Ứng phó với ô nhiễm không khí

Có một thực tế, chúng ta không thể ngưng thở nhưng có thể hạn chế ô nhiễm bằng cách vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, đeo khẩu trang, ra đường vào các thời điểm ít ô nhiễm nhất…

Mật độ dân số khiến ô nhiễm không khí tăng vọt tại Hà Nội.

Chất lượng không khí gây hại sức khỏe

Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc điều hành GreenID cho biết, tổ chức này đã lắp đặt máy đo chất lượng không khí trong nhà tại 4 địa điểm ở Hà Nội gồm: Phố Trần Thái Tông, Hà Đông, Khương Đình và Cầu Diễn. Ô nhiễm không khí xuất phát từ nhiều nguồn phát thải như nhà máy nhiệt điện, sản xuất xi măng, khai thác khoáng sản, phương tiện giao thông; bụi từ công trình xây dựng và ảnh hưởng các đợt không khí lạnh. Có thể thấy rõ chất lượng không khí tại các thành phố lớn đang ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe.

GS.TSKH Dương Đức Tiến, Trung tâm KH&CN phục vụ đời sống và sản xuất cho biết, tình trạng ô nhiễm không khí là hệ quả của phát triển mà con người phải đối mặt. Đồ ăn có thể chọn lựa, không ăn thứ này thì ăn thứ khác, nhưng không khí thì ngược lại, không ai có thể nhịn thở kể cả khi không khí ô nhiễm nặng.

Do đó, mỗi người cần biết cách giữ gìn sức khỏe, biết các “mẹo” để đối phó với ô nhiễm như nếu không cần thiết nên tránh ra đường, tránh những khu vực bị mù khô nặng, nhất là đối với người bị bệnh hen suyễn, phổi, tim… Nên đeo khẩu trang hoạt tính, kính chắn bụi mỗi khi ra đường. Sử dụng nước muối sinh lý để nhỏ mắt, vệ sinh mũi sau khi đi ra ngoài. Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, trước khi đi ngủ và khi tiếp xúc với bộ phận khác trên cơ thể. Khi về nhà, cần thay quần áo và tắm gội ngay. Không ăn uống lề đường, chọn thực phẩm sạch, không bị nhiễm bẩn…

Chính quyền cũng như cơ quan chức năng từng khuyến cáo người dân hạn chế ra đường, nên đeo khẩu trang để tránh hít phải bụi mịn, gây hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, giải pháp cải thiện chất lượng không khí thì vẫn chưa rõ ràng. Để cải thiện chất lượng không khí, giải pháp trước mắt đang được thành phố Hà Nội quyết liệt chỉ đạo là tăng cường hệ thống quan trắc không khí và liên tục cập nhật để cung cấp thông tin cho người dân.

Đồng thời, thành phố tăng cường xe quét, hút bụi trong vệ sinh môi trường; vận động người dân không sử dụng bếp than tổ ong… Đối với các công trình khi phá dỡ hoặc xây dựng, cơ quan chức năng yêu cầu che chắn để không gây ô nhiễm; đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý xe vận chuyển vật liệu, phế thải xây dựng, rác thải không bảo đảm, phát sinh ô nhiễm...

Mặt khác, Hà Nội đã và đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư các nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ đốt phát điện hiện đại, thay thế phương pháp chôn lấp truyền thống; tiếp tục trồng cây xanh; triển khai chiến dịch “Cánh đồng không đốt rơm rạ”...

Đồng thời, triển khai Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030”; phát triển giao thông vận tải công cộng; từng bước kiểm soát khí thải mô-tô, xe máy đang lưu hành và có lộ trình loại bỏ xe cũ nát không đủ tiêu chuẩn khí thải.

Thiếu kiểm soát ô nhiễm tại các công trường xây dựng đang là nguyên nhân cơ bản gây nên ô nhiễm bụi tại đô thị.

Nhà sạch, không khí sẽ sạch

Theo GS.TSKH Dương Đức Tiến, bụi có kích thước nhỏ, từ 0,001 micron đến 10 micron, đường kính trung bình 1 - 2 micron. Bằng mắt thường không thể nhìn thấy các hạt này trôi nổi trong không khí. Đặc biệt các hạt aerosol đường kính dưới 10 micron khi vào được trong đường thở có thể gây ung thư phổi về lâu dài.

Người dân cần có biện pháp để bảo vệ sức khỏe của chính mình. Không khí bụi ẩm là điều kiện thuận lợi để virus khu trú trên sàn nhà, vật dụng và đồ chơi. Ngoài ra, độ ẩm tương đối quá cao hoặc quá thấp cũng là tác nhân khiến virus lây lan mạnh hơn, bụi phát tán nhanh hơn. Nếu áp dụng các biện pháp bảo vệ sức khỏe nghiêm ngặt thì có thể tránh được những nguy cơ có hại.

“Giữ nhà cửa thoáng mát, sạch sẽ là việc làm quan trọng để loại bỏ bụi bẩn và ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn. Tuy nhiên, đối với những gia đình sống ở các thành phố lớn thì nên giữ cửa kín để tránh khói bụi xâm nhập. Hãy nhớ lau dọn nhà cửa và hút bụi thường xuyên vì ngay cả khi bạn đóng kín cửa thì bụi bẩn vẫn luôn len lỏi trong không khí.

Đừng quên giữ vệ sinh phòng bếp bằng cách rửa bát ngay sau bữa ăn, cất thức ăn vào trong hộp kín, lau bàn hay sàn bếp sạch sẽ và tránh lưu trữ rác thực phẩm quá lâu. Ngoài ra, hạn chế để các phương tiện đi lại trong nhà bởi các loại bụi bẩn bám trên xe có thể dễ dàng xâm nhập vào không khí gây ô nhiễm”, GS.TSKH Dương Đức Tiến chia sẻ các cách đơn giản để hạn chế tác hại của ô nhiễm không khí. Khi nhà cửa sạch sẽ, đồ đạc không bám bụi thì những thành phần có trong không khí ô nhiễm cũng không có chỗ trú ngụ. Do đó, dọn nhà sạch là cách tốt nhất để đối phó với ô nhiễm không khí.

Để bảo vệ sức khỏe khi ô nhiễm môi trường, cụ thể là tránh khói từ các phương tiện giao thông, bụi từ các công trình xây dựng hoặc các mùi hắc khó chịu, cập nhật thông tin chất lượng không khí từ các nguồn tin cậy để chủ động phòng ngừa, bảo vệ sức khỏe khi ô nhiễm môi trường; Đeo khẩu trang đạt tiêu chuẩn chất lượng cản bụi mịn do cơ quan chức năng chứng nhận, ôm kín tối ưu gương mặt, có gọng mũi và van thở lọc một chiều khi ra đường.

Hạn chế đốt vàng mã, đốt nhang quá nhiều vào các dịp lễ; Người dân ngoại thành không nên đốt rơm rạ khiến bầu không khí thêm ngột ngạt và ô nhiễm nặng nề hơn; Chuyển sang sử dụng nhiên liệu sạch (bếp điện, bếp từ) để đun nấu, thay thế bếp than tổ ong… Người có vấn đề về hô hấp không nên ra ngoài vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng nếu không thật sự cần thiết.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/ung-pho-voi-o-nhiem-khong-khi-20200609140148935.html