Ứng phó thiên tai 2024:Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang lưu ý 9 việc cần làm

Năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp trên địa bàn cả nước, để lại hậu quả hết sức nặng nề về người và tài sản.

Sáng 10/5, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024.

Quang cảnh Hội nghị toàn quốc về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024.

Hàng trăm người chết và mất tích

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai, từ đầu năm 2024 đến nay, một số đợt thiên tai nghiêm trọng đã xảy ra trên cả nước, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của nhân dân.

Tại khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ ghi nhận rét đậm, rét hại liên tiếp. Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên hứng chịu hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài nhiều tháng; sạt lở, sụt lún đất và ngập lụt do triều cường xảy ra tại nhiều nơi, nghiêm trọng nhất là tại Cà Mau.

Cũng trong những tháng đã qua của năm 2024, khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ liên tiếp xảy ra mưa lớn, dông, lốc, sét, mưa đá. Nắng nóng vượt lịch sử ghi nhận tại 110/186 trạm quan trắc trên cả nước; động đất xuất hiện với tần suất ngày một dày đặc tại các tỉnh, TP: Kon Tum, Hòa Bình, Lai Châu, Tuyên Quang, thậm chí là Hà Nội…

Các loại hình thiên tai xảy ra từ đầu năm 2024 đến nay đã khiến 14 người chết và mất tích; thiệt hại về kinh tế ước tính trên 399 tỷ đồng. Trước đó trong năm 2023, cả nước đã ghi nhận 1.964 trận thiên tai khiến 169 người chết và mất tích, gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng…

Riêng tại Hà Nội, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Nguyễn Duy Du thông tin, trong năm 2023 và những tháng đã qua của năm 2024, trên địa bàn TP đã chịu ảnh hưởng của nhiều loại hình thiên tai như không khí lạnh, nắng nóng, ngập lụt, sạt lở đất, sét, giông lốc, cháy rừng tự nhiên…

Tổng hợp báo cáo của 30 quận, huyện, thị xã cho thấy, thiên tai đã khiến trên 670ha lúa, hoa màu và cây trồng bị thiệt hại; khoảng 180 cây xanh đô thị gãy, đổ; gần 2.000m đê, kè bị sạt, hư hỏng; gây sạt lở trên 1.000m kênh mương và 20 sự cố về đê điều. Ước thiệt hại kinh tế hàng chục tỷ đồng.

Thiên tai gây thiệt hại nặng nề tại nhiều địa phương trong năm 2023 và những tháng đầu năm 2024.

Tập trung phòng ngừa, kiểm soát rủi ro thiên tai

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN&MT) Hoàng Đức Cường, hiện tượng nắng nóng và nắng nóng gay gắt có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm trong tháng 7 - 8/2024. Ở khu vực Trung Bộ, khả năng xuất hiện khô hạn kéo dài trong thời kỳ từ nay đến tháng 8/2024.

Cơ quan khí tượng thủy văn cũng đưa ra dự báo có khoảng 11 - 13 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, trong đó có 5 - 7 cơn ảnh hưởng đến đất liền. Hoạt động của bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng sẽ tập trung vào nửa cuối mùa bão (từ tháng 9 - 11/2024). Trên phạm vi cả nước có tiếp tục xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như: dông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh từ nay cho tới cuối năm 2024.

Trước nhận định tình hình thiên tai phức tạp trong những tháng tới, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai nhấn mạnh công tác phòng ngừa, kiểm soát rủi ro thiên tai sẽ là nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, Ban sẽ tiếp tục chỉ đạo rà soát, kiểm tra việc tổ chức thực hiện các chiến lược, đề án về phòng, chống thiên tai; phòng thủ dân sự; phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển; quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng…

Lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình, dự án đầu tư của các bộ, ngành địa phương, nhất là các dự án phát triển hạ tầng cơ sở, giao thông, khu đô thị mới, khu dân cư tập trung tránh làm gia tăng rủi ro thiên tai.

Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai cũng sẽ phối hợp nghiên cứu, đề xuất giải pháp tổng thể phòng chống sụt lún, sạt lở, ngập úng vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tổ chức kiểm tra, đánh giá, xác định trọng điểm, chuẩn bị ứng phó thiên tai, sự cố, bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, hồ đập, công trình phòng chống thiên tai, có giải pháp kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế, giảm thiểu nguy cơ có thể xảy ra…

9 việc cần làm để hạn chế thiệt hại

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai, nhấn mạnh năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã phải đối diện với nhiều loại hình thiên tai. Thiệt hại do thiên tai được giảm thiểu tối đa cho thấy các cấp bộ ngành Trung ương, các địa phương đã có sự chủ động hơn, nhất là trong công tác dự báo và ứng phó.

Ghi nhận kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng chỉ ra một số vấn đề còn tồn tại. Đó là nhận thức của cán bộ có lúc, có nơi và của người dân còn hạn chế. Công tác kiểm tra, đôn đốc việc ứng phó trước mùa mưa bão không phải nơi nào cũng đã thực hiện tốt.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Một số quy định pháp luật hiện nay chưa thông suốt hoặc quá cũ, không còn phù hợp thực tiễn; hay trên bình diện chung cả nước, khả năng chống chịu với thiên tai còn hạn chế, cũng là những vấn đề Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trăn trở.

Để chủ động úng phó, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai năm 2024, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị các cấp bộ ngành, UBND các tỉnh, TP tiếp tục rà soát, kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và phòng thủ dân sự các cấp.

Các bộ ngành phối hợp sớm xây dựng nghị định thi hành Luật Phòng thủ dân sự trên tinh thần cái nào đã rõ thì đưa vào nghị định, còn chưa rõ thì đưa vào thông tư, hướng dẫn. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện văn bản pháp luật về phòng, chống thiên tai.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng đề nghị cần tăng cường và đa dạng hóa các hình thức truyền thông để nâng cao nhận thức của các cấp bộ ngành và cộng đồng. Thực hiện thường xuyên công tác kiểm tra, giám sát trước mùa mưa lũ. Rà soát, cập nhật, tính toán phương án phòng chống thiên tai. Tăng cường chất lượng công tác dự báo bảo đảm kịp thời, chuẩn xác nhất có thể.

“Việt Nam cũng mong muốn các tổ chức quốc tế tiếp tục đồng hành trong chia sẻ thông tin, đào tạo cán bộ, phổ biến các kinh nghiệm ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai; đồng thời xem xét tài trợ về công tác dự báo để chủ động ứng phó, giảm thiệt hại” - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nêu đề nghị đối với các tổ chức quốc tế tham dự hội nghị.

Trọng Tùng

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ung-pho-thien-tai-2024pho-thu-tuong-tran-luu-quang-luu-y-9-viec-can-lam.html