Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Đa số ý kiến nhất trí cấm tuyệt đối nồng độ cồn

Trong báo cáo giải trình, tiếp thu dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, hầu hết các ý kiến nhất trí với phương án cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Chiều nay (22/5), Quốc hội sẽ thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết đa số ý kiến nhất trí cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Đây không phải nội dung mới mà được kế thừa từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019.

Cũng theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các nhà khoa học ủng hộ quy định cấm trên. Việc sử dụng rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp gây ra khoảng 30 căn bệnh nguy hiểm, là nguyên nhân gián tiếp tác động gây ra hơn 100 căn bệnh khác.

Ảnh minh họa: Đình Hiếu

Ảnh minh họa: Đình Hiếu

Về nồng độ cồn nội sinh, đến nay chưa có căn cứ rõ ràng và thực tiễn phát hiện là rất hiếm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, có thể trao đổi với lực lượng chức năng để kiểm tra lại qua xét nghiệm máu nhằm không làm sai lệch kết quả xử lý.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc cấm nồng độ cồn khi lái xe trên thực tiễn đã phát huy kết quả tốt, ngày càng đi vào cuộc sống, được đông đảo người dân đồng tình thực hiện và đang từng bước hình thành văn hóa “đã uống rượu, bia thì không lái xe”.

Năm 2023, sau khi lực lượng chức năng tăng cường xử lý đối với người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia giảm 25%, 50% số người chết, 22% số người bị thương so với cùng kỳ năm 2022.

Quy định hiện hành về cấm tuyệt đối nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông không làm ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, mức độ tiêu thụ đồ uống có cồn của Việt Nam vẫn đang ở mức cao.

Hơn nữa, việc quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn sẽ bảo đảm tính khả thi hơn so với quy định cho phép nồng độ cồn ở ngưỡng nhất định.

Với quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn, người dân không uống rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Còn nếu quy định có ngưỡng nhất định, chính người dân khó xác định uống bao nhiêu, uống thế nào cho thấp hơn ngưỡng đó, nhất là khi bị ép uống, khó làm chủ bản thân. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định ngưỡng cũng sẽ gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc xử lý.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho biết, việc quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn còn có tác động, ảnh hưởng nhất định đến một số hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống của một số địa phương; làm giảm sức tiêu thụ đồ uống có cồn, từ đó làm ảnh hưởng nhất định các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ đồ uống có cồn, nguồn thu ngân sách của Nhà nước và thu nhập của những người làm việc tại các cơ sở này.

Lý do không quy định ngưỡng giới hạn nồng độ cồn

Ngoài ra, có một số ý kiến đề nghị đưa ra mức giới hạn thấp nhất về nồng độ cồn trong máu và hơi thở đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ưu điểm của việc quy định ngưỡng giới hạn nồng độ cồn cho phép trong máu và hơi thở đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ là đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người dân được điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi đã sử dụng rượu, bia.

Việc này cũng không làm giảm sức tiêu thụ đồ uống có cồn, nên không ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ đồ uống có cồn và thu nhập của những người làm việc tại các cơ sở này.

Một số ý kiến cho rằng, nồng độ cồn thấp vẫn có khả năng làm chủ hành vi và có thể điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Trong thực tế có nhiều trường hợp mặc dù đã uống rượu, bia sau một thời gian dài (khoảng 12 giờ hoặc qua đêm) mà vẫn còn nồng độ cồn.

Về mặt hạn chế, việc này có thể làm tăng số vụ tai nạn giao thông, kéo theo làm tăng hậu quả, thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra; ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình, nguồn lực của đất nước, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội; đi ngược lại những cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, gây lãng phí công sức, tiền bạc của Nhà nước và nhân dân...

Khi đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ 6, nội dung này còn ý kiến khác nhau nên có 2 phương án được thiết kế để xin ý kiến thì hầu hết các đoàn ĐBQH, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan có liên quan nhất trí với phương án cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản cho người dân, bảo vệ nguồn lực cho xã hội, bảo vệ tuổi thọ của giống nòi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định “cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.

Dự luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu ở kỳ họp 6 cuối năm 2023, dự kiến được xem xét thông qua tại kỳ họp lần này.

Trần Thường

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-da-so-y-kien-dong-thuan-cam-tuyet-doi-nong-do-con-2283118.html