Văn Cao trong ký ức người ở lại

Nhạc sĩ Văn Cao là người tài hoa. Ông viết nhạc, làm thơ, vẽ tranh. Ở mảng nào ông cũng để lại những dấu ấn mà hậu thế vẫn còn nhắc nhớ, ngưỡng vọng.

Nhạc sĩ Văn Cao.

Ở Việt Nam, Văn Cao được đánh giá là nghệ sĩ lớn, có nhiều sáng tạo mang tính đột phá, để lại dấu ấn đa dạng và sâu đậm nhất, có đóng góp rất quan trọng trên nhiều mặt cho nền văn hóa, văn nghệ nước nhà thế kỷ 20. Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của nhạc sĩ Văn Cao (15/11/1923-15/11/2023), một lần nữa, những ký ức về nhạc sĩ - nhà thơ - họa sĩ Văn Cao được khơi gợi…

Ngày 8/11, Hội thảo khoa học với chủ đề “Thế giới Nhạc, Họa, Thơ của Văn Cao” nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của ông được tổ chức tại Hà Nội. Sự kiện do Báo Nhân Dân phối hợp với Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương và Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức. Chúng tôi xin ghi lại một số ý kiến tại hội thảo.

GS Phong Lê: Ngưỡng mộ và biết ơn Văn Cao - một nghệ sĩ lớn của dân tộc

GS Phong Lê.

Nói Văn Cao, không chỉ ở thời điểm hôm nay, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của ông, mà ngay từ năm 1945, đã là một tên tuổi nghệ sĩ lớn mà cả dân tộc Việt, nhân dân Việt, từ nhỏ đến lớn, từ trẻ đến già không ai không biết đến, và chịu ơn. Bởi ông là tác giả của “Tiến quân ca”, rồi trở thành Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngay từ tháng Tám năm 1944, ở Tân Trào, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định chọn “Tiến quân ca” làm Quốc ca.

Kể từ ấy, Quốc ca đã vang lên trong ngày 17/9/1945 ở Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội, rồi sáng 2/9/1945 ở Quảng trường Ba Đình trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc "Tuyên ngôn độc lập".

Sau “Tiến quân ca”, Văn Cao tiếp tục một sự nghiệp còn lớn, trên một hành trình dài với rất nhiều nguồn mạch, tỏa ra nhiều hướng, soi vào đấy - là cả một dàn giao hưởng của đời sống kháng chiến, với “Bắc Sơn”, và “Chiến sĩ Việt Nam”; “Công nhân Việt Nam”; với “Làng tôi” và “Ngày mùa”; với “Hải quân Việt Nam” và “Không quân Việt Nam”, với “Trường ca Sông Lô” và “Tiến về Hà Nội; và với “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”…

Sự nghiệp âm nhạc vĩ đại của Văn Cao còn nối dài đến năm 1975 với tác phẩm “Mùa xuân đầu tiên” như một sự đón đợi kỳ diệu niềm vui đoàn tụ của hai miền Nam Bắc sau 20 năm bị chia cắt; dẫu phải đến thập niên 1990 công chúng mới được biết đến.

Bên cạnh tư cách một nhạc sĩ lớn, Văn Cao còn là một nhà thơ lớn, bởi ông là tác giả của không ít bài thơ làm tổ được trong lòng bạn đọc nhiều thế hệ, ít ra là thế hệ tôi. Một số bài thơ rất được người đọc nhớ và thuộc trước năm 1945 như: “Quê lòng”, “Đêm mưa”, “Ai về Kinh Bắc”, “Một đêm đàn lạnh trên sông Huế”, “Chiếc xe xác đi qua phường Dạ Lạc”...

