Vài ngày, 1 tỉ tiền lót tay

Vụ “lót tay” gây bức xúc tại Hải quan TPHCM chuẩn bị được đưa ra xét xử. Và những con số giật mình đang cho thấy chúng ta còn quá nhiều điều phải làm cho xứng với hai chữ “kiến tạo” trong chương trình hành động của Chính phủ.

Ảnh minh họa.

Bị can bị truy tố trong vụ lót tay chỉ là một cán bộ hải quan bình thường và còn rất trẻ. Theo cáo trạng, khi bị bắt khẩn cấp, khám xét tại nhà riêng, công an đã thu giữ được 64 phong bì và giấy gói tiền chứa tổng cộng gần 1 tỉ đồng. Đây là số tiền mà các doanh nghiệp bị buộc phải hối lộ trong ít ngày ông này vắng nhà. Còn bao nhiêu người như ông cán bộ hải quan này? Chắc còn nhiều. Còn bao nhiêu doanh nghiệp vẫn phải ngậm cay nuốt đắng mà không dám tố cáo để được yên thân? Cũng không ít.

Ngoài động cơ vụ lợi mang tính chất cá nhân, không thể không nhắc tới trùng điệp ma trận thủ tục mang tính chất điều kiện, cơ hội để bị cáo có thể lợi dụng.

Trong phiên họp Chính phủ hôm kia, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, lĩnh vực khiến doanh nghiệp còn phải gánh chi phí rất lớn chính là kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu. Theo ông, hiện tỉ lệ lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành lên tới 35% nhưng tỉ lệ sai phạm chỉ là 0,06%.

Phó Thủ tướng cũng nhìn thẳng vào trách nhiệm của các bộ, rằng vì “không có quy định tiêu chuẩn và điều kiện kiểm tra, cho nên bộ muốn kiểm tra gì cũng được.

Cái nảy xảy cái ung, chính sự mờ mịt trong câu chuyện kiểm tra, từ các bộ ngành đang nắm thẩm quyền giấy phép đã khiến cho chúng ta phải chứng kiến những kỷ lục nhức nhối 64 phong bì trong chỉ vài ngày. Cho dù Chính phủ đã có hẳn nghị quyết mang tính “cởi trói”, nhưng thực tế vẫn còn tới 5.719 điều kiện kinh doanh.

5.719 điều kiện kinh doanh, 5.719 thứ giấy phép con. 5.719 xin - cho. 5.719 cơ hội cho những cán bộ, dẫu ở vị trí thấp nhất trong bộ máy, có thể vòi vĩnh, hạch sách, làm bậy. Hôm kia, chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng bày tỏ sốt ruột trước tình trạng “giấy phép kinh doanh rất nhiều. Đây cũng là khâu phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, người ta kêu lắm”!

Chính những giấy phép con, những cơ chế xin cho, những cơ hội hành dân đã và đang làm nản lòng doanh nghiệp. Chúng cũng là một trong số những nguyên nhân chính khiến ngay cả tồn tại cũng đã là vấn đề chứ chưa nói tới cạnh tranh.

Chính phủ không phải không biết điều đó nếu như không nói là đang quyết liệt bằng mọi cách phá bỏ, hạn chế đến mức tối đa tình trạng giấy phép con. Bởi đó cũng mới chính là cách thức căn cơ để ngăn chặn những kỷ lục không ai muốn chứng kiến.

ĐÀO TUẤN

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/su-kien-binh-luan/vai-ngay-1-ti-tien-lot-tay-689600.bld