'Văn Cao mùa chữ, mùa người' - Sáng tỏ những đóng góp trong thơ ca

Ngày 14-11, tại Hà Nội diễn ra hội thảo Văn Cao mùa chữ, mùa người và ra mắt cuốn sách cùng tên, nhân 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao. Sự kiện có đông đảo nhà lý luận phê bình, nghiên cứu, các nhà văn, nhà thơ tham gia.

Tại hội thảo, nhà báo Trần Nhật Minh, Trưởng Ban Văn học nghệ thuật - VOV6 cho biết, Văn Cao có nhiều thành tựu và cống hiến xuất sắc ở cả ba lĩnh vực âm nhạc, thơ ca và hội họa. Mảng âm nhạc của ông được biết đến nhiều hơn. Vì vậy, ban tổ chức đã chọn chủ đề hội thảo và thực hiện cuốn sách Văn Cao mùa chữ, mùa người để giới thiệu sâu về mảng thơ ca và một phần mảng hội họa của ông. Đây được xem là cuốn sách phê bình văn học đầu tiên về thơ Văn Cao.

Cuốn sách đem đến cái nhìn đầy đủ, trọn vẹn hơn về sự cống hiến, đóng góp của Văn Cao trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Qua một loạt bài viết của các tác giả: Lê Huy Quang, Văn Giá, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Hoài Nam, Thiên Sơn, Phùng Gia Thế, Phạm Xuân Thạch, Nguyễn Quang Hưng, Bùi Việt Thắng, Nguyễn Thụy Kha... người đọc có cái nhìn tổng thể về hành trình thơ Văn Cao, cùng những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời của ông.

Cuốn sách “Văn Cao mùa chữ, mùa người” do Ban Văn học nghệ thuật - VOV6 (Đài Tiếng nói Việt Nam) tổ chức biên soạn, NXB Hội Nhà văn ấn hành

Tại hội thảo, qua tham luận của nhiều tác giả, đã một lần nữa làm sáng tỏ những đóng góp của người nghệ sĩ tài danh Văn Cao ở mảng thơ ca.

Theo PGS-TS, nhà lý luận phê bình văn học Phùng Gia Thế, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học sư phạm Hà Nội 2, về thơ, Văn Cao sáng tác không nhiều (khoảng trên dưới 70 bài). Thơ Văn Cao chủ yếu là thơ tự do hiện đại trong cấu tứ, hình ảnh, từ ngữ. Cách đặt nhan đề, cấu trúc luôn được ông lạ hóa, độc đáo nhưng không bí hiểm. Là người có nhiều đóng góp về thi pháp, cấu trúc, song thơ của Văn Cao dường như nổi bật hơn bởi sự hiện diện độc đáo của một cái nhìn.

Nhà nghiên cứu Bùi Việt Thắng nhận định, so với các nhà thơ cùng thế hệ, Văn Cao làm thơ không nhiều, nhưng thơ ông biểu đạt một quy luật vững như bàn thạch trong sáng tạo nghệ thuật “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Chung nhận định, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cũng chỉ rõ, trong cuộc đời sáng tạo nghệ thuật, nhà thơ Văn Cao chỉ để lại một trường ca và một tập thơ khoảng 100 trang in, nhưng giá trị nghệ thuật thi ca là đặc biệt và còn mãi với thời gian.

MAI AN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/van-cao-mua-chu-mua-nguoi-sang-to-nhung-dong-gop-trong-tho-ca-post714066.html