'Vạch mặt' kiểu mua bán tận diệt của thương lái Trung Quốc tại Việt Nam

Mua móng trâu bò, mua mèo, mua lá khoai lang non, gốc rễ cây hồ tiêu,... là những kiểu mua bán mang tính "tận diệt" của thương lái Trung Quốc tại Việt Nam.

Mua móng trâu

Cách đây hơn 10 năm, phong trào “giết trâu lấy móng” diễn ra rầm rộ ở nhiều vùng nông thôn Việt Nam, vì lúc bấy giờ giá của bốn cái móng bằng giá... cả một con trâu khi bán cho thương lái Trung Quốc. Một số người dân và bọn “trâu tặc” tìm cách chặt móng trâu đem bán. Chỉ một thời gian rất ngắn, số lượng trâu giảm mạnh, sức kéo của nông dân bị triệt phá nghiêm trọng.

Mua mèo

Khoảng năm 1997, thương lái Trung Quốc sang Việt Nam ráo riết thu mua mèo với giá cao. Người dân lùng sục khắp các thôn bản, ngõ ngách, nhà nào có mèo là mua về để bán sang Trung Quốc. Thậm chí, nhiều người còn trộm mèo của nhà hàng xóm đem bán. Tình trạng bắt trộm mèo trong dân diễn ra khá phổ biến, đời sống của bà con xóm làng xáo trộn. Nguy hại nhất là đại dịch chuột diễn ra vào những năm 1997 - 1998, một phần do số lượng mèo đã cạn kiệt.

Số lượng trâu giảm mạnh, sức kéo của nông dân bị triệt phá nghiêm trọng vì thương lái Trung Quốc mua móng trâu với giá cao

Mua cây kim cương

Khoảng tháng 11/2012, hàng trăm người dân xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông và các xã Măng Cành, Măng Bút, Hiếu, huyện Kon Plông - Kon Tum đổ xô lên rừng tìm bứt cây kim cương về bán cho thương lái Trung Quốc với giá 1 triệu đồng/kg. Người dân không quản nguy hiểm lùng cây. Sau một thời gian ngắn loại cây này có nguy cơ bị tiêu diệt, trở thành thực vật nguy cấp quý hiếm thuộc nhóm IA.

Mua ngọn, lá sắn non

Cuối năm 2012, một số thương lái Trung Quốc cũng đến huyện Châu Thành (Hậu Giang) đặt vấn đề mua ngọn sắn, lá sắn non với giá 1.500 đồng/kg khiến người dân đổ xô trồng. Tuy nhiên, chỉ một năm sau giá lá sắn giảm mạnh, người mua "bặt vô âm tín". Người trồng sắn đứng ngồi không yên, do thu hoạch lá non khiến sắn không xuống củ được.

Cây kim cương trở thành thực vật nguy cấp quý hiếm thuộc nhóm IA sau vụ thu mua của Trung Quốc.

Mua rễ hồ tiêu

Cũng năm 2013, trên địa bàn Tây Nguyên rộ lên việc thương lái Trung Quốc thu mua gốc, rễ cây hồ tiêu đang sống với giá 40.000 đồng/kg

“Bình cũ rượu mới” những ngày gần đây, tại các xã thuộc huyện Chư Sê (Gia Lai) thương lái Trung Quốc đã “hiện nguyên hình” khi trực tiếp đi mua gốc, rễ cây hồ tiêu còn sống. Tiểu thương ở địa phương cho hay các thương lái người Trung Quốc luôn có phiên dịch đi cùng để dễ dàng trong việc thu mua.

Rất nhiều người dân bỗng chốc có “việc làm” là đi thu gom gốc, rễ cây tiêu đem bán với giá 45.000 đồng/kg.

Sự việc cao trào khi nhiều người dân ồ ạt đào bới để đem bán. Đặc biệt, liên tiếp xảy ra hiện tượng đào trộm gốc, rễ tiêu của người khác đem bán, gây mất trật tự.

Cơ quan chức năng cho rằng, thương lái Trung Quốc thu mua gốc, rễ tiêu để xay rồi trộn vào sản phẩm hồ tiêu chất lượng nhằm kiếm lời, làm xấu hình ảnh của hồ tiêu Việt Nam trên .

Thu mua lá khoai lang

Đầu năm 2014, rất nhiều đoàn thương lái người Trung Quốc đến các tỉnh miền Tây đặt hàng mua số lượng lớn lá khoai lang với giá 10.000 đồng/kg. Họ yêu cầu một hợp tác xã vận động nông dân cắt lá khoai lang đem đến nơi tập trung để đưa xe đến chở và chi tiền hoa hồng 1.000 đồng/kg. Theo các chuyên gia nông nghiệp, khoai lang bị vặt lá non thì năng suất sẽ giảm trên 50%, có thể không cho củ được.

Khoai lang bị vặt lá non để bán cho thương lái Trung Quốc dẫn đến năng suất giảm trên 50%, có thể không cho củ được.

