Vai trò đội ngũ cán bộ trong rèn luyện kỷ luật, xây dựng chính quy ở đoàn bộ binh 5 (Quân khu 7) (Bài 2)

“Xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật là việc làm thường xuyên, gắn liền với nhiệm vụ SSCĐ ở đơn vị. Nhưng việc này không phải triển khai các quy định, chỉ lệnh một cách cứng nhắc, mà nó được thể hiện qua vai trò gương mẫu của cán bộ để tạo dựng niềm tin cho chiến sĩ”. Trung tá Lê Văn Hoa, Chỉ huy trưởng Phân đội M8 thông tin tâm sự với chúng tôi như vậy khi nói về những chuyển biến trong chất lượng rèn luyện kỷ luật ở đơn vị mình.

Tạo dựng niềm tin cho chiến sĩ, xây dựng tình đoàn kết thương yêu giữa cán bộ với chiến sĩ, làm cho chiến sĩ yên tâm thực hiện nhiệm vụ, yêu quý gắn bó với đơn vị là bước đột phá, được coi là mấu chốt để từng bước ổn định, nâng cao chất lượng rèn luyện kỷ luật. Đảng bộ Đoàn 5 đã ra nghị quyết chuyên đề về vấn đề này, trong đó xác định rõ các tiêu chí để đội ngũ cán bộ, đảng viên thực hiện, đó là “công bằng - dân chủ - công khai - bình đẳng”. Trên cơ sở nghị quyết lãnh đạo của Đảng bộ, từng đảng viên xây dựng kế hoạch phấn đấu, xác định rõ hình thức, biện pháp khắc phục những khuyết điểm, sức “ỳ” trong suy nghĩ, việc làm, định rõ thời gian, mức độ hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu của bản thân và đơn vị thuộc quyền. Bằng sự kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, rút kinh nghiệm thường xuyên, Đoàn 5 đã từng bước chuẩn hóa phương pháp, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, cấp trên gần gũi cấp dưới, cán bộ gần gũi, chia sẻ mọi vui buồn, khó khăn với chiến sĩ, thể hiện sự bình đẳng, tạo môi trường dân chủ trong đơn vị. Những ngày có mặt ở Đoàn 5, chúng tôi chứng kiến nhiều hình ảnh đẹp. Buổi sáng, khi đội hình các đơn vị chuẩn bị hành quân ra bãi tập, cán bộ, chỉ huy Đoàn và các đơn vị đều có mặt kiểm tra, động viên, tiếp thêm nghị lực cho chiến sĩ. Sự gần gũi, quan tâm của cán bộ đối với chiến sĩ được thể hiện ở mọi lúc, mọi nơi, trong những điều kiện, hoàn cảnh đặc thù. Câu chuyện Thượng tá Nguyễn Quốc Khoa, Chủ nhiệm Chính trị Đoàn 5 nhận chiến sĩ Lâm Kiến Quốc làm con nuôi là một dẫn chứng. Lâm Kiến Quốc sinh ra trong một gia đình khá giả. Sau khi Quốc nhập ngũ, các thành viên trong gia đình anh chuyển ra nước ngoài sinh sống. Gia đình muốn Quốc xuất ngũ sớm để đoàn tụ. Bản thân Quốc hoang mang tư tưởng, không muốn tiếp tục tại ngũ. Cán bộ các cấp đã gần gũi, động viên Quốc. Người quan tâm Quốc nhiều nhất là Thượng tá Nguyễn Quốc Khoa. Anh đã bàn bạc với gia đình, xin được thay mặt những người ruột thịt để chăm sóc, giáo dục Quốc. Cảm động trước tình cảm, trách nhiệm của đồng chí Chủ nhiệm Chính trị Đoàn 5, gia đình đã đồng ý và bản thân chiến sĩ Lâm Kiến Quốc đã nhận Thượng tá Nguyễn Quốc Khoa làm cha nuôi. Từ một chiến sĩ cá biệt, Quốc đã phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, trở thành một điển hình tiên tiến. Những việc làm tình nghĩa, trách nhiệm ấy đã trở thành chất keo kết dính tình đoàn kết, gắn bó, yêu thương giữa cán bộ với chiến sĩ. Lời nói đi đôi với việc làm, đội ngũ cán bộ Đoàn 5 đã tạo lập lòng tin đối với chiến sĩ một cách tự giác, bền vững, và đó là nhân tố góp phần giúp chiến sĩ an tâm công tác, gắn bó với đơn vị, tự giác chấp hành nghiêm kỷ luật. Cùng với việc tiến hành đồng bộ công tác giáo dục chung, giáo dục riêng phù hợp với từng đối tượng, Đoàn 5 đã năng động, sáng tạo tổ chức nhiều mô hình hoạt động nhằm khơi dậy tính tự giác, tự chủ của chiến sĩ trong chấp hành các nền nếp, chế độ quy định. Khi người thân đến đơn vị thăm chiến sĩ, cán bộ chỉ huy tổ chức cuộc gặp mặt, qua đó sẽ thông báo thành tích của chiến sĩ, tuyên truyền về truyền thống đơn vị và phổ biến tình hình đời sống bộ đội để gia đình yên tâm tư tưởng và động viên con em mình phấn đấu rèn luyện kỷ luật, hoàn thành nhiệm vụ. Hình thức tổ chức sinh nhật cho chiến sĩ đã trở thành nét đẹp văn hóa của các đơn vị ở Đoàn 5. Hằng tháng, những chiến sĩ có ngày sinh trong tháng đó được đơn vị tổ chức sinh nhật tập thể với các nội dung: chúc mừng, tặng quà sinh nhật, văn hóa văn nghệ… Đồng thời, tại buổi lễ sinh nhật, chỉ huy đơn vị tổ chức nối máy điện thoại về gia đình chiến sĩ và phát lên đài truyền thanh để mọi người cùng nghe gia đình phát biểu chúc mừng. Gia đình chiến sĩ rất cảm động và bản thân chiến sĩ được tổ chức sinh nhật luôn cảm thấy ấm lòng, gắn bó với đơn vị, coi đơn vị là nhà, luôn nêu cao tinh thần tự giác chấp hành kỷ luật. Việc gắn kết giữa đơn vị với gia đình, địa phương để quản lý, giáo dục chiến sĩ ở Đoàn 5 có nhiều cách làm hay, xúc động. Thiếu tá Nguyễn Xuân Hà, Trợ lý bảo vệ Đơn vị 4 kể câu chuyện khá cảm động khi giải quyết trường hợp vi phạm kỷ luật của chiến sĩ Ngô Đức Trung. Chiến sĩ Trung quê ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Vừa nhập ngũ, Trung nhận được tin người yêu đã mang thai. Nhận được tin, Trung đã bỏ về Vũng Tàu để đề nghị bố, mẹ đưa người yêu về nhà để chăm sóc. Nhưng theo phong tục địa phương, chưa cưới hỏi thì Trung không được đưa người yêu về nhà sinh sống. Bị gia đình từ chối, Trung và người yêu quyết định thuê nhà trọ để ở. Người yêu Trung lại không có nghề nghiệp, cái thai trong bụng thì ngày một lớn. Trung bỏ về quê đi làm thuê để lấy tiền chăm sóc người yêu. Đơn vị đã nhiều lần gọi điện động viên, yêu cầu Trung lên đơn vị nhưng Trung vẫn không trở lại. Trung nói: “Em trở lại đơn vị thì ai chăm sóc vợ con em?”. Trước hoàn cảnh này, chỉ huy đơn vị phân công Thiếu tá Nguyễn Xuân Hà về gia đình Trung ở Bà Rịa-Vũng Tàu. Biết gia đình Trung theo đạo Thiên chúa nên đồng chí Hà đã đưa Trung đến gặp Linh mục Giáo xứ và cán bộ chính quyền, ban, ngành địa phương cùng với những người ruột thịt của Trung đề nghị phối hợp giải quyết. Cuối cùng, gia đình Trung đã đồng ý tổ chức đám cưới cho Trung, nhận con dâu và động viên Trung trở lại đơn vị. Chỉ huy đơn vị đã liên hệ giúp vợ Trung có việc làm để kiếm thêm thu nhập chăm lo cuộc sống gia đình. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ngày chia tay, chiến sĩ Trung cảm động rơi nước mắt. Trung nói: “Cả đời em thực sự mang ơn cán bộ Hà và đồng đội”. Thiếu tá Nguyễn Xuân Hà tâm sự: “Ở Đoàn 5 có nhiều chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn. Ở trường hợp của Trung, nếu căn cứ theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự thì Trung sẽ bị xử lý, nhưng trước hoàn cảnh ấy, cán bộ cần phân tích, đánh giá đúng hoàn cảnh để từ đó xác định cách giải quyết”. Anh nói: “Trong biện pháp xử lý các vụ vi phạm kỷ luật, cán bộ phải thể hiện được tình thương và trách nhiệm”. Có thể khẳng định rằng, vai trò của cán bộ được phát huy sinh động, đầy tình thương, trách nhiệm đã tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy ở Đoàn 5.

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/4/39/39/85327/Default.aspx