Và đây là cách Gyoza - sủi cảo Nhật Bản lấy lòng bạn tuyệt đối

Mang dáng vẻ nửa vầng trăng nhỏ gọn, chiếc vỏ bao bọc phần nhân thịt đậm đà, chấm cùng loại nước chấm đặc biệt, Gyoza chưa bao giờ làm bất kì thực khách nào phải thất vọng với hương vị của chúng.

Bên cạnh các loại mì truyền thống và các món cá tươi sống nổi tiếng thì mỗi khi nhắc đến ẩm thực của Xứ xở hoa anh đào thì chắc chắn không ai có thể bỏ qua món Gyoza - sủi cảo Nhật Bản. Món ăn này bắt nguồn từ Trung Hoa với phần nhân là hải sản và rau băm nhỏ, trộn chung với nhau cùng các gia vị truyền thống rồi gói bằng vỏ bột mì, sau đó mang hấp chín. Nhiều giai đoạn lịch sử đi qua thì Gyoza cũng đã đặt chân đến vùng đất này và được biến tấu dựa trên nguyên liệu đặc thù của địa phương sao cho phù hợp với khẩu vị của người dân nơi đây, dần dần đã trở thành một món ăn quan trọng trong ẩm thực Nhật Bản.

Sủi cảo Gyoza của người Nhật có 3 kiểu chế biến rất phổ biến là Yaki Gyoza - sủi cảo áp chảo, Age Gyoza - sủi cảo chiên Sui Gyoza - sủi cảo nước.

Ngoài ra còn có Hanetsuki Gyoza, đây là thuật ngữ để chỉ một mẻ sủi cảo dính với nhau nhờ lớp đáy giòn tạo thành mảng lớn, hay còn gọi là Gyoza cùng đôi cánh. Những phần nhỏ được xếp gọn gàng trên chảo và được chiên đều mặt.

Mang dáng vẻ nửa vầng trăng nhỏ gọn, chiếc vỏ bao bọc phần nhân thịt đậm đà, chấm cùng loại nước chấm đặc biệt, Gyoza chưa bao giờ làm bất kì thực khách nào phải thất vọng với hương vị của chúng.

Phần vỏ được làm từ các nguyên liệu cơ bản là bột mì, trứng và nước. Tỉ lệ và cách nhào bột cũng như cách bảo quản được tính toán rất chặt chẽ để có thể cán ra từng chiếc vỏ thật mỏng, có thể thấy được phần nhân bên trong mà vỏ bánh vẫn không bị rách, dự trữ được trong thời gian dài.

Phần nhân là sự kết hợp hài hòa của thịt heo xay, bắp cải, hẹ, hành, tỏi và gừng. Điểm đặc biệt khiến Gyoza khác với sủi cảo của các nước khác nằm ở tỉ lệ tỏi tươi có trong nhân. Chúng khiến phần hỗn hợp nhân thơm và dậy mùi hơn rất nhiều, mùi vừa phải chứ không quá nồng gây cảm giác khó chịu cho người ăn. Nước chấm cũng đóng một vai trò quan trọng không kém để giúp món ăn thêm ngon và tinh tế hơn.

Tương tự như như những chiếc bánh bạch tuộc nhỏ tròn và những chiếc bánh xèo đặc trưng của Xứ xở hoa anh đào, Gyoza không phải là món chính trong bữa ăn của người Nhật.

Nhật Bản vốn nổi tiếng bởi những sản phẩm độc đáo chỉ có tại đất nước này nên ngoài sắc vàng đặc trưng ở chiếc vỏ bánh, họ còn sáng tạo ra loại vỏ màu đen huyền bí được làm từ tinh than tre, rất tốt cho sức khỏe.

Sủi cảo với nhiều cách chế biến khác nhau như chiên, hấp, luộc cùng hương vị đa dạng tùy từng vùng miền, được bày bán rất nhiều nơi trên khắp nước Nhật. Không chỉ vô cùng phổ biến trong nước mà độ ngon của Gyoza đã giúp chúng được yêu thích ở nhiều nơi trên Thế giới và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Đa số các nhà hàng Nhật tại Việt Nam đều có món ăn này trong thực đơn của họ như một món ăn ‘phải thử’ để có thể hiểu rõ thêm về ẩm thực tinh túy của Xứ xở Mặt trời mọc. Còn gì tuyệt hơn một phần sủi cảo được chiên giòn vàng đều, nóng hổi để thưởng thức trong một chiều mưa nữa?

Quỳnh Anh

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/food/va-day-la-cach-gyoza-sui-cao-nhat-ban-lay-long-ban-tuyet-doi-1287019.html