ỦY BAN TƯ PHÁP HỌP PHIÊN TOÀN THỂ LẦN THỨ 12

Sáng 6/3, tại Đà Nẵng, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 12 để thẩm tra Dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Ủy ban Tư pháp họp phiên toàn thể lần thứ 12

Luật Phòng, chống mua bán người được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29/3/2011, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2012. Việc ban hành đạo luật chuyên ngành về phòng, chống mua bán người tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong đấu tranh phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán và thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam, góp phần thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong công tác phòng, chống mua bán người.

Quá trình triển khai thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, giúp kiềm chế sự gia tăng của tệ nạn mua bán người, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tăng cường quản lý Nhà nước về phòng, chống mua bán người và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này. Bên cạnh những thuận lợi và kết quả đã đạt được, sau 12 năm triển khai thi hành Luật Phòng, chống mua bán người, đã đặt ra yêu cầu cần thiết phải tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật này.

Với mục tiêu hoàn thiện pháp luật phòng, chống mua bán người, tạo nhận thức thống nhất và đầy đủ về công tác phòng, chống mua bán người trong thời gian tới; nâng cao trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội trong công tác phòng, chống mua bán người góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người, Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga chủ trì phiên họp

Tại phiên họp thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, đại diện Bộ Công an cho biết, dự thảo Luật gồm 8 chương, 66 điều. So với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, dự thảo Luật giữ nguyên số chương, sửa đổi, bổ sung nội dung 52/58 điều, xây dựng mới 09 điều, bỏ 01 điều, tập trung vào các nội dung cơ bản, như: Bổ sung quy định về khái niệm “mua bán người”; sửa đổi, bổ sung quy định về căn cứ xác định nạn nhân và quy định về các nguồn tài liệu, chứng cứ để xác định nạn nhân cùng một số căn cứ khác để xác định nạn nhân; Bổ sung quy định về khái niệm “người đang trong quá trình xác định là nạn nhân” và bổ sung quy định về chế độ hỗ trợ, bảo vệ đối với người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.

Dự thảo Luật cũng bổ sung những quy định nâng cao chế độ hỗ trợ đối với nạn nhân so với quy định của Luật hiện hành và nhiều nội dung khác để phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 và các luật liên quan; để phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; phù hợp thực tiễn công tác phòng, chống mua bán người thời gian qua và đáp ứng yêu cầu của công tác này thời gian tới.

Thảo luận phiên họp, nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật, các đại biểu đánh giá dự thảo Luật đã phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013 và một số luật như Bộ luật Hình sự, Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Ghi nhận hồ sơ dự án Luật được cơ quan chủ trì soạn thảo chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định tại khoản 1 Điều 37 và khoản 2 Điều 40 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa trao đổi ý kiến nghiên cứu ban đầu của Thường trực Ủy ban

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị tiếp tục rà soát tính đồng bộ, thống nhất với các luật khác như Luật Cảnh sát biển, Luật Biên phòng, Luật Giáo dục, Luật Trẻ em…Rà soát để nội luật hóa đầy đủ hơn nhiều điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên như Nghị định thư về Việc ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia của Liên hợp quốc (Nghị định thư Palermo), Công ước ASEAN về Phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (Công ước ACTIP).

Tập trung cho ý kiến về các quy định cụ thể của dự thảo Luật như về phòng ngừa mua bán người, các vấn đề về bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân và người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, nhiều ý kiến nhấn mạnh việc cần làm rõ, tăng trách nhiệm của các tổ chức chính trị xã hội, cơ quan đoàn thể trong hỗ trợ các nạn nhân của mua bán người; cần quy định giao đầu mối thống nhất tại các địa phương trong quản lý về phòng chống mua bán, tránh tình trạng có nơi giao cho công an, có nơi lại giao cho ngành lao động, thương binh và xã hội như hiện nay.

Các đại biểu tham dự phiên họp

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng chống mua bán người; ưu tiên bố trí ngân sách cho công tác phòng chống mua bán người tại các vùng biên giới, các điểm nóng về mua bán người.

Theo dự kiến chương trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật này tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 3/2024 trước khi trình Quốc hội thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) tới.

Một số hình ảnh tại phiên họp:

Toàn cảnh phiên họp

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa phát biểu

Các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp tham dự phiên họp

Các thành viên Ủy ban Tư pháp tham dự phiên họp

Đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội cùng dự phiên họp

Các đại biểu tham dự phiên họp.

Bảo Yến

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=85165