Ủy ban TVQH thảo luận Luật MTTQ (sửa đổi): Cần làm rõ chức năng giám sát, phản biện xã hội

Ngày 16-4, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban TVQH tiếp tục làm việc với phiên thảo luận, cho ý kiến về Dự luật MTTQ. Đa số các Ủy viên Ủy ban TVQH yêu cầu cần làm rõ chức năng giám sát, phản biện xã hội của MTTQ nhằm đạt hiệu quả, tránh hình thức. Dự buổi thảo luận có Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm.

Lễ kí kết giao ước thi đua của các tổ chức xã hội

khu dân cư Thọ Lão, xã Quang Hưng, huyện Phủ Cừ

(tỉnh Hưng Yên)

Ảnh: Hoàng Long

Đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân

Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký UBTƯMTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim, Luật MTTQ hiện hành có ý nghĩa chính trị to lớn, là cơ sở pháp lý để MTTQ Việt Nam thực hiện có hiệu quả hơn quyền, trách nhiệm của mình. Thông qua quá trình triển khai và thi hành luật, nhận thức của hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam được nâng lên. MTTQ Việt Nam đã đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng, củng cố, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần vào những thành tựu chung của đất nước trong thời kỳ đổi mới. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát huy hơn nữa sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, Luật MTTQ Việt Nam hiện hành đã bộc lộ một số hạn chế cần được sửa đổi, bổ sung...

"Quan điểm xây dựng Luật MTTQ là thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng trong các văn kiện đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, X, XI; Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) về tiếp tục phát huy và nâng cao vai trò của MTTQ Việt Nam, góp phần xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc theo hướng mở rộng và đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân, phát huy dân chủ, xây dựng sự đồng thuận trong xã hội, động viên nhân dân tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân...”, ông Vũ Trọng Kim nhấn mạnh.

Đại diện cho nhân dân

Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai tỏ ý băn khoăn về quy định tại Khoản 1, Điều 4 Dự luật MTTQ: Chức năng của MTTQ Việt Nam là tập hợp, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân; thực hiện dân chủ XHCN, tăng cường đồng thuận trong xã hội; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Bà Mai cho rằng, nếu soạn thảo như vậy sẽ không đủ sức thuyết phục các đại biểu QH khi đưa ra lấy ý kiến. "Tôi đề nghị làm rõ cơ sở lý luận khoa học khi ta đưa vào MTTQ là đại diện cho nhân dân. Có như vậy mới đủ sức thuyết phục khi trình ra QH...”, bà Mai yêu cầu.

Bàn về vấn đề trên, Phó Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim khẳng định: Quy định chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, của MTTQ Việt Nam nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc và vai trò của MTTQ Việt Nam, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới. Văn kiện Đại hội X của Đảng đã ghi: "MTTQ Việt Nam và các đoàn thể nhân dân có vai trò rất quan trọng trong việc tập hợp, vận động, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân, đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân”. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) cũng chỉ rõ: "MTTQ Việt Nam và các đoàn thể nhân dân có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân…”.

Làm rõ chức năng giám sát, phản biện

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu, Dự luật MTTQ cho ông cảm giác mới chỉ là những bước đi đầu tiên. Ông Giàu cho rằng, cần xây dựng một cơ chế giám sát, phản biện xã hội chắc chắn, cụ thể trong Dự luật MTTQ nhằm đạt hiệu quả cuối cùng. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH đặt câu hỏi: "Nếu quy định như thế này, khi MTTQ phản biện mà chủ thể không tiếp thu thì là chấm hết, không đi đến đâu cả. Cần phải có cơ chế để đạt đến hiệu quả cuối cùng...”. Đồng quan điểm với ông Giàu, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước phân tích: "Trong Dự luật MTTQ Việt Nam, tôi thấy quy định chưa rõ là MTTQ có chức năng góp ý hay phản biện xã hội. Vì nếu góp ý thì người ta có thể không nghe. Nhưng nếu là phản biện xã hội thì chủ thể bắt buộc phải tiếp thu khi phản biện đúng. Từ đó họ phải chỉnh sửa văn bản pháp luật dù đã ban hành hay chưa, thậm chí còn phải hủy bỏ cả văn bản đó nếu nó có vấn đề...”.

Còn rất nhiều ý kiến khác nhau tham gia thảo luận xung quanh Dự luật MTTQ Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn chung đa số các Ủy viên TVQH đều thống nhất là Dự luật MTTQ cần làm rõ thêm một số vấn đề cho chặt chẽ hơn, khả thi hơn để khi được QH thông qua sẽ đi vào cuộc sống nhanh hơn.

Kết luận phiên thảo luận, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Ban soạn thảo Dự luật MTTQ Việt Nam cần tiếp thu các ý kiến, tiếp tục chỉnh sửa cho cụ thể, chặt chẽ hơn. "Tôi đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ hơn mấy điểm mới: Đại diện cho nhân dân, giám sát, phản biện xã hội và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Tạm thời Kỳ họp thứ 5 QH khóa XIII chưa đưa Dự luật MTTQ ra lấy ý kiến để Ban soạn thảo có thời gian chỉnh sửa. Đến Kỳ họp thứ 6 sẽ trình xin ý kiến QH, nếu được sẽ thông qua vào Kỳ họp thứ 7 QH khóa XIII...”, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng khẳng định.

Lê Anh Đức

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=63464&menu=1371&style=1