Sau thơ, còn là văn, văn xuôi, với các truyện ngắn mà một số đã được đăng trên "Tiểu thuyết thứ Bảy" - năm 1943, như “Dọn nhà”, “Siêu nước nóng”… góp một sắc màu riêng vào trào lưu văn học hiện thực cuối mùa bên Bùi Hiển, Mạnh Phú Tư, Kim Lân, Nguyễn Đình Lạp…

Văn Cao còn một sự nghiệp rất đáng ghi nhận về hội họa, trong tư cách một họa sĩ, ngay từ trước năm 1945, với các bức tranh có tên “Thái Hà ấp đêm mưa”, “Cuộc khiêu vũ của những người tự tử”…

Bấy nhiêu điều về một nghệ sĩ lớn, với đóng góp trên nhiều lĩnh vực thơ văn, nhạc, họa; và ở lĩnh vực nào cũng đạt đỉnh cao, hoặc để lại dấu ấn sâu đậm như Văn Cao, tôi - một công dân Việt bình thường, chỉ có thể nói được đôi điều, với sự ngưỡng mộ và tấm lòng biết ơn.

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha: Tên tuổi Văn Cao ngày càng lấp lánh

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha.

Văn Cao đã rời xa dương thế 28 năm (10/7/1995) nhưng hình như trong tâm trí tôi và cả dân tộc Việt Nam, ông vẫn bên ta hằng ngày.

16 tuổi, trong mùa thu thương nhớ nhà tiểu thuyết tài danh Vũ Trọng Phụng yểu mệnh (1912-1939), Văn Cao đã cất cao một giai điệu đầu sự nghiệp tràn ngập âm hưởng ca trù mang tên “Buồn tàn thu”. Rồi sau đó, Văn Cao đã bay lên với “Thiên thai”, “Cung đàn xưa”, “Thu cô liêu”...

Chính “Tiến quân ca” mà sau này trở thành Quốc ca Việt Nam được viết vào mùa đông năm 1944 là mốc chuyển đổi quan trọng trong tư duy sáng tạo âm nhạc Văn Cao. Đấy là lời đoạn tuyệt với âm nhạc lãng mạn để bước sang địa hạt âm nhạc cách mạng, một hành trình vụt lớn như Phù Đổng trong 6 mùa thu.

Không chỉ từng thăng hoa trong lãng mạn, Văn Cao đã thăng hoa thật phi thường, thật chất ngất khi viết “Không quân Việt Nam”, “Bài ca chiến sĩ hải quân” , “Bắc Sơn” in hằn hình ảnh người dân quân du kích. Nhiều người không biết sự biến chuyển trong tư tưởng thẩm mỹ Văn Cao trước và sau cách mạng rõ rệt nhất khi ông viết lại trường ca “Trương Chi”.

Thật khiếm khuyết nếu chỉ nhắc riêng tới âm nhạc Văn Cao. Ngay từ nhỏ khi bước vào văn nghệ, Văn Cao đã tam tấu cả nhạc-thi-họa. Tâm trạng của một người muốn dứt tung xiềng xích nô lệ để được hít thở bằng lá phổi của người tự do được thể hiện trong bức tranh “Những người tự tử” ở triển lãm “duy nhất” năm 1944. Tác phẩm “Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc” là một lưu giữ duy nhất bằng chữ về nạn đói năm 1945.

Chính cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp đã khiến cho tài năng Văn Cao đạt đến độ sáng rực rỡ. Nghe tiếng chuông nhà thờ rung hoàng hôn, Văn Cao có “Làng tôi”, gặp ngày mùa, Văn Cao có “Ngày mùa” đẹp như một bức tranh màu nước. Văn Cao vẽ và triển lãm bức tranh “Cây đàn đỏ” và đặc biệt là dự báo ngày chiến thắng bằng hành khúc “Tiến về Hà Nội” trước ngày sự thật diễn ra 6 năm sau.

Tư tưởng luôn luôn vươn tới sự mới mẻ trong nghệ thuật thúc giục Văn Cao tìm tòi trong cảm thụ và cảm xúc ở mọi loại hình nghệ thuật. Điển hình là bức tranh “Người thổi sáo” được vẽ bằng họa phái lập thể với cậu bé thổi sáo có hai màu.

