Ưu tiên nguồn vốn cho nông dân phát triển sản phẩm OCOP

Đoàn công tác của Đảng Đoàn Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang đã có buổi làm việc với Thường trực Huyện ủy Giồng Riềng về kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác hội và phong trào nông dân từ sau Đại hội đại biểu Hội Nông dân huyện nhiệm kỳ 2023-2028 đến nay.

Toàn cảnh buổi làm việc của Đảng đoàn Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang với Thường trực Huyện ủy Giồng Riềng.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang Đỗ Trần Thịnh đánh giá cao sự quan tâm của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Giồng Riềng đối với công tác Hội và phong trào nông dân của huyện.

Đồng chí Đỗ Trần Thịnh đề nghị Hội Nông dân huyện Giồng Riềng ưu tiên các nguồn vốn giúp nông dân phát triển sản phẩm OCOP; chú trọng đồng hành cùng chủ thể sản phẩm OCOP trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn thủ tục, quy trình công nhận sản phẩm, nâng tầm sản phẩm để hưởng các cơ chế, chính sách hỗ trợ của nhà nước, kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Đồng chí Đỗ Trần Thịnh đề nghị Hội Nông dân huyện Giồng Riềng tập trung xây dựng, củng cố tổ chức Hội Nông dân các cấp thực sự vững mạnh; đa dạng hơn nữa các hình thức vận động, tập hợp nông dân, phát triển hội viên; nâng cao chất phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, phong trào xây dựng nông thôn mới. Hội tích cực vận động hội viên, nông dân chú trọng nâng giá trị sản phẩm gắn với bảo vệ môi trường; nâng cao vai trò của Hội Nông dân an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo bằng các công trình, phần việc ở nông thôn như nhà ở, cầu, đường giao thông nông thôn…

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang Đỗ Trần Thịnh (thứ hai, từ trái qua) tham quan vườn cây ăn trái của nông dân xã Ngọc Hòa, huyện Giồng Riềng.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Giồng Riềng Huỳnh Thị Kiều, đến tháng 11-2023, Hội Nông dân huyện Giồng Riềng thực hiện đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu năm 2023. Hội kết nạp mới 1.421 hội viên, nâng tổng số toàn huyện có 30.776 hội viên; tăng trưởng vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân được 656,9 triệu đồng; xây dựng mới, củng cố 2 mô hình hợp tác xã; xây dựng 4 chi hội nghề nghiệp, 22 tổ hội nghề nghiệp; huyện có 24 sản phẩm OCOP; 28.786 hội viên tham gia bảo hiểm y tế; phối hợp vận động xây dựng 10 căn nhà đại đoàn kết; 59 hộ nông dân nghèo thoát nghèo…

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Giồng Riềng cho rằng, thị trường tiêu thụ nông sản không ổn định, trong khi đó giá vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp, xăng, dầu, giá điện tăng cao... đã tác động tiêu cực và gây khó khăn cho đời sống nông dân; việc ký kết hợp đồng tìm đầu ra bao tiêu nông sản, công tác giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, VietGap chưa nhiều; một số đồng chí chuyên trách Hội cơ sở thay đổi nên chưa tiếp cận công tác Hội và phong trào nông dân…

Hội Nông dân huyện Giồng Riềng kiến nghị Trung ương Hội Nông dân Việt Nam ban hành quy định về tiêu chuẩn cụ thể đối với chức danh chi hội trưởng nông dân; có hướng dẫn thực hiện Nghị định 37-NĐ/2023/NĐ-CP, ngày 24-6-2023 của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân; Hội Nông dân tỉnh xem xét việc quy định tỷ lệ tổ chức hội xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ không vượt quá 50% số tổ chức hội được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ...

Tin và ảnh: ĐẶNG LINH

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/doan-the/uu-tien-nguon-von-cho-nong-dan-phat-trien-san-pham-ocop-17435.html