Vạch trần thật - giả trong vụ “hôi nhãn” ở Quảng Bình

(Kienthuc.net.vn) - Xem lại video “hôi nhãn” ở Minh Hóa, Quảng Bình, sự thật là người dân không hề vội vã, “hôi của một cách man rợ” như nhiều thông tin trước đó.

Vụ việc xe container mang biển kiểm soát 89C-01653 của công ty Bích Thị, do lái xe Lê Văn Công điều khiển, chở gần 18 tấn nhãn bị lật ở xã Hóa Thanh, huyện Minh Hóa, Quảng Bình ngày 21/1, với hình ảnh người dân vây kín xung quanh nhặt nhãn mang đi hiện vẫn là chủ đề nóng hổi dư luận. Người dân có hôi của thật hay không? Đang là một câu hỏi khiến nhiều người băn khoăn bởi đã có hai luồng thông tin trái ngược nhau về vụ việc này, vừa được công bố.

Clip "tố người dân Quảng Bình hôi nhãn" cho thấy, hành động hôi của không hề có chút gì vội vã, giành giật:

Theo thông tin ban đầu từ một tờ báo cho thấy, sau khi xe chở nhãn bị lật, người dân đã bủa vây kín container và cùng nhau ôm, nhặt số nhãn bị rơi ra. Hành động của người dân bị cho là “hôi của” và mang tính chất “man rợ”. Từ đó, một vài kết luận về giá trị đạo đức, nhân cách của người dân Quảng Bình cũng được đưa ra, gây ảnh hưởng đến cả những người không liên quan đến vụ việc.

Hiện trường vụ lật xe chở nhãn. Ảnh: LĐO.

Phản ứng lại truyền thông về vụ việc này, 10h sáng 11/2, Sở TTTT tỉnh Quảng Bình và UBND huyện Minh Hóa đã phối hợp chủ trì buổi họp báo để lên tiếng chính thức về việc có hay không "hôi của", gây xôn xao dư luận. Ông Đinh Quý Nhân - Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa - đã báo cáo lại toàn bộ sự việc và khẳng định bằng văn bản, rằng không có việc người dân "hôi của", "man rợ"; không có chuyện cán bộ công an bất lực như báo chí nêu.

Theo đó, khi xe container BKS 89C-016.53 kéo theo rơmoóc BKS 89R-000.13 bị tai nạn, một số người dân xung quanh hiếu kỳ đến xem và có nhiều người dân đến khu vực nhãn rơi vãi, một số người nhặt nhãn vương vãi khắp nơi gom lại. Có một thuyền của 2 người dân đi đánh bắt cá đã gom, vớt một số nhãn rơi dọc sông đưa lên thuyền. Lực lượng công an đã chuyển giao số nhãn do dân gom nhặt cho đại diện chủ hàng hóa, người đại diện chủ hàng hóa thấy số nhãn bị giập nát, hư hỏng nên không nhận (có bản cam kết). Từ khi xảy ra vụ tai nạn đến nay, công ty có chiếc xe bị nạn không có báo cáo, kiến nghị đề xuất với UBND huyện, công an huyện.

Biên bản về vụ tai nạn. Ảnh: Trang Trang.

Hiện, video ghi lại cảnh người dân "hôi" nhãn đang được đem ra mổ xẻ trên một số diễn đàn mạng. K hi soi vào từng chi tiết trong video này, dư luận lại thấy rằng, người dân không hề có hành động giành giật, tranh giành số nhãn một cách man rợ. Nhà báo Nguyễn Thế Thịnh ở Quảng Bình phân tính trên trang facebook cá nhân: “Vì quan tâm đến vụ việc, tôi đã xem đi, xem lại rất nhiều lần clip này và thấy: Thứ nhất, có khá nhiều người đến vị trí chiếc xe đổ và đang dọn nhãn. Không có cảnh tranh giành, họ lấy những thùng nhãn và chất vào một vị trí nào đó. Một số người ôm thùng nhãn đi lên phía trên rồi chạy xuống tiếp tục dọn.

Thứ hai, có tiếng người chỉ đạo: “Quay, quay đoạn này”, tức là người quay clip rất chủ động và người dân cũng thấy chuyện quay đó bình thường. Trong clip có tiếng hai người đàn ông nổi bật, một người nói giọng miền Bắc, một người nói giọng địa phương.

Người nói giọng Bắc (có lẽ là người nhà xe):

- Quay chỗ này! Thấy chưa, quay cái pò-xẹt (không rõ lắm) này cho tôi.

Người đàn ông nói giọng địa phương nói với mọi người:

- Nhưng mà moi cái này coi chừng nó lật xuống là không ai chịu mô nà. Cái này này. Nó rơi xuống là úp, nó võng đó.

