Ưu đãi mới, mở dư địa cho phát triển cụm công nghiệp

Những ưu đãi hấp dẫn mới có hiệu lực giúp các địa phương thuận lợi trong thu hút đầu tư hạ tầng và đầu tư thứ cấp vào cụm công nghiệp.

Nhiều địa phương kêu gọi đầu tư, thành lập cụm công nghiệp mới

UBND tỉnh Hải Dương mới đây đã ban hành quyết định thành lập cụm công nghiệp phía Tây Việt Hòa, thành phố Hải Dương diện tích 59,9 ha và cụm công nghiệp Thái Tân, huyện Nam Sách diện tích 75 ha.

Theo đó, cụm công nghiệp phía Tây Việt Hòa có diện tích 59,9 ha, tổng mức đầu tư hơn 732 tỷ đồng tại phường Việt Hòa, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Chủ đầu tư là Công ty TNHH Tân Hưng.

Cụm công nghiệp nhằm tạo quỹ đất sạch, hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh, đồng bộ, đáp ứng đầy đủ các điều kiện cho hoạt động sản xuất; thực hiện việc di chuyển các cơ sở sản xuất tại cụm công nghiệp Tây Ngô Quyền và thu hút, di chuyển các cơ sở sản xuất đang hoạt động gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hải Dương vào cụm công nghiệp.

Ưu đãi mới, mở dư địa cho phát triển cụm công nghiệp

Cụm công nghiệp Thái Tân có diện tích khoảng 75 ha, tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần đầu tư bất động sản Toàn Cầu.

Theo đó, hoạt động sản xuất kinh doanh được bố trí tại cụm công nghiệp Thái Tân bao gồm nhóm các dự án sản xuất công nghệ cao, công nghệ sinh học, điện tử, vật liệu mới trong xây dựng; nhóm ngành sản xuất năng lượng tái tạo; nhóm ngành nghề thực hiện các dịch vụ cho sản xuất công nghiệp. Các ngành công nghiệp thu hút tại cụm công nghiệp đảm bảo thân thiện với môi trường, ưu tiên thu hút các dự án công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, không gây ô nhiễm môi trường.

Tương tự, mới đây, UBND huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định cũng đã thông báo mời nhà đầu tư quan tâm đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp Trung Hiệp, diện tích khoảng 61 ha và cụm công nghiệp Trung Thành, diện tích khoảng 75 ha.

Hai cụm công nghiệp trên ưu tiên thu hút các ngành nghề sản xuất, chế biến ít gây ô nhiễm môi trường như chế biến nông lâm sản xuất khẩu; sản xuất vật liệu xây dựng; cơ khí sửa chữa; may mặc…

Trong khi đó, Long An cũng vừa mới được Chính phủ chấp thuận chuyển đổi chuyển 43 ha đất trồng lúa sang thực hiện dự án cụm công nghiệp Tân Phú. Theo phương án phát triển cụm công nghiệp trên toàn tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Long An quy hoạch 72 cụm công nghiệp với tổng diện tích trên 3.900ha. UBND tỉnh Long An đang tích cực xây dựng chính sách khuyến khích kêu gọi đầu tư hạ tầng và đầu tư thứ cấp vào các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hiện Long An có 18 cụm công nghiệp đang hoạt động với 400 doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh.

Sức hút từ những ưu đãi hấp dẫn

Theo số liệu từ Cục Công Thương địa phương, tính đến hết năm 2023, cả nước đã thành lập được 1.062 cụm công nghiệp, trong đó 705 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, chiếm 66,4% số cụm công nghiệp đã thành lập; thu hút gần 14.300 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh; tạo việc làm cho gần 666.000 lao động.

Với chức năng tạo mặt bằng sản xuất tập trung, cụm công nghiệp đã giúp các địa phương giải quyết đáng kể mối lo về môi trường, nhất là nước thải và tạo không gian sản xuất hiện đại cho các cơ sở công nghiệp nông thôn.

