Vai trò của khoa học xã hội trong chống biến đổi khí hậu

Chỉ riêng phương pháp tiếp cận công nghệ sẽ không đạt được mục tiêu xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Để đạt mục tiêu này, chúng ta cần khoa học xã hội.

Bảo vệ Trái đất là sứ mệnh của cả nhân loại - Ảnh: SGK

Vào cuối năm 2023, chính phủ Mỹ đã công bố Đánh giá Khí hậu Quốc gia (NCA) lần thứ năm. NCA là bản tổng kết bán định kỳ về tác động của biến đổi khí hậu đối với Mỹ và đánh giá thứ năm đáng chú ý vì là đánh giá đầu tiên có một chương về hệ thống xã hội và công lý.

Được xây dựng dựa trên nhiều thập niên nghiên cứu khoa học xã hội về biến đổi khí hậu, NCA lần thứ năm nêu vấn đề về hai sự thật đang ngày càng được nhắc đến trong các cuộc thảo luận phổ biến và chuyên sâu ở Mỹ.

Đầu tiên là biến đổi khí hậu có khả năng làm trầm trọng thêm các kết quả về sức khỏe, xã hội và kinh tế đối với người da đen, người bản địa, người da màu (BIPOC) và cộng đồng thu nhập thấp. Thứ hai là các hệ thống và thể chế xã hội - bao gồm tổng hòa các cơ cấu chính phủ, văn hóa, tinh thần và kinh tế - là thứ duy nhất có thể thực hiện việc thích ứng và giảm nhẹ.

Chúng ta chỉ cần so sánh tỷ lệ tử vong của đại dịch COVID-19 được phân chia theo chủng tộc, thu nhập và các trục bất bình đẳng khác để nhận ra sự thật trần trụi rằng tất cả chúng ta không cùng hội cùng thuyền, mặc dù trải qua cùng một cơn bão. Ngày nay, chủng tộc và thu nhập cũng dự đoán tương tự trước những cơn bão khác với loài người như biến đổi khí hậu.

Hiểu được cách các hệ thống xã hội hiện tại gây ảnh hưởng và bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu là chìa khóa để không chỉ làm chậm tác động từ Trái đất ngày càng nóng lên, mà còn đảm bảo rằng quá trình chuyển đổi của xã hội sang một thế giới mới đi theo hướng đúng đắn.

Và không còn nghi ngờ gì nữa, chúng ta thực sự đang đối mặt với một thế giới mới.

Chúng ta chuyển đổi không đủ nhanh

Nhiều thập niên nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng những biến đổi khí hậu ngày càng tàn khốc và nhanh chóng xuất hiện trước mặt chúng ta, gồm những cơn bão, hạn hán và lũ lụt dữ dội hơn.

Mức độ tiêu thụ tài nguyên gần đây của chúng ta - đặc biệt là ở Bắc bán cầu và các quốc gia có nền kinh tế lớn đang phát triển - là không thể chấp nhận được. Nói rõ hơn, thế giới đang ứng phó với những rủi ro này với nhiều nỗ lực, chỉ riêng Mỹ đã đạt được mức giảm 13% lượng phát thải khí nhà kính hằng năm từ năm 2005 đến năm 2019, nhưng những phản ứng này là chưa đủ.

Mục đích của các nhà khoa học xã hội - những nhà khoa học được giao nhiệm vụ nghiên cứu xã hội loài người và các mối quan hệ xã hội ở mức độ phức tạp nhất - là đặt câu hỏi tại sao.

Điều gì về đạo đức, văn hóa, nền kinh tế và biểu tượng đang diễn ra trên thế giới, đã khiến việc lật ngược tình thế và tạo ra sự thay đổi trở nên khó khăn đến vậy? Tại sao chúng ta gồm các cá nhân, xã hội, nền văn hóa và quốc gia - dường như không thể hạn chế lượng khí thải ở mức cần thiết để cứu bản thân và hành tinh của chúng ta?

Đây là những câu hỏi chỉ có thể được trả lời một phần bằng thông tin và công nghệ mới được phát triển bởi các nhà khoa học và kỹ sư vật lý. Chúng ta cũng cần hiểu biết về cách con người cư xử. Việc sở hữu công nghệ mới sẽ không mấy quan trọng nếu bạn cũng không hiểu cách đưa ra các quyết định xã hội, kinh tế và chính trị - cũng như cách các nhóm nhất định có thể phát triển thói quen xoay quanh tỷ lệ phát thải và tiêu thụ thấp hơn.

Chúng ta biết rằng các hệ thống không công bằng tạo ra rủi ro và năng lực ứng phó được phân bổ không đồng đều. Ví dụ, thang cường độ của một cơn bão ít có khả năng dự đoán về tỷ lệ tử vong so với dùng thang đo điều kiện kinh tế xã hội tại quốc gia nơi cơn bão đổ bộ. Hiểu được những động lực này là cách duy nhất để ứng phó với biến đổi khí hậu một cách tối ưu trong bối cảnh xã hội loài người dễ bị tổn thương vì phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính…

Đã đến thời điểm cần thay đổi thực sự

Nhận thức được rằng thiên tai và biến đổi khí hậu có khả năng làm tình trạng bất bình đẳng trở nên tồi tệ hơn cũng có nghĩa là chúng ta có cơ hội làm tốt hơn.

Có một loạt các kết quả có thể xuất phát từ các thảm họa liên quan đến khí hậu với rất nhiều điều có thể xảy ra. Ngoài ra, còn có những ví dụ đầy hy vọng chỉ ra con đường hợp tác đa dạng và giải quyết rốt ráu vấn đề. Ví dụ, Tulsa (bang Oklabama) là thành phố bị ngập lụt thường xuyên nhất ở Mỹ từ những năm 1960 đến những năm 1980, nhưng chính quyền và người dân thành phố xây dựng một kế hoạch quản lý vùng ngập lũ để làm hình mẫu cho các thành phố khác học tập.

Trong một ví dụ khác, các cộng đồng bản địa trên khắp Mỹ đã có sẵn một số kế hoạch chủ động nhất để thích ứng với biến đổi khí hậu, bất chấp lịch sử bị (người da trắng) đàn áp, tước đoạt và bóc lột bạo lực.

Có câu ngạn ngữ rằng muốn đi nhanh hãy đi một mình; muốn đi xa hãy đi cùng nhau. Đừng nhầm lẫn, biến đổi khí hậu là vấn đề cấp bách nhất của thời đại chúng ta. Tuy nhiên, hành động nhanh chóng và bất cẩn sẽ chỉ khơi lại những bất bình đẳng xã hội, kinh tế, chính trị và môi trường hiện có.

Thay vào đó, chúng ta phải nhìn vào những cách tồn tại khác trên thế giới. Chúng ta có thể sửa chữa và tái tạo các mối quan hệ của mình với Trái đất và mức tiêu thụ tài nguyên hiện giờ đã đến điểm sôi, đưa chúng ta vào thế phải hành động. Những người thế hệ Z cần chú ý và lắng nghe những người bản địa trên toàn cầu và những người khác đã chăm sóc trái đất này trong nhiều thiên niên kỷ.

Chúng ta phải sáng tạo hơn với các giải pháp của mình và cam kết đảm bảo rằng tất cả, chứ không chỉ một số ít có đặc quyền, có thể sống trong một thế giới tốt đẹp hơn thế giới nơi họ sinh ra.

Anh Tú

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/vai-tro-cua-khoa-hoc-xa-hoi-trong-chong-bien-doi-khi-hau-214966.html