Ưu tiên sử dụng con giống địa phương

Lò Thị Luyến - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên. Cả ba Chương trình mục tiêu quốc gia: xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đều có nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất. Và mặc dù Nghị định số 38/2023/NĐ-CP (sửa đổi Nghị định số 27/2022/NĐ-CP về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia) quy định một trong những nguyên tắc hỗ trợ là 'ưu tiên sử dụng giống cây trồng, vật nuôi và những hàng hóa, dịch vụ khác do người dân trực tiếp sản xuất tại địa bàn triển khai dự án…', nhưng đến nay các địa phương, trong đó có cả Điện Biên, đều chưa thể triển khai. Nguyên nhân do vướng mắc về tiêu chuẩn của con giống và việc xác định giá thị trường.

Cụ thể, Nghị định số 38/2023/NĐ-CP quy định ưu tiên sử dụng giống vật nuôi do người dân trực tiếp sản xuất trên địa bàn nhưng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) lại có văn bản đề nghị tiêu chuẩn của giống vật nuôi phải đáp ứng yêu cầu tại Luật Chăn nuôi và các văn bản có liên quan.

Người dân trên địa bàn các xã khó khăn chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, sử dụng giống bản địa, không thể đáp ứng được các điều kiện theo quy định của Luật Chăn nuôi; ví dụ phải có chứng nhận nguồn gốc bố mẹ, được chứng nhận là giống tiến bộ, được nuôi theo quy chuẩn chuồng trại... Tuy nhiên, những giống này được người dân lựa chọn theo tri thức bản địa, cảm quan, kinh nghiệm chăn nuôi về chiều cao, cân nặng, vòng bụng, vòng cổ, màu da, màu lông... Hơn nữa, đây là những giống phù hợp với điều kiện khí hậu nên sinh trưởng, phát triển tốt. Nhiều thế hệ nông dân trong vùng vẫn chọn mua con giống và nuôi theo cách này vì chi phí thấp, phù hợp khí hậu, vật nuôi quen theo cách thức chăn thả tự nhiên.

Thời gian qua, tại Điện Biên không có đơn vị nào đủ điều kiện để cung ứng giống vật nuôi. Để mua con giống bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định của Luật Chăn nuôi, Điện Biên phải hợp đồng với đơn vị đủ điều kiện cung ứng từ địa bàn khác. Do phải chịu chi phí vận chuyển, chi phí nuôi theo quy chuẩn, giá giống vật nuôi mua từ nơi khác thường cao gấp 2 - 3 lần giống bán tại địa phương (được nuôi chăn thả thông thường). Bên cạnh đó, vật nuôi thường bị ốm do vận chuyển xa và chưa thích ứng với khí hậu, hoặc do thay đổi môi trường sống nên bị gầy. Điều này gây dư luận không tốt trong Nhân dân.

Để giải quyết vấn đề này, góp phần thực hiện quy định ưu tiên sử dụng giống cây trồng, vật nuôi và những hàng hóa, dịch vụ khác do người dân trực tiếp sản xuất tại địa bàn triển khai dự án…”, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cần bổ sung một nội dung. Đó là, “trường hợp mua sắm giống cây trồng, vật nuôi do người dân trực tiếp sản xuất tại địa bàn triển khai dự án thì giống cây trồng, vật nuôi đó chỉ cần đáp ứng các tiêu chuẩn theo định mức kinh tế kỹ thuật do cấp tỉnh ban hành và được UBND xã xác nhận”. Các tiêu chuẩn theo định mức kinh tế kỹ thuật ở đây sẽ bao gồm quy định về trọng lượng, chiều cao, vòng cổ, vòng bụng... tối thiểu đối với con giống.

Bên cạnh đó, việc định giá giống cây trồng, vật nuôi khi mua trực tiếp từ người dân cũng có vướng mắc. Khoản 2 Điều 3 Thông tư 55/2023/TT-BTC về quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 quy định: “Đơn giá thu mua sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tính theo giá thị trường trên địa bàn tại cùng thời điểm, được UBND cấp xã xác nhận tại giấy biên nhận mua bán với người dân”. Tuy nhiên, thực tế nhiều địa phương e ngại rủi ro pháp lý nên không dám áp dụng.

Để gỡ bỏ tâm lý e ngại này, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội cần quy định: “Cơ quan tài chính cùng cấp, hoặc UBND cấp xã chịu trách nhiệm xác định giá thị trường của hàng hóa trong trường hợp thanh toán theo giá thị trường”. Cụ thể là giao cho cấp huyện thành lập tổ thẩm định, định giá giống vật nuôi trên địa bàn làm cơ sở để triển khai thực hiện.

Phải quy định cụ thể về tiêu chuẩn con giống và việc xác định giá như vậy thì địa phương mới triển khai được việc ưu tiên sử dụng giống địa phương.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/uu-tien-su-dung-con-giong-dia-phuong-i357713/