Ứng phó với bão số 5, một số tỉnh miền Trung và Tây Nguyên cho học sinh nghỉ học

Bão số 5 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới với cường độ giảm xuống cấp 7, giật cấp 9. Từ chiều tối nay (14.10) đến 16.10, ở khu vực từ Quảng Bình đến Bình Định và khu vực Bắc Tây Nguyên có mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to; riêng khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa rất to.

Bão số 5 đang gây mưa to và ngập lụt ở nhiều nơi tại các tỉnh miền trung và sạt lở tại các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum

Theo dự báo từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 18 giờ, 14.10, bão số 5 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Hiện bão đang ở vào khoảng 14,9 độ Vĩ Bắc; 110,4 độ Kinh Đông. Với vị trí này, tâm áp thấp nhiệt đới cách Đà Nẵng khoảng 250km, cách Quảng Nam 215km về phía Đông Đông Nam.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-61km/giờ), giật cấp 9. Dự báo trong 3 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15-20km/giờ.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới/bão, vùng biển phía Tây Bắc của khu vực giữa Biển Đông và vùng biển từ Quảng Trị đến Phú Yên (bao gồm cả huyện đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn) có mưa bão; gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10, biển động mạnh. Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, biển động mạnh.

Trên đất liền, từ tối ngày 14.10, khu vực đất liền ven biển các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi có khả năng chịu ảnh hưởng của gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8.

Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Đỉnh lũ trên các sông chính từ Quảng Trị đến Phú Yên, Kon Tum và Gia Lai khả năng lên mức báo động (BĐ) 2 - BĐ3 và trên BĐ3; các sông Quảng Bình, Khánh Hòa và Đắk Lắk lên mức BĐ1 - BĐ2, có sông trên BĐ2; nguy cơ cao xuất hiện lũ lớn, ngập lụt trên diện rộng…

Để đề phòng nguy cơ do mưa bão, lũ quét gây ra, chiều 14.10, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, đã có văn bản gửi cho Sở GD-ĐT, Sở Công thương và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh về việc tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 5 và mưa lũ.

Theo đó, Sở GDĐT, các địa phương và các trường thông báo cho học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học ngày 15.10.2022 và chủ động quyết định cho học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học các ngày tiếp theo tùy tình hình thực tế diễn biến của bão và mưa lũ. Rà soát điều kiện đảm bảo an toàn và điều kiện sinh hoạt cho học sinh tại các trường nội trú.

Tại tỉnh Quảng Nam trong những ngày qua liên tục có mưa lớn trên diện rộng, nhiều tuyến đường bị ngập, sạt lỡ lớn đã xảy ra, cô lập cục bộ một số nơi. Cụ thể: Hơn 1km đường ĐH5 đi qua thôn Tứ Nhũ (xã Quế Lâm, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) sạt lở, giao thông bị chia cắt.

Tại hiện trường, hàng nghìn mét khối đất đá vùi lấp mặt đường. Nhiều tảng đá có đường kính 2-3m rơi xuống khiến giao thông tê liệt hoàn toàn khu vực này. Vụ sạt lở khiến 170 hộ dân gồm 350 nhân khẩu thôn Tứ Nhũ bị cô lập.

Tại TP Đà Nẵng, từ tối 14.10, kết hợp với mưa to kéo dài ở nhiều nơi trên địa bàn thành phố rất nhiều tuyến đường khu vực trung tâm TP Đà Nẵng ngập sâu từ 20 đến 50 cm trong nhiều giờ liền.

Nhiều khu vực tại tỉnh Quảng Nam chìm trong nước lũ trong nhiều ngày qua

Trước diễn biến phức tạp của mưa bão trong các ngày qua và những ngày tiếp theo, chiều 14.10, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai- Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự Đà Nẵng đã có công điện khẩn gửi các quận, huyện, Sở ngành, yêu cầu triển khai ngay các biện pháp ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do bão gây nên.

Trong đó, tập trung sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ xảy ra ngập, lụt, lũ quét, sạt lở đất, ven sông Yên, sông Túy Loan, sông Cu Đê thuộc các xã Hòa Tiến, Hòa Khương, Hòa Bắc, Hòa Liên, Hòa Phong, Hòa Phú của huyện Hòa Vang.

