VAFI tiếp tục “thúc” cổ phần hóa Sabeco, Habeco

15 tỷ USD là con số được Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đưa ra trong đề xuất gửi Thủ tướng Chính phủ về giải pháp tăng thu cho ngân sách nhà nước thông qua việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Ảnh minh họa.

Thất thu hàng tỷ USD

Ngày 5/10, VAFI đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, theo đó chỉ ra lý do vì sao có tình trạng cố tình trốn tránh việc niêm yết như người đại diện cổ phần nhà nước yếu kém năng lực và không thích sự minh bạch.

Bên cạnh đó, có tình trạng không thích sự minh bạch để dễ dàng tham nhũng, chiếm đoạt tài sản của nhà nước và của cổ đông.

“Đã có nhiều nhóm lợi ích với ý đồ bưng bít thông tin và tìm cách kiểm soát doanh nghiệp cổ phần hóa, biến tài sản cổ đông và nhà nước thành tài sản của nhóm cá nhân và những nhóm lợi ích này trở thành chủ nhân của doanh nghiệp mặc dù họ không có nhiều vốn cổ phần”, văn bản của VAFI nêu.

Theo đại diện VAFI, có những nhóm lợi ích ngăn cản việc doanh nghiệp cổ phần hóa niêm yết để làm cho cổ đông và nhà đầu tư mất lòng tin vào doanh nghiệp, là cách thức hạ giá cổ phiếu, hạ giá tài sản để từ đó dề dàng mua được toàn bộ cổ phần chi phối của nhà nước với giá rẻ mạt thông qua con đường bán thỏa thuận hay bán đấu giá.

VAFI cũng chỉ ra rằng, có tình trạng ngăn cản việc niêm yết từ lãnh đạo Bộ chủ quản, chẳng hạn trường hợp Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn ( Sabeco ) và Habeco đã tìm mọi cách trốn tránh niêm yết trong 9 năm, chỉ đến khi có sự chỉ đạo trực tiếp từ Thủ tướng Chính phủ thì Sabeco và Habeco mới chịu làm thủ tục niêm yết.

“Ai là người cản trở Sabeco và Habeco niêm yết? Mục đích của việc ngăn cản Sabeco và Habeco niêm yết là gì? Có nhiều mục đích nhưng việc dễ thấy nhất là bổ nhiệm người thân không có năng lực vào các vị trí chủ chốt tại doanh nghiệp”, VAFI nêu.

Theo đó, hậu quả của việc trốn tránh niêm yết được VAFI chỉ ra như làm giảm sút nghiêm trọng lòng tin của giới đầu tư vào tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và nhà nước thất thu hàng tỷ USD từ việc bán cổ phần nhà nước. VAFI đề xuất, cần có chế tài để buộc các doanh nghiệp phải niêm yết theo quy định của Chính phủ.

Cụ thể, nếu bất kỳ người đại diện cổ phần nhà nước nào không tuân thủ Quyết định 51, cố tình trốn tránh việc niêm yết thì tự động mất tư cách là người đại diện cổ phần nhà nước và khi đó các cấp có thẩm quyền sẽ cử người khác thay thế.

Thứ hai, nếu lãnh đạo Bộ, ngành địa phương nào ngăn cản doanh nghiệp cổ phần hóa niêm yết chứng khoán thì cá nhân đó đã bị án kỷ luật mà không cần phải họp để xét xử hình thức kỷ luật với cá nhân đó.

Chậm thoái vốn Bộ Công Thương chịu trách nhiệm

Thông tin tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ ngày 4/10, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là cương quyết sắp xếp các doanh nghiệp Nhà nước.

Theo ông Dũng, việc yêu cầu hai doanh nghiệp phải lên sàn là nhằm tạo cơ sở tham chiếu giá để các cơ quan nghiên cứu và tư vấn thêm. Bởi về nguyên tắc là khi thoái vốn các doanh nghiệp này thì phải có tư vấn đấu thầu để xác định giá trị doanh nghiệp, trên cơ sở đó bán cho đơn vị nào mua được giá cao nhất và không có lợi ích nhóm trong bán cổ phần cho doanh nghiệp.

Bộ trưởng cũng khẳng định, việc bán là nhằm mang lại mục tiêu lợi ích cao nhất cho Nhà nước nên không bán chỉ định và không bán giới hạn.

Riêng trường hợp của Sabeco và Habeco chưa niêm yết sau 9 năm cổ phần hóa, ông Dũng cho rằng, doanh nghiệp lên sàn chậm là lỗi của doanh nghiệp vì mặc dù đã cổ phần hóa lâu rồi nhưng không chịu niêm yết.

“Thủ tướng đã giao cho hai doanh nghiệp này phải niêm yết trên sàn chứng khoán ngay trong năm 2016. Nếu chậm thì cơ quan chủ quản là Bộ Công thương phải chịu trách nhiệm”, ông Dũng nhấn mạnh.

NGUYỄN THẢO

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh/vafi-tiep-tuc-thuc-co-phan-hoa-sabeco-habeco-2047022.html