Có một thời gian, Văn Cao chìm vào im lặng. Nhiều năm ông không viết ca khúc mà viết tiểu phẩm piano, làm thơ trong im lặng, vẽ bìa, minh họa để kiếm sống cực nhọc ngày qua ngày. Sau ngày giải phóng thống nhất, trong mùa xuân năm 1976 là khúc khải huyền “Mùa xuân đầu tiên”. Tuy nhiên, đến sau khi Văn Cao tạ thế, “Mùa xuân đầu tiên” mới được khai sinh và lớn nhanh trong lòng người. Văn Cao đã đưa người lính ra đi ở “Tiến quân ca” và đưa người lính trở về ở “Mùa xuân đầu tiên”.

Năm 1985, Văn Cao đã thực sự phục sinh khi viết 3 bài thơ Quy Nhơn và được báo “Văn nghệ” giới thiệu sau bao năm bặt tiếng. Mọi cảm xúc phục sinh được Văn Cao viết trong bài thơ “Ba liên khúc ở tuổi 65”. Từ đấy dường như Văn Cao trẻ lại. Sau “Cuộc vận động sáng tác quốc ca mới” năm 1981, Quốc hội đã khẳng định thêm lần nữa rằng “Tiến quân ca” của Văn Cao là “Quốc ca Việt Nam”.

Ngày 10/7/1995, sau Đại hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ V khoảng một tháng, Văn Cao đã bay lên cõi Thiên Thai cùng giai điệu “Thiên thai”. 28 năm sau ngày mất và 100 năm ngày sinh Văn Cao cũng chỉ là một chớp mắt của thời gian vô thủy, vô chung. Nhưng thời gian không những không lãng quên tên tuổi Văn Cao mà càng ngày càng qua thời gian, tên tuổi ông lại càng hiện diện, càng ngời sáng, càng lấp lánh như một vì sao trên đất nước thân yêu của mình.

Nhạc sĩ Doãn Nho: Một trong những người thầy bên tôi mãi mãi trong sự nghiệp sáng tác

Nhạc sĩ Doãn Nho.

Những ngày gần đây, trên truyền hình hay giới thiệu hình ảnh các cháu ở lớp mẫu giáo và các cháu đang học cấp I hát “Tiến quân ca” trong các ngày lễ. Tôi rất cảm động vì mình đã ở tuổi xế chiều (tuổi 90) được thấy hồn sông núi cùng bản chất anh hùng của dân tộc ta vẫn tiếp tục tỏa rạng hết thế hệ này đến thế hệ khác.

“Tiến quân ca” được viết từ trái tim của một chiến sĩ cách mạng thực thụ, ông đã trực tiếp cầm súng cùng đội biệt động làm nhiệm vụ đi diệt và cảnh cáo bọn Việt gian trong thời điểm cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám đã cận kề.

Những tác phẩm của nhạc sĩ Văn Cao theo thời gian đã chứng minh tính chuyên nghiệp cao, mặc dù chủ yếu ông tự học, tự nghiên cứu. Đặc biệt, khi những nhạc phẩm ấy vang lên, ta cảm nhận rõ có sự hiện hữu của nghệ thuật hội họa và thơ văn mang đậm cá tính sáng tạo của ông.

Tôi nhớ tại Paris đã có cuộc bình chọn những bài quốc ca hay nhất của thế giới thì một trong những quốc gia đứng đầu bảng là quốc ca Việt Nam! Tại sao vậy? Đơn giản vì ngoài yếu tố lời ca tiếng Việt còn một yếu tố quan trọng nữa, đó là mặc dù "Tiến quân ca" có bóng dáng của Marseillaise (quốc ca Pháp) nhưng được xây dựng trên thang âm ngũ cung, dần vang lên ở điệu tính sol trưởng tất cả nằm gọn trong thang âm ngũ cung: sì rê mi son la si la son mi rề.

Bài “Ngày mùa” là điển hình của những bài hoàn toàn không có yếu tố thang âm ngũ cung nhưng lời ca đầy chất thơ, mang đậm hình ảnh và chất trữ tình trong tâm hồn người Việt.

