Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nhãn khoa

Con người đang tiến vào kỷ nguyên 4.0, trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence, gọi tắt là AI) đang được ứng dụng rộng rãi, mang lại những hiệu quả thiết thực trong hầu hết các lĩnh vực, trong đó có nhãn khoa. Việc tích hợp trí thông minh nhân tạo (AI) nhằm phát hiện sớm và điều trị các bệnh lý phức tạp về mắt đã tạo bước tiến mới giúp người bệnh phòng ngừa và bảo vệ thị lực mắt.

Bước vào thời đại của trí tuệ nhân tạo

AI đã từng được sử dụng trong lâm sàng nhằm phát hiện bệnh lý võng mạc và tăng độ chính xác của việc chọn lựa công suất thể thủy tinh nhân tạo. Ngày nay, AI có thể tự động hóa các bước lặp lâm sàng, mở rộng đáng kể khả năng xử lý dữ liệu của các nhà nghiên cứu và bác sĩ, giúp tăng năng suất và hiệu quả ở mọi lĩnh vực trong nhãn khoa, đặc biệt là khi được tích hợp với các phòng khám mắt và hệ thống chăm sóc mắt ban đầu.

Tuy nhiên, AI cũng sẽ không thay thế được các bác sĩ nhãn khoa. Thay vào đó, nó được sử dụng như một công cụ mạnh mẽ để xử lý các tác vụ thường quy và thay vì các bác sĩ sẽ phải xử lí các tác vụ đó sẽ dành thời gian để tập trung tìm hiểu các trường hợp đòi hỏi kĩ năng chẩn đoán và chuyên môn cao.

Việc kết hợp khả năng sáng tạo của con người với trí tuệ nhân tạo, và khả năng tính toán vô hạn của máy móc có thể tạo ra các mô hình hoạt động mới hiệu quả hơn trong việc giảm thiểu vấn nạn toàn cầu về thị lực thấp và mù lòa.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo chẩn đoán các bệnh nhãn khoa.

Cải thiện chẩn đoán và tiếp cận

Sàng lọc bệnh lý võng mạc đái tháo đường (BLVM ĐTĐ) là một ví dụ điển hình. Trong nhiều thập kỉ, việc chỉ định rộng rãi sàng lọc BLVM ĐTĐ hằng năm cho bệnh nhân ĐTĐ trở thành một thách thức khó khăn thật sự bởi dân số ngày càng già và thừa cân. Ứng dụng AI sẽ giảm thiểu được nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cao đồng thời mở rộng sự tiếp cận đến bệnh nhân.

Nhiều thiết bị hỗ trợ AI giờ đây đã có thể mở rộng sàng lọc BLVMĐTĐ tại các phòng khám mắt và các cơ sở chăm sóc mắt ban đầu. Các thiết bị đều sử dụng thuật toán AI (deep learning) để sàng lọc hình ảnh đáy mắt kĩ thuật số cho các trường hợp BLVM ĐTĐ cần giới thiệu đến chuyên gia võng mạc. Deep Learning là một phương pháp cho phép huấn luyện một AI có thể dự đoán được các đầu ra dựa vào một tập các đầu vào. Trong các nghiên cứu lâm sàng, các thiết bị này và những hệ thống AI khác đã chứng minh được độ nhạy và độ đặc hiệu trong việc xác định các trường hợp khó hoặc vượt quá khả năng phân tích của bác sĩ. Vì vậy, kết hợp trí tuệ nhân tạo với nhân tố con người được xem là tạo ra sức mạnh mới cho ngành y để chăm sóc sức khỏe con người tốt hơn trong tương lai.

Các ứng dụng trí tuệ nhân tạo được xem là trợ thủ đắc lực và hứa hẹn tạo ra nhiều thay đổi lớn.

AI trong phẫu thuật đục thể thủy tinh

BS. S Warren E Hill (đến từ Mesa, Arizona và Đại học Case Western Reserve, Mỹ) cho biết AI đã chỉ ra các kết quả khó lường trước về khúc xạ trong phẫu thuật đục thể thủy tinh. Ông đã sử dụng một hệ thống xử lý nhân tạo để phát triển công cụ đo công suất IOL mới và kết quả đạt được là 90% bệnh nhân có khúc xạ đích chênh lệch chỉ 0,5D - tốt hơn tất cả các công thức khác dựa trên các phương pháp thông thường. Việc mở rộng cơ sở dữ liệu tham chiếu của mình có thể đẩy độ chính xác 0,5D lên 94%. AI có nhiều lợi thế hơn so với các công thức dựa trên độ hội tụ, quang sai trong phẫu thuật, kết quả đo khúc xạ và loại bỏ sự tính toán thiên vị được tạo ra từ các mô hình lý thuyết hạn chế.

(Theo EuroTimes)

BS. Phạm Như Vĩnh Tuyên – BS. Hồ Nhật Quang (Bệnh viện Trung ương Huế)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ung-dung-tri-tue-nhan-tao-trong-nhan-khoa-n170078.html