Ứng phó với chi phí logistics tăng

Ảnh hưởng mạnh từ những xung đột địa chính trị gần đây diễn ra tại khu vực Trung Đông khiến chi phí logistics hiện nay đã tăng cao khoảng 130% so với cuối năm 2023. Thực tế này đã và đang đẩy doanh nghiệp xuất khẩu trong nước rơi vào tình trạng đóng băng nhiều đơn hàng xuất khẩu.

Ảnh: minh họa

Ảnh: minh họa

Tình hình xung đột ở Trung Đông đã xuất hiện từ trước nhưng trở nên trầm trọng hơn trong quý 1/2024. Các cuộc tấn công ngày càng tăng vào các tàu hàng lưu thông trên Biển Đỏ đã gây ra mối đe dọa có thể làm gián đoạn hoạt động thương mại quốc tế. Hậu quả, các công ty vận tải hàng hóa phải định tuyến lại cung đường di chuyển qua mũi Hảo Vọng của châu Phi thay vì đi qua kênh đào Suez. Hiện, một số tập đoàn vận tải lớn trên thế giới đã dừng vận chuyển hàng hóa qua Biển Đỏ và kênh đào Suez.

Tình trạng này đã làm tăng thêm chi phí vận tải biển và gây ra sự chậm trễ giao hàng. Theo Bộ Công thương, chi phí vận chuyển hàng hải tăng rất cao từ đầu năm đến nay. Cụ thể, chi phí vận chuyển đến Mỹ đã tăng từ 1.850 USD lên 2.950 USD/ container đối với cảng biển khu vực bờ Tây và tăng từ hơn 2.000 USD lên gần 5.000 USD/container đối với cảng biển khu vực bờ Đông. Còn với thị trường châu Âu, chi phí vận chuyển ghi nhận đã tăng từ 1.230 USD lên 4.450 USD/container.

Bên cạnh đó, do phải thay đổi hải trình, thời gian vận chuyển cũng bị kéo dài thêm trung bình 10-15 ngày. Điều này khiến cho kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp xuất nhập khẩu nói chung bị động và phát sinh thêm nhiều khoản phụ phí từ các hãng tàu đưa ra. Có trường hợp doanh nghiệp đã giao hàng lên tàu 2 tuần mới nhận được đề nghị tăng phụ phí, gây bức xúc và ảnh hưởng đến doanh thu của doanh nghiệp. Chưa kể, từ việc tăng thời gian vận chuyển cũng kéo theo tình trạng thiếu container rỗng để đóng hàng, ảnh hưởng đáng kể đến thời gian giao, nhận hàng của nhiều doanh nghiệp trên thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng.

Những mặt hàng xuất khẩu đang chịu tác động lớn từ giá cước vận tải tăng phải kể đến dệt may, thủy sản...

Ngành dệt may phải nhập đến 60% nguyên liệu sản xuất. Do vậy, không chỉ doanh nghiệp dệt may mà nhiều doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác đang chủ động điều chỉnh, cân nhắc nhận đơn hàng theo hướng ưu tiên những đơn hàng của các thị trường gần, dễ giao nhận như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc...; hạn chế nhận hoặc tạm thời “đóng băng” các đơn hàng ở những thị trường xa như Mỹ, châu Âu, Trung Đông...

Doanh nghiệp chế biến thủy sản cũng đang tăng cường khai thác xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, đồng thời tìm hiểu để mở rộng kết nối xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ. Đây là 2 thị trường rất tiềm năng với quy mô dân số gần 3 tỷ người và nhu cầu tiêu dùng rất đa dạng từ phân khúc trung bình đến cao cấp.

Theo chuyên gia, hiện nay, quy mô thị trường logistics của Việt Nam là 42 tỷ USD và tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành 14-16%/năm. Tuy nhiên, chi phí logistics tại Việt Nam hiện chiếm khoảng 16,8% giá trị hàng hóa trong khi thế giới chỉ khoảng 10,6%. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam thường xuyên bị hãng tàu nước ngoài ép giá ở mức cao.

Bộ Công thương cho rằng, “nút thắt” hạn chế lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam là do chi phí logistics ở nước ta còn quá cao. Vì vậy, các cơ quan chức năng liên quan cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các cảng, sân bay và các cơ sở kho bãi hiện đại, tăng cường đầu tư vào các tuyến đường vận tải, bao gồm cả đường bộ, đường sắt và đường thủy để nâng cao khả năng vận chuyển, quản lý hàng hóa.

Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục kiến tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, giảm các quy định pháp lý rườm rà, giảm chi phí vận hành; loại bỏ thủ tục kiểm tra chuyên ngành chồng chéo khiến thời gian thông quan kéo dài, gây phát sinh nhiều chi phí, làm chậm tiến độ giao vận đơn hàng giữa doanh nghiệp với đối tác.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/ung-pho-voi-chi-phi-logistics-tang-post475959.html