Ủy ban Pháp luật họp Phiên toàn thể lần thứ 22

Sáng 8.5, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội - 22 Hùng Vương, Hà Nội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Ủy ban Pháp luật họp Phiên toàn thể lần thứ 22 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Tham dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phạm Thúy Chinh; Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn; các thành viên Ủy ban Pháp luật; đại diện Thường trực Ủy ban Xã hội và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu

Tại phiên họp, Ủy ban Pháp luật thẩm tra dự án Luật Công chứng (sửa đổi) và đề nghị của Chính phủ bổ sung dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Trình bày Tờ trình dự án Luật Công chứng (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp của Luật Công chứng năm 2014, dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) gồm 10 chương, 78 Điều, được xây dựng trên cơ sở giữ nguyên 9 điều, sửa đổi 61 điều, giảm bớt 12 điều và bổ sung 9 điều mới trong tổng số 81 điều của Luật Công chứng năm 2014.

Quang cảnh phiên họp toàn thể lần thứ 22 của Ủy ban Pháp luật

So với Luật Công chứng năm 2014, dự thảo Luật đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng xác định công chứng là việc công chứng viên chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của giao dịch dân sự bằng văn bản; việc chứng nhận bản dịch không còn thuộc phạm vi công chứng mà là hoạt động chứng thực chữ ký người dịch theo quy định của pháp luật về chứng thực. Như vậy, trong trường hợp công chứng viên chỉ thực hiện việc chứng thực thì không được xem là hành nghề công chứng.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu

Dự thảo Luật bổ sung quy định về một số hành vi bị nghiêm cấm đối với công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, cá nhân, tổ chức có liên quan nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên, góp phần phát triển các tổ chức hành nghề công chứng ổn định, bền vững, tăng cường trách nhiệm, ý thức của cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc công chứng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang phát biểu

Thẩm tra dự án Luật, các thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Công chứng năm 2014 nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về hoạt động công chứng; bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật, tạo điều kiện để phát triển hoạt động công chứng theo định hướng xã hội hóa, ổn định, bền vững, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy phát biểu

Dự thảo Luật có 14 nội dung giao Chính phủ, 7 nội dung giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết. Các thành viên Ủy ban Pháp luật đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu để luật hóa tối đa các nội dung đã chín, đã rõ, đã được thực tiễn kiểm nghiệm và phát huy hiệu quả trên thực tế, tránh việc giao quá nhiều nội dung quy định chi tiết làm giảm tính cụ thể của luật, làm cho luật chậm đi vào cuộc sống vì phải chờ văn bản quy định chi tiết.

Liên quan đến thẩm quyền địa hạt công chứng, một số đại biểu cho rằng, cần cân nhắc kỹ lưỡng khi bỏ quy định về địa hạt công chứng đối với bất động sản để tránh phát sinh rủi ro pháp lý cũng như tình trạng làm giả hồ sơ, giấy tờ.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương phát biểu

Để bảo đảm đầy đủ, bao quát, chặt chẽ quy định về tập sự hành nghề công chứng, có ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn về nội dung chương trình tập sự, kiểm tra kết quả tập sự tại Điều 10 dự thảo luật để tăng tính cụ thể, minh bạch bởi những nội dung này đã thực hiện ổn định, phát huy hiệu quả trong thực tiễn.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên, mô hình tổ chức của văn phòng công chứng, công chứng bản dịch, công chứng điện tử,...

Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Lò Thị Việt Hà phát biểu

Kết luận nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục rà soát kỹ lưỡng dự thảo Luật với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, đặc biệt là Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự nhằm bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Về xã hội hóa để khuyến khích thành lập văn phòng công chứng ở những địa bàn kinh tế - xã hội còn khó khăn, cần nghiên cứu để quy định cụ thể hơn trong dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội sớm gửi văn bản ý kiến thẩm tra để Ủy ban Pháp luật tổng hợp, hoàn thiện báo cáo thẩm tra trình Quốc hội tại Kỳ họp tới.

+ Cũng tại phiên họp, thẩm tra đề nghị của Chính phủ về bổ sung dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, các ý kiến của Ủy ban Pháp luật và Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách tán thành với sự cần thiết ban hành Luật mới để sửa đổi toàn diện và thay thế Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Cơ bản nhất trí với việc bổ sung nội dung “sắp xếp và cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp” vào phạm vi điều chỉnh của dự án luật, song, có ý kiến đề nghị cần làm rõ nội hàm “quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp” tại phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật để bảo đảm tính thống nhất, bao quát giữa tên gọi, phạm vi điều chỉnh và các chính sách có liên quan của dự thảo Luật.

Tin và ảnh: Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/uy-ban-phap-luat-hop-phien-toan-the-lan-thu-22-i370887/