Đặc biệt, Nghị định số 32/2024/NĐ-CP về Quản lý, phát triển cụm công nghiệp có hiệu lực từ đầu tháng 5/2024 với nhiều ưu đãi hấp dẫn đã tạo sức hút đáng kể với các nhà đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp.

Chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Văn Thịnh- Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương cho hay, Nghị định 32 với những quy định rõ ràng, hấp dẫn các nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.

Tuân thủ nguyên tắc việc áp dụng các ưu đãi đối với các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về thuế, pháp luật về tín dụng và quy định khác của pháp luật có liên quan. Trường hợp pháp luật quy định các mức ưu đãi khác nhau thì áp dụng mức ưu đãi cao nhất.

Theo ông Thịnh, Nghị định 32 quy định chi tiết việc hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật với các cụm công nghiệp mới thành lập. Trong đó, ngân sách địa phương cân đối hỗ trợ đầu tư, phát triển hệ hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài cụm (ưu tiên hỗ trợ đầu tư công trình hạ tầng bảo vệ môi trường các cụm đã đi vào hoạt động; hỗ trợ đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật chung thiết yếu của cụm tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, cụm phát triển theo hướng liên kết ngành, chuyên ngành, hỗ trợ, sinh thái, bảo tồn nghề truyền thống) theo quy định của Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách Nhà nước.

Nhà nước hỗ trợ không quá 30% tổng mức vốn đầu tư của dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm côn nghiệp. Kinh phí hỗ trợ không tính vào tổng mức đầu tư của dự án để tính giá cho thuê lại đất, giá sử dụng hạ tầng đối với các dự án đầu tư trong cụm. Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật có trách nhiệm quản lý, sửa chữa, vận hành thường xuyên các công trình hạ tầng được hỗ trợ để phục vụ hoạt động chung của cụm công nghiệp”, ông Thịnh thông tin.

Với những cụm công nghiệp đang hoạt động, Nghị định 32 hỗ trợ phát triển cụm thông qua nội dung: Ngân sách Trung ương đảm bảo kinh phí hoạt động phát triển cụm công nghiệp do Bộ Công Thương thực hiện gồm: Điều tra, xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu cụm công nghiệp; tổ chức hội nghị, hội thảo, phối hợp xúc tiến đầu tư cụm công nghiệp; thông tin tuyên truyền, in ấn, xuất bản tài liệu, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, pháp luật, chính sách về cụm công nghiệp.

Khảo sát, đánh giá, xây dựng chính sách, mô hình quản lý, kinh nghiệm phát triển cụm công nghiệp ở trong và ngoài nước; xây dựng, phổ biến thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, phát triển cụm công nghiệp.

Nghiên cứu, xây dựng tiêu chí xác định các mô hình phát triển cụm công nghiệp hiệu quả, bảo vệ môi trường (như cụm công nghiệp chuyên ngành, cụm công nghiệp hỗ trợ, cụm công nghiệp sinh thái,…); tổ chức hướng dẫn, công nhận đối với các mô hình phát triển cụm công nghiệp; tổ chức khen thưởng, tổng kết, xây dựng báo cáo định hướng phát triển cụm công nghiệp.

Ngân sách địa phương đảm bảo kinh phí hoạt động phát triển cụm công nghiệp do địa phương thực hiện gồm: Tổ chức hoạt động xúc tiến đầu tư cụm công nghiệp; điều tra, khảo sát các tổ chức, cá nhân có nhu cầu di dời, đầu tư vào cụm; lập, thẩm định thành lập, mở rộng cụm…

Hỗ trợ kinh phí lập dự án đầu tư, chi phí vận chuyển, lắp đặt máy móc, dây chuyền thiết bị cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình trong làng nghề, khu dân cư di dời vào trong cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề. Mức hỗ trợ cụ thể do UBND cấp tỉnh quyết định.

Ông Thịnh cũng nhấn mạnh, Nghị định 32 phân quyền mạnh mẽ về cho địa phương, do vậy UBND cấp tỉnh có nhiều thẩm quyền hơn trong công tác quản lý, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn.

Hải Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/uu-dai-moi-mo-du-dia-cho-phat-trien-cum-cong-nghiep-318672.html