Văn Cao có một người yêu tên là…

Ở miền Trung, nhạc sĩ nổi tiếng Văn Cao có một người yêu. Người yêu ấy có cái tên rất dễ thương và đầy nữ tính…

Tấm hình nhạc sĩ Văn Cao luôn trên bàn làm việc của nhà thơ Thanh Thảo. Ảnh: M.B.Â

Trong “Chùm thơ dâng những tài hoa”, bên cạnh Cao Bá Quát, Bích Khê, Hàn Mặc Tử, Hữu Loan, Bùi Giáng, Trịnh Công Sơn, Lưu Quang Vũ… tôi có dâng lên cho hai người bạn vong niên (nhạc sĩ Văn Cao và nhà thơ Thanh Thảo) hai bài có tên là “Trầm tư Văn Cao”“Cỏ sắc Thanh Thảo” mà đề từ hai bài thơ là những câu thơ của chính họ. Văn Cao là: Có lúc/ một mình một dao giữa rừng đêm không sợ hổ/ có lúc/ ban ngày nghe lá rụng sao hoảng hốt… và Thanh Thảo là: Tôi đặt tên tôi là cỏ/ mọc phất phơ mọc vớ vẩn ngoài đồng/ mọc trên mộ các anh/ tràn qua những bia đá lạnh lẽo.

Sáng 22-11-2023, nhà thơ Thanh Thảo gọi điện bảo: “Có bình trà ngon, xuống nhà anh làm cốc”. Từ ngày chị Ý Nhi - người vợ yêu quý của anh qua đời, sáng nào cũng thế, anh pha một bình trà ngon, rồi rót làm 2 chén, một chén cho mình và một chén đối diện cho người vợ quá cố. Tôi bước vào phòng, anh chỉ chiếc ghế bên cạnh chiếc ghế trống của chị Nhi, bảo tôi ngồi ở đó. Vậy là 3 ly trà, 3 chiếc ghế, nhưng chỉ có 2 người thực uống… Và ngay trong buổi sáng này, tôi mới được biết chuyện: Văn Cao có một người yêu...

Đàm đạo thơ ca một lúc, lẩn quẩn loanh quanh rồi cũng lại nói về Văn Cao. Anh bảo, anh và Văn Cao gặp nhau ngay lần đầu tiên đã thấy hợp gu nhau. Không đơn giản là hợp nhau ở thơ ca đâu, mà chính là cái chất “giang hồ” của hai con người gặp nhau nên kết nghĩa cùng nhau. Chính vì lẽ đó, năm 1985, khi đang công tác ở Hội Văn nghệ Nghĩa Bình (Quảng Ngãi và Bình Định sáp nhập), Thanh Thảo đề nghị Tỉnh ủy mời Văn Cao vào Quy Nhơn dự lễ kỷ niệm 10 năm ngày giải phóng hoàn toàn tỉnh Nghĩa Bình (Quảng Ngãi giải phóng ngày 24-3 và Bình Định ngày 31-3). Nhờ chuyến đi đó, chùm 3 bài thơ Quy Nhơn tuyệt tác của Văn Cao ra đời, mà thực chất bài “Quy Nhơn I” (đề ngày 31-3-1985) được Văn Cao viết ở Hà Nội, trước khi vào Quy Nhơn (sau khi nhận được giấy mời của tỉnh) so với “Quy Nhơn II” (đề ngày 10-4-1985) và “Quy Nhơn III” (đề ngày 15-4-1985).

Cũng vì mối thâm giao ấy mà năm 1988, khi NXB Tác phẩm Mới chuẩn bị bản thảo để in tập thơ “Lá” của Văn Cao, lúc hỏi ý kiến ông về những bài thơ tuyển vào tập, ông nói thẳng: “Hễ Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thụy Kha, Thanh Thảo, bảo được là được”. Đây là tập thơ duy nhất được in khi Văn Cao còn tại thế.

Thời gian sau đó, lúc nào từ Quảng Ngãi ra Hà Nội, Thanh Thảo đều đến thăm Văn Cao kể cả lúc ông còn cũng như khi ông đã mất. Tôi được một lần cùng Thanh Thảo đi viếng mộ Văn Cao tại Nghĩa trang Mai Dịch. Đó là dịp cuối năm Âm lịch 2002.

Câu đề tặng nhà thơ của nhạc sĩ Văn Cao. Ảnh: M.B.Â

Hồi đó, sau một đêm say cùng Hà Nội, theo kế hoạch, sáng hôm sau, Nguyễn Trọng Tạo, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Thụy Kha đến đón anh em tôi tại nhà khách và bắt đầu cho chuyến viếng mộ cuối năm. Khởi đầu là đến Nghĩa trang Văn Điển thăm mộ người bạn chí thiết của Thanh Thảo - nhà văn, dịch giả Nguyễn Trung Đức - người dịch cuốn tiểu thuyết “Trăm năm cô đơn” của Gabriel Garcia Marquez (1927-2014) vừa lâm trọng bệnh qua đời gần đúng một năm trước. Sau đó, chúng tôi lên xe chạy về Nghĩa trang Hà Tây để viếng mộ anh Khương Thế Hưng (con trai nhà thơ Khương Hữu Dụng). Rồi từ đó mới chạy về Mai Dịch viếng Xuân Diệu, Văn Cao.

Trước mộ Văn Cao, anh em thì nói chuyện râm ran, chỉ riêng Thanh Thảo cứ thì thầm trong khói hương tâm sự cùng người quá cố. Và từ sâu thẳm lòng mình, tôi cảm nhận rằng, trong cái tình tri âm giữa Văn Cao cùng các nhà thơ đàn em, ông vẫn dành cho Thanh Thảo một góc riêng đặc biệt hơn.

Tôi cũng hiểu vì sao trên bàn làm việc, Thanh Thảo chỉ để trước mặt mình hai chân dung, một là của nhà thơ Tây Ban Nha Federico Garcia Lorca (1898-1936) mà anh tôn kính và hai là tấm hình nhạc sĩ Văn Cao ngồi chống tay trên đùi, trầm ngâm trước cây đàn piano mà một lần vào năm 1990, khi ghé thăm Văn Cao, Thanh Thảo đã được ông tặng và ghi phía sau lời đề tặng. Qua lời đề tặng này, tôi mới phát hiện, ở miền Trung, nhạc sĩ nổi tiếng Văn Cao có một người yêu. Người yêu ấy có cái tên rất dễ thương và đầy nữ tính…

Tấm ảnh đen trắng của Lorca (khổ 14 x 28cm), Thanh Thảo để dựa vào song cửa sổ, riêng bức ảnh màu (khổ 9 x 12cm) Văn Cao tặng, Thanh Thảo để nằm trên một cuốn sách ngay trước mặt mình. Thường đến với anh, tôi đã nhiều lần nhìn thấy bức ảnh này, nhưng đến hôm nay, được anh tiết lộ, tôi mới xin lật phía sau ra xem, thì đọc được đúng câu đề tặng của Văn Cao: “Yêu một người tên là Thanh Thảo”. Bản thân cái tên Thanh Thảo đã đầy nữ tính, Văn Cao lại ghi lời đề tặng khá độc đáo và đầy tình cảm thế này, tôi nghĩ, ai đọc được cũng sẽ đinh ninh rằng bức ảnh này ông tặng riêng cho một người yêu khác giới có cái tên đẹp tựa “cỏ xanh”, tất nhiên, trừ ông và nhà thơ Thanh Thảo.

MAI BÁ ẤN

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5433/202312/van-cao-co-mot-nguoi-yeu-ten-la-3962642/