Thu mua mầm thảo quả

Ngày 10/2/2014, thương lái Trung Quốc tung tin thu mua mầm thảo quả với giá gần 50.000 đồng/kg, trong khi giá bán cao nhất vào dịp giáp Tết chỉ từ 16.000 - 18.000 đồng/kg. Ở Hà Giang và nhiều địa phương biên giới phía bắc, thảo quả là cây xóa đói giảm nghèo vì có giá trị kinh tế cao. Nếu người dân chặt mầm ồ ạt thì thiệt hại kinh tế là rất lớn.

Thu mua thân cây thuốc một thân

Khoảng đầu tháng 5/2014, tại nhiều địa phương trong cả nướclại xuất hiện tình trạng thương lái người Trung Quốc đến thu mua thân, rễ nhiều loại cây.Ở xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái cũng vậy, thương lái người Trung Quốc đến thu mua thân, rễ cây thuốc một thân.

Cây thuốc một thân là một loại dược liệu quý được dùng chữa trị nhiều loại bệnh cho bà con trong vùng đồng bào Dao. Thế nhưng do thương lái Trung Quốc đến tận nơi đặt mua với giá cao nên nhiều bà con trong các thôn bản đã rủ nhau lên rừng lấy thuốc bán. Đã hơn một tháng nay, ngày nào chị Triệu Thị Mụi ở thôn Ngòi Thuồng, xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên cũng cùng bà con trong thôn ùn ùn kéo nhau vào rừng đào rễ và thân cây thuốc một thân từ sáng sớm để bán lấy tiền.

Trung bình mỗi ngày trên địa bàn xã Phúc Lợi có hàng tấn thân, rễ cây thuốc quý bị phá nhổ, bán cho thương lái Trung Quốc.Nguy cơ cạn kiệt cây thuốc quý là điều khó tránh khỏi. Trước thực trạng này, các cấp, ngành, chính quyền địa phương cần sớm vào cuộc để bảo vệ nguồn dược liệu quý nơi đây.

Việc thu mua cá sấu ồ ạt của thương lái Trung Quốc khiến ngành thuộc da gặp khó khăn.

Mua lá chua ke

Những tháng đầu năm 2014, tại các huyện Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong (Nghệ An), thương lái Trung Quốc tiến hành thu gom dược liệu, chủ yếu là lá chua ke với giá 7.000-8.000 đồng/kg. Hàng trăm người đã đổ xô vào rừng, tận diệt loài cây quý này, khiến khu dự trữ sinh quyển có vành đai xanh lớn nhất Đông Nam Á (Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Mát) bị đe dọa nghiêm trọng

Mua cá sấu sống

Theo ông Tôn Thất Hưng, Giám đốc Công ty Cá sấu Hoa Cà (quận 12, TP HCM), hiện đang có tình trạng thương lái phía Bắc mua vét cá sấu sống.

“Nếu trước đây, họ chỉ mua cá hơn 10 kg/con để lấy thịt thì nay cá nhỏ 2-3 kg/con họ cũng mua, không biết để làm gì. Đặc điểm của nghề nuôi cá sấu là có người chuyên nuôi cá bố mẹ ấp nở bán cá con, người chuyên nuôi cá con đến 1 tuổi, sau đó bán cho người nuôi cá lấy thịt (1-2 năm sau). Khi cá nhỏ bị mua vét thì một năm nữa sẽ không có cá lớn 20 kg để làm thuộc da, ảnh hưởng rất lớn đến ngành này. Hiện nay, Công ty Cá sấu Hoa Cà không mua thêm được nguồn từ các hộ dân bên ngoài nên phải giữ lại đàn, dù giá có lên cao cũng không bán để bảo đảm nguyên liệu sản xuất sau này” - ông Hưng nói.

Tương tự, ông Bùi Văn Đa - chủ một trại nuôi cá sấu lớn ở xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh - cũng nhận thấy tình trạng khan hàng khi các đầu nậu ngày nào cũng gọi điện liên tục hỏi mua cá nhưng không có hàng để bán. “Giá cá sấu tăng liên tục trong một năm qua và tăng mạnh nhất trong 2 tháng gần đây, từ 150.000 đồng lên 230.000 đồng/kg. Điều đặc biệt là năm nay thương lái chấp nhận mua “xô”, không tuyển cá lớn hơn 15 kg/con và lành lặn như trước”.

Thương lái gom cá sống giá cao đang khiến ngành thuộc da cá sấu rơi vào cảnh thiếu hụt nguyên liệu, giá thành cao, nhất là các cơ sở không có trại nuôi. Đại diện một công ty chuyên chế biến các sản phẩm từ da cá sấu cho biết đang phải thu gọn quy mô sản xuất xuống còn một nửa để cầm cự vì không chịu nổi giá nguyên liệu lên cao đến 70%-80%, đẩy giá đầu ra tăng 50% nên gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ.

Không những thế, nếu tình trạng người dân thấy lợi mà “bán tống bán tháo” cá sấu cho thương lái Trung Quốc kéo dài rất có thể sẽ làm sụt giảm số lượng và chất lượng cá sấu giống trong tương lai.

Ngọc Anh (tổng hợp)

Xem thêm video: Khách Tây thưởng thức trứng vịt lộn tại Việt Nam

Nguồn ĐS&PL: http://www.nguoiduatin.vn/vach-mat-kieu-mua-ban-tan-diet-cua-thuong-lai-trung-quoc-tai-viet-nam-a133030.html