Ước vọng qua việc mua muối, mua lửa, xin chữ dịp đầu năm mới

Dịp năm mới, mua muối, mua lửa, mua giấy, xin chữ... là những nét đẹp truyền thống của người Việt từ nhiều đời nay với ước vọng đầu năm mua lấy sự may mắn, tài lộc, hanh thông, thuận lợi cho bản thân, gia đình.

Tiếng rao bán muối khắp phố phường Hà Nội sáng sớm ngày mùng 1 Tết. Ảnh: Thanh Bình

Nét đẹp truyền thống

Ngay từ sáng sớm mùng 1 Tết, khi mọi người đang còn chìm trong giấc ngủ, những tiếng rao “ai mua muối lộc đi. Ai mua muối lộc nào” của người bán muối dạo đã ngân vâng qua khắp các con phố của Hà Nội. Chắc hẳn nhiều người, đặc biệt là giới trẻ hiện nay không hiểu câu rao hàng này là như thế nào và cũng không hiểu lý do tại sao lại có tiếng rao này vào thời khắc vừa bước sang năm mới, trong khi nhiều hàng quán đã đóng cửa.

Theo tìm hiểu văn hóa dân gian được biết, muối không chỉ là gia vị dùng trong sinh hoạt hàng ngày, mà còn vật phẩm phong thủy, bởi trong muối có chứa nhiều năng lượng dương, có thể hút và xua đuổi tà khí. Vì vậy, theo quan niệm ngày xưa ông bà để lại, đầu năm mới nếu mua ít muối sẽ lấy may cho cả năm.

Ngày Tết, muối được bán với giá 20.000 đồng/ bát. Ảnh: Thanh Bình

Chị Phương (tiểu thương bán muối) cho biết thêm: Muối là hàng hóa đặc biệt từ xa xưa, nên chỉ có những dịp đầu năm mới là được mọi gia đình mua nhiều. Ngày nay, muối trở thành hàng hóa thiết yếu cho mọi gia đình. Tuy nhiên, phong tục mua muối đầu năm vẫn được nhiều gia đình gìn giữ đến tận ngày nay. Chị Phương cho biết thêm: mùng 1 Tết năm nay, từ 5 giờ kém, chị đã cùng với chồng, mỗi người một xe chở muối đi bán khắp phố phường Hà Nội. "Từ sáng sớm tôi đã bán được 30kg muối rồi. Muối đầu năm không ai kỳ kèo mặc cả bao giờ. Mỗi gói muối được xúc 1 gáo (bát) là 20.000 đồng kèm theo một cái bật lửa". Sau khi mang muối về nhà, có thể chia ra thành từng túi nilon nhỏ hay túi vải, phong bao lì xì... vừa cho đẹp mắt mà lại tiện cất giữ. Người làm kinh doanh buôn bán có thể đặt túi muối ở quầy hàng để cầu may mắn về tài lộc, đi du lịch xa cũng đặt túi muối trong vali để lộ trình được bình an. “ Những năm trước đây, tôi đi bán hàng sớm, từ 0 giờ sáng, sau khi giao thừa và bán kèm theo hộp diêm. Tuy nhiên, những năm trở lại đây đã thay đổi thời gian và mặt hàng cho phù hợp nhu cầu thị trường.” - Chị Phương tươi cười chia sẻ.

Lý giải việc bán muối kèm theo bật lửa hoặc diêm, chị Phương cũng cho biết: các cụ truyền lại là vì ý nghĩa đặc biệt, việc tặng bật lửa đầu năm với mong muốn về một năm mới an lành, vui vẻ và nhiều tài lộc. Ngọn lửa tượng trưng cho sự ấm áp và tài lộc không bao giờ dập tắt. Do đó, mua lửa đầu năm mang đến nhiều may mắn nên người ta thường mua diêm, mua bật lửa đầu năm để mong muốn năm đó có nhiều may mắn và tài lộc.

Nhiều bạn trẻ học sinh, sinh viên xin chữ đầu năm. Ảnh: Thanh Bình

Những ước vọng xin chữ đầu xuân

"Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực tàu giấy đỏ/ Bên phố đông người qua…” - những câu thơ trong bài thơ “Ông đồ” của Vũ Đình Liên đã miêu tả rõ nét về không khí Tết truyền thống. Thật vậy, xin chữ, cho chữ là một phong tục truyền thống đã có từ lâu đời mỗi dịp Tết đến, xuân về của người Việt Nam. Những ngày đầu xuân, người đến xin chữ sẽ xếp hàng để mua giấy với giá từ 50.000 - 70.000 – 200.00 đồng/tờ tùy thuộc chất liệu và kích cỡ giấy. Sau đó, người xin chữ đến bàn ông đồ và xin chữ lấy may.

Phóng viên báo Đại biểu Nhân dân có dịp trò chuyện với nhà Thư pháp Nguyễn Văn Tư được biết: Hiện nay, đa số người đến mua giấy xin chữ là các bạn học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, cũng có người theo thói quen đầu xuân đến xin chữ với mong muốn có được sự an lành, may mắn, thành công, đỗ đạt, con cái đầy nhà. Người cho chữ là ông đồ túc nho và người xin chữ thường là những chủ nhà cầu mong những tin mừng cùng những vận hội mới trong cuộc đời. Đặc biệt là những nhà có người theo học, mong được con chữ của thánh hiền, giáng ứng cho may mắn trong học hành thi cử. Những em học sinh, sinh viên sẽ xin chữ để cầu về học hành, thi cử được đỗ đạt, công thành, danh toại. Các gia đình xin chữ mong có được “bình an”, “an khang”, còn người già sẽ xin chữ “thọ” để cầu mong sức khỏe...

Những năm trở lại đây, ngoài đồ già viết chữ Hán, còn có "ông đồ trẻ" viết thư pháp Việt. Mỗi người một xếp giấy, vài chiếc bút lông và nghiên mài mực, ngồi khoanh chân trên chiếc chiếu hoa vuông vức xinh xắn hay kê lên bàn sẵn sàng cho những người xin chữ.

Ông đồ Tư- một người chuyên cho chữ có tiếng của đất Hà Thành chia sẻ ý nghĩa của một số chữ thường được nhiều người xin trong dịp đầu năm mới: Chữ Lộc với mong muốn một năm phát tài, phát lộc; chữ Phúc tượng trưng cho hạnh phúc và ấm no; chữ Thọ thường xin để biếu ông bà, cha mẹ với mong muốn gia đình mạnh khỏe, an khang; người xin chữ Tài với mong muốn con người có được tài năng, hy vọng thành đạt ở trong công việc… Người xin chữ vừa mong được phúc của người cho chữ, vừa mong xin được chữ đúng với tâm nguyện phấn đấu của gia đình, bản thân. Thông qua việc mua giấy xin chữ, những ước vọng tốt đẹp của người mua sẽ được thể hiện qua những tác phẩm của thầy đồ.

Thanh Bình

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song/uoc-vong-qua-viec-mua-muoi-mua-lua-xin-chu-dip-dau-nam-moi-i359947/