Ứng phó với hiện tượng sạt lở trong mùa mưa lũ

Báo cáo của Văn phòng Ban chỉ đạo phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, hiện tượng mưa lớn kéo theo sạt lở diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng. Từ năm 2018 đến nay, thiệt hại do mưa lớn, sạt lở khoảng 80 tỷ đồng, trong đó từ đầu năm đến nay khoảng 30 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Việt, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Cơ quan thường trực phòng, chống thiên tai tỉnh cho biết, tỉnh ta có hệ thống sông, suối dày đặc trong điều kiện biến đổi khí hậu, mưa lớn xảy ra thường xuyên dẫn đến các hiện tượng lũ ống, lũ quét và sạt lở đất, đá. Ngoài tác động của khách quan, tình trạng san, bạt núi lấy mặt bằng làm nhà, lấn chiếm đất lâm nghiệp, phá rừng vẫn diễn ra đã tác động lớn đến sự gia tăng của các loại hình thiên tai nguy hiểm, trong đó có sạt lở đất. Qua theo dõi trên địa bàn toàn tỉnh có 90 xã nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao, trong đó nhiều nhất là Chiêm Hóa với 24 xã, Yên Sơn 23 xã, Hàm Yên 15 xã…

Sạt lở đất làm thiệt hại nhiều tài sản của người dân tại thị trấn Tân Yên (Hàm Yên).

Xã Hồng Thái (Na Hang) thường xuyên bị sạt lở đất, đá do ở trên độ cao khoảng 1.000 m so với mực nước biển. Ông Bàn Tiến Sỹ, Chủ tịch UBND xã cho biết, xã không lo bị lũ lụt nhưng sạt lở thì vô cùng nguy hiểm. Đất, đá sạt trượt vùi lấp đất canh tác, công trình thủy lợi, giao thông bị chia cắt. Cuối tháng 6 vừa qua, trận mưa lớn đã làm hàng trăm m3 đất, đá sạt xuống đường, nhiều thôn bị cô lập, giao thông ách tắc.

Mới đây nhất ngày 3-8, tại thôn Nà Sảm, xã Sơn Phú (Na Hang) do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài đã làm hơn 1.000 m3 đất sạt xuống điểm Trường Tiểu học và làm sập 30m đường đường bê tông thôn. Ông Triệu Tiến Phin, Chủ tịch UBND xã Sơn Phú cho biết, xã đã huy động dân quân san gạt, thu dọn đất để bà con đi lại thuận tiện. Riêng đối với điểm Trường Mầm non xã do lượng đất sạt rất lớn, hơn nữa nguy cơ sạt vẫn rất cao, xã đã báo cáo huyện sớm hỗ trợ phương án xử lý bảo đảm an toàn lớp học trước khi năm học mới bắt đầu.

Mưa lớn làm sạt lở đất đá xuống đoạn đường từ trung tâm xã Hồng Thái (Na Hang) đến các thôn bản hồi cuối tháng 6 vừa qua.

Hiện có 4 cụm dân cư, gồm: Thôn Nà Luông, Nà Xé xã Bình An (Lâm Bình); thôn Thài Khao, Quảng Tân, xã Yên Lâm (Hàm Yên); thôn 19, xã Lang Quán (Yên Sơn) và thôn Nà Đứa, xã Đà Vị (Na Hang) với 348 hộ đang sống trong vùng cực kỳ nguy hiểm, khi mưa lớn xảy ra nguy cơ lũ ống, lũ quét sạt lở rất cao.

Để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân, tỉnh yêu cầu các huyện theo dõi chặt chẽ, thông tin kịp thời các bản tin cảnh báo, hướng dẫn người dân sơ tán đến nơi an toàn khi có dấu hiệu thời tiết cực đoan. UBND tỉnh đã yêu cầu các ngành chức năng, huyện, thành phố tổng kết rút kinh nghiệm công tác phòng, chống thiên tai; thực hiện rà soát, bổ sung kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai phù hợp. Ngành Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra các điểm có nguy cơ sạt lở, thực hiện sửa chữa, gia cố lại để bảo đảm an toàn các công trình khi mưa lũ xảy ra. Các địa phương tập trung ngăn chặn, xử lý kịp thời tình trạng san bạt núi để lấy mặt bằng làm nhà ở; theo dõi chặt chẽ, rà soát các khu vực sạt lở trên địa bàn và có kế hoạch di dời người dân đến nơi an toàn.

Trong chương trình làm việc ngày 3-7 của tỉnh với Đoàn công tác Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, tỉnh đã đề nghị Trung ương sớm bố trí nguồn vốn hỗ trợ đầu tư để tỉnh thực hiện di dời 4 cụm dân cư sống trong nguy hiểm đến nơi an toàn.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/ung-pho-voi-hien-tuong-sat-lo-trong-mua-mua-lu-120960.html