Vaccine “vạn năng” phòng cúm

(ANTĐ) - Các chuyên gia thuộc Đại học Oxford, Anh vừa công bố đã chế tạo thành công loại vaccine “vạn năng”, có thể dùng để phòng ngừa tất cả các loại virus cúm từng được biết đến chỉ với 1 mũi tiêm. Nếu thử nghiệm lâm sàng thành công, loại vaccine mới này sẽ giúp nhân loại đối phó với các đại dịch cúm tốt hơn, đồng thời giảm thiểu chi tiêu trong phòng chống cúm.

Cơ chế hoạt động của các loại vaccine truyền thống là kích thích cơ thể sản xuất kháng thể để tiêu diệt lớp vỏ của virus, song lớp vỏ protein bên ngoài virus dễ biến dị, khiến vaccine vô hiệu. Thêm vào đó, việc sản xuất vaccine mỗi năm đều phải căn cứ vào sự dự báo về khả năng bùng phát loại virus nào đó của các nhà nghiên cứu, do vậy độ tin cậy đôi khi không cao. Trong khi đó, mục tiêu của vaccine mới là nhằm vào protein bên trong virus. Các nhà khoa học phát hiện ra rằng có 2 loại protein tồn tại trong các virus đã được biết đến và khả năng biến dị rất thấp. Trên cơ sở đó, loại vaccine đối phó với 2 loại protein này đã hình thành. Khi được tiêm vào cơ thể, vaccine mới sẽ kích thích sản sinh ra tế bào T có thể nhận biết 2 loại protein trên, từ đó giết chết các tế bào bị virus xâm nhập. Cơ thể mỗi người đều có tế bào T - tế bào đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập và tối đa hóa tác dụng của hệ thống miễn dịch, tuy nhiên khả năng “điều động” chúng ở mỗi người khác nhau và vaccine mới sẽ giúp cơ thể thực hiện việc mà các loại vaccine truyền thống không thể làm được này. Trong những năm qua, sự bùng phát của các dịch cúm A/H1H1, H5N1 hay H3N2 đều cho thấy vaccine truyền thống đã gần như vô hiệu trước sự biến dị của virus, chính vì vậy, việc đưa vaccine mới vào thử nghiệm lâm sàng để sản xuất hàng loạt trong vài năm tới đang được kỳ vọng cao.

Nguồn ANTĐ: http://www.anninhthudo.vn/tianyon/index.aspx?articleid=93007&channelid=100