Ngoài ca khúc, Văn Cao còn là một trong những nhạc sĩ khai sinh ra thể loại trường ca, một thể loại lớn rất gần với tiểu thuyết trong văn học. Theo lời kể của họa sĩ, nhạc sĩ Văn Thao - con trai cả của nhạc sĩ Văn Cao, chứng kiến tất cả những hy sinh mất mát của người dân khi Pháp mở rộng vùng chiếm đóng, nhạc sĩ Văn Cao đã cho ra đời “Trường ca sông Lô” bất hủ.

Bản trường ca gồm nhiều đoạn nhạc: Đoạn I (gồm cả phần Dạo nhạc) trên 16 nhịp 44, ở điệu tính rê trưởng, tốc độ chậm rãi, gợi lên rất rõ nét hình ảnh con sông với thiên nhiên kỳ vĩ, với lịch sự hào hùng... Tiếp đến đoạn II, điệu tính sol trưởng, tiết tấu dồn dập như những bước chân hân hoan của các chiến sĩ ta vừa giành chiến thắng ngay trên dòng sông này. Đoạn II gồm 31 nhịp 44. Đoạn III tiết nhịp 24 – nhịp đi với điệu tính si trưởng.

Xin nhắc lại: điệu tính si trưởng, không phải là điệu tính si thứ theo luật trưởng thứ song hành. Rõ ràng đây là một sự sáng tạo mang rất rõ cá tính của tác giả. Ở điệu tích này mới có thể nêu bật ý nghĩa lớn lao của chiến thắng, đồng thời ở lời ca, tác giả đã nâng sông Lô lên ngang hàng với Volga và Dương Tử.

Cũng trong đoạn này, tác giả đã đột ngột chuyển sang si thứ trong câu nhạc để dẫn sang đoạn IV trở lại điệu tính sol trưởng với tiết nhịp ¢. Lại một lần nữa bộc lộ cá tính sáng tạo riêng của tác giả.

Đoạn IV là đoạn lớn nhất trong toàn bài với 64 nhịp (đoạn III chỉ có 48 nhịp). Toàn đoạn toát lên tính ngợi ca đầy xúc động, khẳng định chiến thắng sông Lô là nét vàng chói lọi trong trang sử anh hùng của dân tộc ta. Với điệu tính sol trưởng, tác giả vẽ lên hình ảnh người dân nơi chiến địa trở về cuộc sống thanh bình, hăng say sản xuất trong niềm vui, niềm tự hào về chiến công hiển hách trên dòng sông bến nước quê hương...

Đoạn IV kết thúc chuyển ngay sang câu kết cả bản trường ca. Câu kết trở về điệu tính rê trưởng với tốc độ chậm rãi, gợi lại hình ảnh Sông Lô đã được diễn tả trong phần dạo nhạc mở đầu bản trường ca, đúng với yêu cầu “Thống nhất trong sự phát triển. Phát triển trong sự thống nhất” - một nguyên tắc kết cấu dành cho những tác phẩm lớn, những tác phẩm bác học, trong đó có giao hưởng.

Nhà thơ Tố Hữu đã nhận xét: “Văn Cao là một trong những nhạc sĩ lớn nhất về ca khúc trữ tình và ca khúc chiến đấu nước ta... Lời ca của Văn Cao lấp lánh ánh sáng tư duy cao sâu của một nghệ sĩ bậc thầy về sử dụng tiếng Việt hiện đại”.

Ngoài thanh nhạc, Văn Cao còn là tác giả của nhiều tác phẩm khí nhạc dành cho piano, như: “Sông Tuyến”, “Biển Đông”, “Hàng dừa xa”..., đặc biệt cho nhạc phim như: “Chị Dậu” (1980), tổ khúc giao hưởng phim “Anh bộ đội Cụ Hồ” của xưởng phim Quân đội Nhân dân...

Chúng ta rất tự hào đã có một thế hệ xây dựng nên nền âm nhạc cách mạng Việt Nam, góp phần đắc lực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ trái tim mình, tôi luôn nghĩ nhạc sĩ Văn Cao cùng các nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Phan Huỳnh Điểu, Huy Du... mãi mãi là những người thầy của chúng ta và các thế hệ nhạc sĩ trẻ tiếp theo.

