi, chăn nuôi thủy đặc sản. Vùng cao và thượng huyện gồm 11 xã: Suối Bu, Suối Giàng, Suối Quyền, An Lương, Nậm Lành, Nghĩa Sơn, Sùng Đô, Nậm Mười, Gia Hội, Nậm Búng, Tú Lệ là vùng phát triển cây chè Shan, hình thành vùng nguyên liệu chè sạch phục vụ chế biến chè xanh chất lượng cao; phát triển các mô hình chăn nuôi đặc sản.

Đến nay, huyện Văn Chấn đã hình thành được mô hình trồng mướp đắng, bí lấy hạt ở xã Sơn Lương, quy mô 10 ha, cho giá trị trên 100 triệu đồng/ha/năm; mô hình nuôi ba ba gai tại xã Cát Thịnh, thị trấn Nông trường Trần Phú quy mô trên 100 hộ thu nhập trên 1 tỷ đồng/ha/năm; mô hình sản xuất cây ăn quả có múi diện tích trên 70 ha với 7 hộ tham gia được thực hiện bởi Hợp tác xã Trồng cây ăn quả và Dịch vụ tổng hợp Bình Thuận, xã Bình Thuận, sản lượng hàng năm trên 1.000 tấn, doanh thu đạt gần 20 tỷ đồng/năm; mô hình sản xuất chè xanh, chè đen chất lượng cao đang được các công ty, doanh nghiệp triển khai thực hiện, tổ chức liên kết, bao tiêu sản phẩm cho người dân; mô hình sản xuất lúa nếp đặc sản Tú Lệ được duy trì, thực hiện bởi Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Tú Lệ, liên kết sản xuất với hơn 200 hộ dân, quy mô diện tích trên 50 ha, tiêu thụ khoảng 70 tấn thóc mỗi năm cho các hộ liên kết…

Các mô hình bước đầu đã khẳng định hiệu quả cho thu nhập cao. Đặc biệt, việc đưa các mô hình hỗ trợ sản xuất đã thay đổi tư duy, tập quán sản xuất, giúp người nông dân lựa chọn được cây, con giống phù hợp để đẩy mạnh sản xuất. Nhờ đó, đến nay, huyện có 21 sản phẩm đạt chuẩn OCOP; trong đó, 10 sản phẩm đạt 4 sao, 11 sản phẩm đạt 3 sao; 4 sản phẩm là chè Shan tuyết Suối Giàng, cam Văn Chấn, ba ba gai và nếp Tan Tú Lệ được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Ông Đinh Khánh Tùng - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn cho biết: "Đơn vị đã tham mưu với UBND huyện phấn đấu đến năm 2025 xây dựng 6 mô hình về lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đặc sản; 3 mô hình về lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản đặc sản. Trong đó, định hướng phát triển các mô hình gắn với liên kết bao tiêu sản phẩm cho người dân và phát triển theo hướng bền vững. Các mô hình phải đảm bảo về quy mô, số hộ tham gia, hiệu quả sản xuất và tính riêng biệt, đặc trưng của từng vùng, từng địa phương. Huyện cũng xem xét cơ chế, chính sách cụ thể để hỗ trợ cho mỗi mô hình, tạo động lực thúc đẩy sâu rộng và đồng bộ. Qua đó, đánh giá, rút kinh nghiệm, tổ chức liên kết, mở rộng sản xuất giúp người nông dân nâng cao giá trị kinh tế trên mỗi đơn vị diện tích canh tác”.

Để phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững, Văn Chấn tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ, định hướng cho người dân xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp, trong đó, ưu tiên các mô hình sản xuất an toàn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, bảo vệ môi trường, nhất là phát triển các mô hình gắn với liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, tạo ra sản phẩm nông nghiệp đáp ứng yều cầu của thị trường. Huyện cũng đẩy mạnh khảo nghiệm các giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao, làm căn cứ để đưa vào sản xuất đại trà, tạo việc làm, thu nhập cho người dân.

Thanh Tân

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/320848/van-chan-nhan-rong-cac-mo-hinh-san-xuat-nong-nghiep.aspx