Ươm những mầm xanh thi đua

Tham quan Trưng bày 'Thi đua ái quốc-Ươm những mầm xanh' tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, tôi ấn tượng với hiện vật là chiếc máy vi tính của Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Đức Thìn. Từ chiếc máy vi tính này, ông đã viết 22 đầu sách, giới thiệu nhiều tấm gương thi đua tiêu biểu trong những năm qua.

Hồi nhỏ tham gia Đội thiếu niên du kích Đình Bảng, lớn lên là một thầy giáo mẫu mực, ông Nguyễn Đức Thìn còn là người khởi xướng nhiều phong trào có sức lan tỏa trong cộng đồng và nổi bật nhất là Phong trào “Nghìn việc tốt” cách đây 60 năm. Khi tài năng đang vào độ chín, thầy Thìn phát hiện bị mắc bệnh phong. Mặc dù đôi bàn tay dần mất cảm giác, nhưng ông vẫn nỗ lực viết sách để lan tỏa những tấm gương thi đua. Ở tuổi 83, giọng ông Thìn vẫn sang sảng. Ông nói: "Khi sử dụng chiếc máy vi tính này, tôi phải dùng kèm theo một cây bút để đánh từng con chữ. Tôi luôn trân quý lịch sử và chắt chiu những khoảnh khắc để viết sách, chụp ảnh”.

Trở về từ Campuchia với thành tích xuất sắc đoạt 4 huy chương vàng SEA Games 32, vận động viên điền kinh Nguyễn Thị Oanh bước vào guồng tập luyện nhằm hướng tới những đấu trường lớn hơn. Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, Nguyễn Thị Oanh đã trao tặng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia bộ trang phục thể thao mà chân chạy sinh năm 1995 đã tập luyện và thi đấu tại SEA Games 32. Nguyễn Thị Oanh bày tỏ: “Tôi xin hứa sẽ tiếp tục nỗ lực tập luyện và thi đấu để giành thêm nhiều thành tích cao cho thể thao Việt Nam”.

Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Đức Thìn giới thiệu về chiếc máy vi tính mà ông tặng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Hiện vật của Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Đức Thìn và vận động viên Nguyễn Thị Oanh trao tặng nằm trong hơn 200 tài liệu, hiện vật tiêu biểu được giới thiệu tới công chúng trong Trưng bày "Thi đua ái quốc-Ươm những mầm xanh", diễn ra từ ngày 9-6 đến 9-8, tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Các tài liệu, hiện vật đã phản ánh phong trào thi đua yêu nước trong nhiều năm qua, được trưng bày theo 3 phần, gồm: “Chủ tịch Hồ Chí Minh với phong trào thi đua ái quốc”; “Thi đua là yêu nước-Yêu nước thì phải thi đua” và “Khát vọng tuổi trẻ-Ươm những mầm xanh”. Bên cạnh những tài liệu, hiện vật về thi đua ái quốc đã đi cùng năm tháng, trưng bày còn giới thiệu nhiều câu chuyện ý nghĩa về quá trình nỗ lực của thế hệ trẻ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong công việc, góp sức xây dựng quê hương giàu đẹp.

Lý giải về chủ đề của trưng bày dịp này, bà Nguyễn Thị Thu Hoan, Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết: “Nội dung trưng bày thể hiện tổng quát quá trình, bối cảnh ra đời, chặng đường rất dài của phong trào thi đua ái quốc. Thông điệp của trưng bày là lời thi đua ái quốc vang mãi đến hôm nay và thấm sâu vào thế hệ trẻ".

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hoan, công việc hằng ngày chính là nền tảng của thi đua. Thi đua ái quốc không phải là những việc làm cao siêu mà đến từ những công việc nhỏ nhất, bình thường nhất. "Thời gian qua, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã đẩy mạnh phong trào thi đua từ những việc làm cụ thể. Chẳng hạn, mỗi cán bộ, nhân viên Bảo tàng hằng ngày thực hiện tốt nhiệm vụ. Ngay ở khâu đầu tiên trong việc nghiên cứu, sưu tầm hiện vật nếu chúng ta làm bài bản, tâm huyết thì sẽ có những tư liệu tốt phục vụ công chúng; đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa Việt Nam”, bà Nguyễn Thị Thu Hoan khẳng định.

Bài và ảnh: HOA LƯ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/uom-nhung-mam-xanh-thi-dua-731619