PGS.TS Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam: Nhiều tác phẩm của nhạc sĩ Văn Cao hiện đang được trình diễn "tam sao, thất bản"

PGS.TS Đỗ Hồng Quân.

Tuy học nhạc phương Tây nhưng Văn Cao ít chịu ảnh hưởng của âm nhạc lãng mạn Pháp mà hướng giai điệu các bài hát của mình gần với âm nhạc dân tộc, màu sắc ngũ cung (khác với bảy âm trưởng - thứ (major - minor) của phương Tây), lấy chất liệu từ chèo, quan họ, xẩm, ca trù… để sáng tác những ca khúc đầu đời như: “Thu cô liêu”, “Suối mơ”, “Trương Chi”, “Thiên thai” (1941)...

Những năm đầu thập niên 40, trong ông xuất hiện một giọng điệu âm nhạc mới, khỏe khoắn, cứng cỏi, hướng về lịch sử dân tộc như: “Gò Đống Đa” (1940), “Hò kéo gỗ Bạch Đằng Giang” (1941). Có thể coi đây là những ca khúc bước chuyển để chuẩn bị cho một thể loại mới trong âm nhạc Văn Cao. Đó là thể loại hành khúc.

Cuối năm 1944, Văn Cao gặp lại Vũ Quý - một cán bộ cách mạng và được thuyết phục tham gia Việt Minh, với nhiệm vụ đầu tiên là sáng tác một ca khúc, Văn Cao đã viết những khuôn nhạc hành khúc đầu tiên trong những ngày tại căn gác số 171 phố Mongrant và đặt tên cho tác phẩm là “Tiến quân ca”. “Tiến quân ca” được in trên trang văn nghệ của Báo Độc Lập tháng 11/1944.

Ngày 13/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức duyệt “Tiến quân ca” làm Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Ông trở thành tác giả của Quốc ca đầu tiên của Việt Nam, đồng thời cũng là một trong những gương mặt quan trọng nhất của tân nhạc, một trong những nhạc sĩ xuất sắc nhất trong nền âm nhạc Việt Nam thời kỳ này.

Với mảng hành khúc cách mạng, Văn Cao còn để lại các ca khúc như: “Chiến sĩ Việt Nam”, “Công nhân Việt Nam”, “Không quân Việt Nam”, “Thăng Long hành khúc ca”, “Bắc Sơn”, “Tiến về Hà Nội”...

Trong thời kỳ này, ông còn viết những ca khúc trữ tình nhưng tính chất âm nhạc không còn giống thời kỳ đầu. Đây là những ca khúc trữ tình lạc quan, thấm đượm tình yêu nước, yêu đời như: “Làng tôi” (1947), “Ngày mùa” (1948).

Nói về thể loại âm nhạc trong ca khúc của Văn Cao, chúng ta thường nói tới 2 loại hình: các bài hát trữ tình mang âm hưởng dân ca hoặc tiết tấu nhịp nhàng, uyển chuyển như “Cung đàn xưa”, “Mùa xuân đầu tiên”, “Làng tôi”, “Ngày mùa”... Thể loại thứ hai là hành khúc như các bài “Chiến sĩ Việt Nam”, “Công nhân Việt Nam”, “Không quân Việt Nam”, “Tiến về Hà Nội”... Và thể loại thứ ba là trường ca, khi nhắc tới trường ca của Văn Cao ta chỉ nhắc tới một tác phẩm, đó là “Trường ca sông Lô”... Nhưng trên thực tế, tư duy trường ca không chỉ có trong tác phẩm “Trường ca sông Lô” mà trước đó, trong các sáng tác thời kỳ đầu như “Thiên thai” (1941), “Trương Chi” (1942), “Đàn chim Việt” (1948)... đã xuất hiện những yếu tố trường ca. Đây cũng là một đặc điểm trong tư duy sáng tạo thanh nhạc của Văn Cao mà trong những bài hát thông thường (hai đoạn) không thể hiện hết được.

