Uống bia rượu bao lâu thì đào thải hết nồng độ cồn?

Theo bác sĩ, thời gian chuyển hóa cồn phụ thuộc vào nhiều yếu tố nên thời gian đào thải 1 đơn vị cồn có thể lên tới 3 tiếng.

Hỏi:

Nếu tôi chỉ uống một chén rượu nhỏ, vậy bao lâu nồng độ cồn sẽ được đào thải hết, thưa bác sĩ?

Trần An (Hà Nội)

Ảnh minh họa.

Bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương trả lời:

Rượu, bia khi uống vào cơ thể được chuyển hóa phần lớn tại gan và một phần qua mồ hôi, hơi thở. Không thể tính toán tuyệt đối thời gian đào thải cồn vì điều này tùy vào cơ thể mỗi người và cách ăn uống.

Trên lý thuyết, với một người trưởng thành có sức khỏe bình thường, cứ sau 1 giờ cơ thể có thể đào thải được 1 đơn vị cồn (đây là mức nhanh nhất). Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), một đơn vị uống chuẩn chứa 10g cồn sẽ tương ứng với: 1 chén rượu mạnh 40 độ (30ml), 1 ly rượu vang 13,5 độ (100ml), 1 vại bia hơi (330ml), hoặc 3/4 chai (lon) bia 5% (330ml).

Tuy nhiên, trên thực tế, do thời gian chuyển hóa cồn phụ thuộc vào nhiều yếu tố nên thời gian đào thải 1 đơn vị cồn có thể lên tới 3 tiếng.

Nếu chỉ uống một chén rượu từ 10-20ml thì nên đợi ít nhất sau 3 tiếng để cơ thể đào thải hết lượng cồn rồi mới điều khiển xe. Trong thời gian 3 tiếng này, mọi người nên nghỉ ngơi, uống nhiều nước để cồn có thể đào thải qua đường nước tiểu. Trong trường hợp uống tới mức say (gan quá tải) thì thời gian chuyển hóa rượu của cơ thể sẽ chậm hơn so với khi chỉ uống một vài đơn vị cồn. Tốt nhất mọi người không nên lái xe khi đã uống rượu để tránh các rủi ro.

.

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/uong-bia-ruou-bao-lau-thi-dao-thai-het-nong-do-con-192240409090709312.htm