Công điện cũng yêu cầu các địa phương nghiêm cấm người dân đi lại, đánh bắt thủy sản trên sông, vùng trũng thấp; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư, trang thiết bị, nhu yếu phẩm cần thiết theo phương châm “4 tại chỗ”.

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, bão số 5 khiến mưa lớn kéo dài trong ngày 14.10 kết hợp thủy điện xả lũ, một số tuyến đường trên địa bàn TP Huế và các vùng thấp trũng bị ngập sâu, chính quyền tỉnh TT-Huế di dời khẩn cấp hơn 37.000 dân.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh TT-Huế cho biết, địa phương sẽ là một trong những tâm điểm của đợt mưa lớn lần này, kéo dài từ ngày 14 - 16.10, với tổng lượng mưa từ 500 - 700mm, có nơi trên 800mm.

Từ 14h ngày 14.10, tỉnh TT-Huế triển khai di dời 11.708 hộ với 37.085 khẩu có nhà cửa tại các khu vực nguy cơ sạt lở đất và các khu vực ngập lụt, hạ du sông Hương, sông Bồ đến nơi trú ẩn an toàn. Công tác di dời dự kiến kết thúc vào lúc 19h ngày 14.10. Trong đó, ưu tiên triển khai sơ tán các đối tượng dễ bị tổn thương trước như phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo, trẻ em, người cao tuổi...

Để ứng phó với những đợt mưa lũ sắp đến, tỉnh TT-Huế chỉ đạo các hồ chứa nước, thủy điện tăng mức xả lũ và Sở GD-ĐT thông báo cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn.

Mưa lũ gây thiệt hại tài sản tại thủy điện Kà Tinh 1 của tỉnh Quảng Ngãi, công tác tìm kiếm nạn nhân bị mất liên lạc đã được tạm dừng.

Trước đó, ngay buổi trưa 14.10, UBND tỉnh TT-Huế cho biết, tại cuộc họp với các đơn vị, địa phương về ứng phó với đợt mưa lũ sắp đến vào sáng 14.10, Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế Nguyễn Văn Phương yêu cầu Sở GD&ĐT có thông báo ngay trong chiều nay (14.10), tất cả học sinh ở vùng thấp nghỉ học. Ngày 15.10, học sinh toàn tỉnh nghỉ học để ứng phó với mưa lũ.

Lãnh đạo tỉnh TT-Huế cũng đề nghị các đơn vị, địa phương theo dõi chặt chẽ, nắm chắc thông tin về diễn biến áp thấp nhiệt đới/bão và mưa lũ; chủ động triển khai công tác bảo đảm an toàn cho tàu thuyền còn hoạt động trên biển.

Riêng khu vực Tây Nguyên, trong đó 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum do ảnh hưởng của bão số 5, tại nhiều địa phương có mưa to đến rất to trong 2 ngày 13 và 14.10. Tại tỉnh Kon Tum hiện có 85 hồ chứa thủy lợi với dung tích thiết kế khoảng 93 triệu m3 nước. Được giao quản lý, khai thác 79 đập, hồ chứa thủy lợi lớn của tỉnh, ông Nguyễn Văn Dẫn, Phó Giám đốc Ban Quản lý - Khai thác các Công trình thủy lợi tỉnh Kon Tum cho biết, từ ngày hôm qua 13.10, đơn vị đã triển khai phương án ứng phó với thiên tai.

Cũng từ chiều tối nay (14.10) đến hết ngày 16.10 trên địa bàn tỉnh Kon Tum dự báo có khả năng xuất hiện đợt mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 50- 100mm; riêng khu vực các huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Plông lượng mưa có khả năng đạt từ 100- 200mm, có nơi trên 250mm.Mưa lớn có khả năng gây lũ, ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất gây thiệt hại cho nông nghiệp, ảnh hưởng xấu đến giao thông, thủy lợi, gây khó khăn cho sinh hoạt, sản xuất của nhân dân.

Hiện các cấp chính quyền và nhân dân trong vùng có mưa lớn và được dự báo xảy ra lũ quét, ngập lụt đã sẵn sàng ứng phó và di chuyển người dân và tài sản cần thiết đến vùng an toàn để chống lũ, không để gây thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.

Quang Huy

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/ung-pho-voi-bao-so-5-mot-so-tinh-mien-trung-va-tay-nguyen-cho-hoc-sinh-nghi-hoc--i303767/