Ươm mầm cho những mùa sau

Tết đi qua, cũng là thời điểm những nhà vườn đi gom đào, mai, quất. Các phương tiện vận chuyển tỏa đi khắp các đường phố lớn nhỏ để gom hoặc thu mua lại những gốc cây đã tàn chở về vườn, tiếp tục ươm mầm cho những mùa sau.

Anh Lê Văn Huy, thôn 3, xã Xuân Du (Như Thanh) chăm sóc những gốc đào sau tết.

Dịp tết vừa qua, gia đình anh Nguyễn Thế Sơn, xã Hoằng Kim (Hoằng Hóa) mua gốc đào thế với giá 8 triệu đồng về trưng bày. Sau rằm tháng Giêng, anh đã thỏa thuận với nhà vườn uy tín trên địa bàn huyện Như Thanh nhờ chăm sóc với giá 2 triệu đồng/năm. Anh Sơn cho biết: “Tôi đã tìm hiểu tại một số gia đình chơi đào thế, họ chơi xong tự chăm, nhưng do không có kỹ thuật chăm sóc nên đào dễ bị chết hoặc nở hoa không đúng tết, nên tôi lựa chọn thuê người chăm, năm sau vẫn có đào để chơi mà giá tiền chăm sóc cũng vừa phải”...

Gia đình anh Lê Văn Hải, phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa) nhiều năm gần đây đã lựa chọn hình thức thuê đào thay cho việc mua cả cây về chơi tết như trước. Năm nay, gia đình anh đã lựa chọn thuê một gốc đào thế từ cuối tháng Chạp đến qua rằm tháng Giêng, sau đó gọi nhà vườn đến mang cây về chăm sóc cho vụ sau. Theo anh Hải: “Giá cho thuê đào và mua nguyên cây không chênh lệch nhau quá nhiều, tuy nhiên, tính về lâu dài, thuê đào sẽ tránh được lãng phí. Bởi vì, thông thường không ai mua một cây đào về chơi cả năm được. Chưa kể, với diện tích đất ở thành phố mình sẽ không có chỗ thích hợp để trồng cây”.

Với cây đào đã chơi 4 mùa xuân, hết tết anh Lê Văn Thuận, phường Đông Hương (TP Thanh Hóa) lại liên hệ nhà vườn để gửi đào ra Hà Nội nhờ chăm sóc. “Tiền thuê nhà vườn chăm chỉ bằng 1/4 giá mua mới. Bên cạnh đó, để chọn được cây đào, chậu mai có thế, dáng phù hợp với không gian gia đình là rất khó. Vì vậy, tôi đã gửi nhà vườn chăm sóc, vừa tiết kiệm chi phí, vừa có được cây cảnh ưng ý để trưng dịp tết”, anh Thuận cho biết.

Ngoài dịch vụ chăm sóc, cho thuê cây cảnh, năm nào cũng vậy, khoảng từ mùng 6 tháng Giêng trở đi, khi các chậu đào, quất đã tàn, người dân bỏ ra đường, là lúc “cánh” thợ vườn đi thu gom cây. Ngoài những cây đào thế, cổ thụ, thường các gia đình thuê các chủ vườn chăm sóc để dành cho tết năm sau thì các cây đào non, đào Nhật Tân được nhiều thợ vườn “lùng” mua lại. Anh Lê Văn Huy, ở thôn 3, xã Xuân Du (Như Thanh) cho biết: "Năm nào cũng vậy, cứ khoảng mùng 7 tháng Giêng, tôi lại thuê người đi “gom” đào về vườn nhà mình. Năm nay, tôi thu gom được trên 100 gốc đào về tiếp tục chăm sóc. Hết tết, khi hoa tàn, lá rụng, người dân đều vứt bỏ để dọn dẹp nhà cửa. Không chỉ gia đình tôi mà nhiều chủ vườn khác cũng đi thu gom đào, quất. Một gốc đào cũ mua lại với giá khoảng 50.000 – 100.000 đồng, tùy loại. Có nhiều cây đào thế đẹp, phải trả giá từ 200.000 - 300.000 đồng, thậm chí 500.000 đồng mới có thể mua lại được” - anh Huy cho biết thêm.

