Vải thiều Thanh Hà 'đổ bộ' dọc các tuyến phố Hà Nội, mỗi nơi một giá

Những ngày này, trên các tuyến phố, các khu chợ dân sinh, chợ cóc tại Hà Nội, người dân có thể dễ dàng bắt gặp các xe hàng rong, ô tô tải chất đầy vải thiều mà theo người bán có xuất xứ từ Hải Dương lẫn Bắc Giang. Tuy nhiên, giá bán mỗi nơi một khác, từ 10.000 - 30.000 đồng/kg.

Theo ghi nhận của phóng viên, thời gian gần đây, dọc các tuyến phố tại Hà Nội như Láng, Nguyễn Trãi, Trần Thái Tông, Ngã Tư Sở, Nguyễn Xiển… vải bắt đầu được bày bán nhiều trên các xe tải được chất đầy, bán ngay trên lề đường với những bảng giá khác nhau.

Vải có nhiều mức giá khác nhau.

Điển hình trên đường Giải Phóng, cứ cách 50m là một xe tải chở vải neo đậu, bày bán ngay trên đường. Tuy nhiên, mỗi xe tải lại cho ra một bảng giá khác nhau, dao động từ 10.000 đồng - 30.000 đồng/kg.

Đáng chú ý, hầu hết người bán đều khẳng định, vải của mình mới là vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) chính gốc được thu mua trực tiếp ngay tại vườn.

Ông Võ Văn Thanh, chủ sạp hàng bán vải thiều trên đường Giải Phóng cho biết, mỗi ngày ông bán hết 4 - 5 tạ vải, có thời điểm đắt hàng bán ra được gần 1 tấn.

"Vải ăn bao ngọt, bao dày cùi. Vải này tôi đánh xe lên Hải Dương lấy trong ngày nên tươi ngon lắm. Từ đầu mùa tôi chuyển sang chuyên bán vải thiều do sức mua tăng cao, các loại trái cây khác như xoài, ổi, quýt lại giảm mạnh” - ông Thanh chia sẻ.

Người bán chở hàng tạ vải bán ngay trên đường phố.

Theo ông Thanh, cùng kỳ năm ngoái, giá vải không thấp như năm nay, khoảng từ 35.000 - 45.000 đồng/kg. Mùa vải năm nay giá rẻ nên lượng vải bán ra gần gấp đôi mùa vụ năm ngoái.

Tương tự, ngay tại vòng xuyến Tôn Thất Thuyết (Cầu Giấy), các gánh buôn vải mỗi nơi lại cho ra một giá khác nhau.

Tìm đến chị Ngà, tiểu thương bán vải tại đây cho biết, vải của chị là hàng mới nhập về trong ngày nên giá bán là 25.000 đồng/kg. Trong khi đó, loại vải để qua ngày, bị khô vỏ và mất nước giá rẻ hơn, dao động từ 10.000 đồng - 15.000 đồng/kg.

Ngoài ra, theo chị Ngà, loại vải có giá trên dưới 10.000 đồng/kg không phải là vải thiều Thanh Hà. Đó chủ yếu là vải nếp hoặc vải lai, có vị chua ngọt, hơi nhạt thịt, quả dài chứ không tròn như vải thiều. Do giá rẻ lại thu hút được nhiều người dân tiêu thụ, các tiểu thương lựa chọn loại quả này để kinh doanh dưới mác vải thiều Thanh Hà.

Giá rẻ, sức mua vải tăng mạnh.

“Vải thiều này tôi nhập tại vườn đã có giá 12.000 đồng/kg nên không có chuyện tiểu thương bán giá gốc cho khách. Đó không phải là vải thiều Thanh Hà hay Bắc Giang mà là loại vải khác có chất lượng không bằng nhưng giờ đi hỏi thì người bán nào cũng quảng cáo là vải thiều Thanh Hà” - chị Nhà chia sẻ.

Chị Ngà cho biết, để phân biệt vải Thanh Hà với các loại vải khác trên thị trường không khó. Loại vải này có kích thước không to và tròn đầy như một số loại vải hiện nay. Vải Thanh Hà khi chín sẽ có màu hồng nhạt, có trái sẽ không đều màu. Khi sờ thử trái vải, sẽ thấy vỏ của vải Thanh Hà căng, khá nhẵn.

Chất lượng vải Thanh Hà rất cao, thịt nhiều, cùi dày, hạt lại nhỏ. Thậm chí, nhiều quả không có hạt bên trong. Vị ngọt thơm, thanh mát đặc trưng.

Các chùm vải thường được người bán buộc theo từng chùm, mỗi chùm trung bình nặng từ 2-3kg. Ngoài ra, nhiều tiểu thương còn bán quả vải rời. Do người mua được lựa chọn từng quả trong thùng nên giá bán vải rời thường cao hơn khoảng 3.000 đồng - 5.000 đồng/kg.

Vải được tiểu thương buộc thành từng chùm 2-3kg.

Còn tại các chợ truyền thống và quầy bán hoa quả, giá vải lại cao hơn từ 10.000 đồng - 20.000 đồng/kg so với giá bán tại các xe tải bán trên đường phố. Theo các tiểu thương, sức mua vải tại chợ không mạnh bằng mua trên phố, do giá thành rẻ và việc mua bán ngay trên đường cũng tiện lợi hơn.

Giá rẻ, những quầy vải lưu động này thu hút nhiều người dân đến tìm mua. “Vải năm nay rẻ nên tôi mua thêm vài cân ăn dần, chưa biết chất lượng như nào nhưng nghe người bán nói là vải thiều Thanh Hà nên tôi cũng mua xem sao” - anh Lê Văn Quý (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.

Bài và ảnh: Nguyễn Linh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/vai-thieu-thanh-ha-do-bo-doc-cac-tuyen-pho-ha-noi-moi-noi-mot-gia-post253162.html