Người nói giọng Bắc:

- Dưới này khỏi lấy, lấy ác không bán được đấy chứ, trên này nhìn nó thương.

Người nói giọng Bắc tiếp:

- Coi người ta bốc vác lên trên, đó, quay lên trên, quay lên trên".

Theo nhà báo Nguyễn Thế Thịnh, có thể thấy, mọi người trong clip đều rất bình tĩnh với công việc của mình. Một công việc có người chỉ đạo nên mới gọi là “bốc vác” (trong câu bốc vác lên trên). Còn nhắc mọi người coi chừng chiếc xe võng bị lật. Người chỉ đạo quay clip bảo “quay lên trên”, tức là chủ động ghi hình hàng hóa. Do vậy, rõ là người nhà xe đã chủ động điều hành công việc ở hiện trường, tính toán được lấy phần nhãn nào thì bán được, phần nào thì không. Nếu là hôi của, chắc sẽ có sự tranh giành, ít nhất là vội vàng, đằng này thấy họ rất bình thản; cũng chẳng có tiếng cãi cọ, hay la lối, phàn nàn của người nhà xe.

Chung lối phân tích thật - giả vụ việc, TS Trần Đình Bá, Hội Kinh tế & Vận tải ĐSVN - Hội Khoa học Kinh tế VN phân tích: " Theo biên bản báo cáo của Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa, sau khi container hàng hoa quả (nhãn) bị rơi xuống vực sâu, lực lượng công an đã đến hiện trường, tổ chức cứu người bị nạn và bảo vệ tài sản người bị nạn. Lực lượng công an đã chuyển giao số nhãn do dân gom nhặt cho đại diện chủ hàng hóa, nhưng thấy số nhãn bị dập nát, hư hỏng nên không nhận (có bản cam kết) thì lẽ nào lại là bịa chuyện.

Hãy tin rằng, lái xe đã cảm ơn sự giải quyết đầy trách nhiệm của công an và sự giúp đỡ của người dân. Khi xảy ra tai nạn, lực lượng chức năng đến ngay vì là tai nạn giao thông, phải cứu người bị nạn. Lái xe thoát chết đã chưa hoàn hồn, lại nhìn số hàng hóa tươi sống dập nát, xử lý như thế là quá đúng, lẽ ra phải cảm ơn những người thu gom giúp mình mới, nếu có gọi cho chủ hàng từ Hà Nội hoặc Đồng Hới đến thì cũng vừa tốn xăng xe, vừa phải dọn vệ sinh hiện trường vụ, chứ làm được gì hơn ở đống hàng tươi sống dập nát nằm sâu dưới vực.

Lái xe thoát chết đã là hy hữu, đã ghi hình báo sự thật với chủ hàng, còn chủ hàng thì xót của, tung sự thật lên mạng lu loa rằng, lái xe quỳ van xin nhưng dân cứ lấy. Mục đích chủ hàng là kêu để dư luận biết, để xin bảo hiểm hàng hóa .

Lòng tham tiền bạc bất chấp đạo lý, vu cho những người đến cứu giúp “là hôi của man rợ" được sao!?".

TS Bá cũng dẫn chứng vụ việc năm 2005 xảy ra thảm họa lật tàu S1 thê thảm tại Minh Cầm, Quảng Bình cheo leo bên vực thẳm bờ sông Gianh. Khi hay tin, hàng trăm người dân gần đó đã đưa thuyền kéo đến, nỗ lực chở nhiều người bị thương đi cấp cứu, người xấu số về quốc lộ để hồi hương, thu gom tiền bạc tài sản hành lý có giá trị giao lại cho nhân viên tàu không mất một đồng xu và không đòi hỏi một chút tiền công... Hành động cao thượng kịp thời đó đã làm Chủ tịch nước Trần Đức Lương xúc động và gửi thư khen ngợi, phát trên sóng truyền hình toàn quốc. Truyền thống của một vùng đất một thời “xe chưa qua nhà không tiếc là vậy“, nay sao có chuyện “hôi của man rợ tại Quảng Bình” với những thùng nhãn nhàu nát được.

Như vậy, với diễn biến phức tạp của vụ việc, x ét từ góc độ phân tích với riêng video, mà công ty Bích Thị cung cấp, có thể thấy phán xét, khẳng định người dân Quảng Bình “hôi của” là vội vàng, phiến diện. Các cơ quan chức năng cần vào cuộc, điều tra làm rõ sự thật, động cơ của tài xế và của chủ hàng để không làm tổn thương niềm tin của nhân dân và cũng kiểm tra lại trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc xử lý kịp thời những vụ tại nạn giao thông tại những nơi hiểm trở để có những phương án khẩn nguy.

Tâm An

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/xa-hoi/vach-tran-that-gia-trong-vu-hoi-nhan-o-quang-binh-309778.html