Năm nay, số người đi thu mua lại gốc đào, quất tăng hơn. Nhiều chủ vườn đã thuê hoặc huy động họ hàng, con em trong gia đình đi vào tận các ngõ ngách đường phố để “lùng” những gốc đào đẹp đã tàn. Anh Hoàng Văn Thanh - một người thu mua đào bộc bạch: “Để có được một gốc đào, quất to, đẹp mất rất nhiều thời gian. Từ lúc ươm trồng cây giống đến lúc có thể bán vừa tốn công sức, lại hao tiền bạc, cộng thêm thời tiết thay đổi, khắc nghiệt, cây có thể chết, chột, còi cọc. Không chỉ vậy, các phương pháp sang, chiết cành hoặc nuôi gốc đào to cỡ cổ tay mất từ 2 - 3 năm, gốc to hơn mất 5 - 7 năm. Nếu đi thu mua lại gốc đào, vừa tiết kiệm tiền, vừa tiết kiệm công sức, thời gian cho chủ vườn. Do vậy, những năm gần đây, việc đi gom cây đào, quất sau tết ngày một tấp nập hơn”.

Một số hộ chuyên trồng đào ở huyện Triệu Sơn cho hay, những cây đào thu gom về được trồng lại, việc chăm sóc, cắt tỉa không tốn nhiều công sức như các cây giống mới ươm, vì các cây đều có dáng, thế sẵn. Tuy nhiên, chăm sóc những gốc đào, quất bị héo không đơn giản. Số tiền bỏ ra để mua lại gốc đào, quất tuy không lớn, song độ rủi ro lại cao, bởi sự sống của mỗi gốc đào khi mang về vườn còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Những gốc đào, quất khi đem về trong tình trạng tàn, héo úa, gãy cành, gãy tán... thì việc phục hồi càng khó khăn hơn. Theo ông Lê Ngọc Luận, xã Quảng Chính (Quảng Xương): “Cây đào vốn “quen” được thợ vườn phun thuốc, chăm bón kỹ lưỡng. Tuy nhiên, nhiều người dân mua về chơi tết thường không biết chăm sóc, vì vậy, chỉ qua một, hai tuần, cây đã héo úa. Nhiều gia đình không biết cách giữ cây, đổ nước nóng vào gốc, hoặc không tưới cho cây khiến cây bị tổn hại, rất khó phục hồi”.

Tại vùng trồng quất xã Hợp Lý (Triệu Sơn), các thợ vườn chia sẻ kinh nghiệm: Cây quất “gom” về, đều phải qua “xử lý” trước khi đem trồng xuống đất. Trước hết làm sạch, tỉa lá, tiếp nước cho cây, sau đó mới hạ đất, rồi phải thường xuyên tưới, bón phân khoáng. Việc tạo thế, tạo tán, cắt tỉa phải dùng dao, kéo chuyên dùng, tiến hành vào những ngày nắng ráo. Còn đối với gốc đào, việc “hồi sức” gốc bằng cách để trong bóng râm, tưới nước cho cây, sau vài ngày mới hạ trồng trên đất mới. Mất 2 - 3 tuần mới đến công đoạn cắt tỉa, hãm cành, tạo thế... Ngoài ra, việc tạo thế phải tiến hành liên tục 5 - 7 ngày/lần, kết hợp uốn, buộc các cành non vào nhau hoặc cố định khung nhôm, tre tạo hình. Làm nghề cũng lắm gian nan, vì chỉ cần một cây bị sâu bệnh thì cả vườn cây bị nhiễm là chuyện thường.

Năm nào cũng vậy, khi không khí tết nhạt dần trên các phố phường, những người thợ vườn lại cần cù “thu gom” những “nụ xuân tàn”, để rồi mỗi dịp tết đến, xuân về năm sau, những cây đào lại khoe sắc hồng tươi, chồi non mơn mởn; những cây quất lại sum suê trĩu quả, mang xuân đến với mọi nhà. Để có được điều ấy đã thấm đẫm biết bao mồ hôi, công sức của những người thợ vườn – những người làm đẹp cho đời.

Bài và ảnh: Trần Hằng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/uom-mam-cho-nhung-mua-sau/208189.htm