Bài “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao vang lên trước Quảng trường 19/8 khiến nhiều người xúc động (chương trình “Đàn chim Việt” - đêm nhạc kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao, tháng 8/2023).

Trong thể loại trường ca thì tác phẩm đỉnh cao của Văn Cao chính là “Trường ca sông Lô”. Cùng với “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi, “Du kích sông Thao” của Đỗ Nhuận, “Bình Trị Thiên khói lửa” của Nguyễn Văn Thương, “Bộ đội về làng của Lê Yên” (thơ Hoàng Trung Thông), nhạc sĩ Văn Cao đã vượt lên những hình thức âm nhạc thông thường, ghi vào biên niên sử bằng âm thanh những tác phẩm thể loại lớn in đậm dấu ấn sáng tạo, được công chúng đón nhận và sống mãi với thời gian.

Đến mùa xuân năm 1975, sau chiến thắng vĩ đại của dân tộc, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, chúng ta mới được nghe “Mùa xuân đầu tiên của ông”. Một nhịp điệu 3/4 (gần như valse) nhịp nhàng, thánh thót như sau mọi thăng trầm, biến cố của cuộc đời, âm nhạc đã về tới đích của chính mình.

Mỗi một ngày mới trên đất mẹ Việt Nam thân yêu và nhiều nơi trên thế giới, giai điệu “Tiến quân ca” - Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - mà tác giả là nhạc sĩ Văn Cao lỗi lạc lại vang lên hùng tráng, tràn đầy niềm tự hào dân tộc, gợi nhắc lòng ta tưởng nhớ tới một nghệ sĩ tài hoa, một chiến sĩ cách mạng, một nhạc sĩ đầu đàn của nền âm nhạc chuyên nghiệp nước ta, người được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật (đợt I) - nhạc sĩ Văn Cao. Đất nước mãi ghi công ông.

Mỗi một lần nghe Quốc ca của tác giả Văn Cao vang lên, chúng tôi là những nhạc sĩ sáng tác và vừa làm lý luận cũng như công tác biểu diễn luôn thấy trong lòng mình mắc nợ với tác giả vì chưa có được bản chuẩn về bản phổ cũng như diễn tấu đúng tinh thần của Văn Cao, đúng tinh thần của bài hát Quốc ca của đất nước chúng ta. Đây là điều trăn trở rất lâu của chúng tôi, với mong muốn trong những ngày đại lễ, các dịp quan trọng, trong khoảnh khắc thiêng liêng, chúng ta có được một bản Quốc ca vang lên đúng nghĩa.

Theo tôi, ngoài việc đúng nghĩa về giai điệu, ca từ của nhạc sĩ Văn Cao, chúng ta cần phải có yếu tố nghệ thuật âm nhạc như phải có tiết tấu, hòa thanh, giữ lại như một bản nguyên vẹn đúng tinh thần của nhạc sĩ Văn Cao, để cả nước và quốc tế cảm nhận thấy khi thể hiện bằng nhạc cụ nào, cũng giữ nguyên được tinh thần của ca khúc. Hiện nay, các bản Quốc ca đều đang được hòa âm phối khí khác nhau. Vì vậy, tôi cũng bày tỏ tiếng nói của các nhà chuyên môn về âm nhạc để chúng ta cùng nghiên cứu.

Thực tế, nhiều tác phẩm của nhạc sĩ Văn Cao hiện đang được trình diễn "tam sao, thất bản", không bản nào giống với ý đồ của nhạc sĩ Văn Cao. Chúng tôi muốn sắp tới có chương trình số hóa và giữ lại tất cả tác phẩm văn học, nghệ thuật, âm nhạc của nhạc sĩ Văn Cao bằng cách giữ lại bản nhạc, file âm thanh, giữ lại bản diễn mẫu nhất cho thế hệ sau này.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-cao-trong-ky-uc-nguoi-o-lai-5743869.html