Ứng dụng marketing kỹ thuật số tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam

Bài viết được tổng hợp các khái niệm và cách thức hoạt động marketing trên nền tảng kỹ thuật số hiện đang được các doanh nghiệp tại Việt Nam áp dụng.

TÓM TẮT:

Bài viết được tổng hợp các khái niệm và cách thức hoạt động marketing trên nền tảng kỹ thuật số hiện đang được các doanh nghiệp tại Việt Nam áp dụng. Dựa trên phương pháp thống kê, tổng hợp, so sánh và khảo cứu tài liệu từ một số bài báo liên quan tới lĩnh vực Digital Marketing, bài viết đã thu thập dữ liệu để phân tích, dự đoán tình hình ứng dụng Digital Marketing đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Kết quả cho thấy Digital Marketing trở thành lựa chọn khả dĩ của hầu hết doanh nghiệp trong bối cảnh bình thường mới cùng với nền tảng của cách mạng công nghệ 4.0.

Từ những nhận định về cơ hội phát triển của lĩnh vực này, bài viết cũng đã đưa ra một số kiến nghị giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam có thể tham khảo và đưa ra các định hướng cho hoạt động marketing phù hợp với xu hướng hiện nay.

1. KHÁI NIỆM, VAI TRÒ

1.1 Khái niệm

“Digital Marketing là hình thức quảng bá thương hiệu, sản phẩm nhằm tăng nhận thức về sản phẩm và thương hiệu, kích thích hành vi mua hàng dựa trên nền tảng internet hay các thiết bị Digital” (Kotler et al., 2017). “Theo Asia Digital Marketing Association, Digital Marketing là chiến lược sử dụng công cụ Internet để làm phương tiện cho hoạt động marketing và thực hiện trao đổi thông tin. Bằng tất cả các kênh phương tiện kỹ thuật số hiện có, các doanh nghiệp sẽ thực hiện Digital Marketing để xây dựng, phát triển và quảng bá thương hiệu, sản phẩm trực tuyến”.

Theo Wikipedia, Tiếp thị kỹ thuật số (Digital Marketing) là tiếp thị tất cả các dịch vụ, sản phẩm dùng công nghệ số, đa phần là trên mạng, thông qua Internet. Ngoài ra, nó còn bao gồm cả thiết bị điện thoại di động, các quảng cáo hiển thị và phương tiện kỹ thuật số khác.

“Digital Marketing được chia làm 2 mảng chính: (i) Digital Online Marketing và (ii) Digital Offline Marketing”. Digital Online Marketing gồm: Search Engine Optimization, Content Marketing, Social Media Marketing, Pay Per Click (PPC), Affiliate Marketing, Native Advertising, Marketing Automation, Email Marketing, Online PR, Inbound Marketing, Sponsored Content; Digital Offline Marketing gồm: Enhanced offline marketing, Radio marketing, Television marketing, Phone marketing (Sanclemente-Téllez, 2017).

1.2. Vai trò

Digital Marketing mang đến cơ hội cạnh tranh công bằng cho tất cả doanh nghiệp: Digital Marketing mang đến cơ hội cạnh tranh công bằng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp, quảng cáo thương hiệu của mình trên môi trường online. Không còn giống trước đây, khi chỉ có các công ty lớn đa quốc gia mới nắm bắt và ứng dụng Digital Marketing trong kinh doanh. Hiện nay, vai trò của Digital Marketing đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất quan trọng. Vì nó giúp cho các doanh nghiệp đạt được hiệu quả và nâng cao kết quả kinh doanh được tốt hơn. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ hay các doanh nghiệp mới có lợi thế lớn khi quảng cáo trên môi trường trực tuyến. Lợi thế dễ thấy nhất là khả năng kết nối với khách hàng tự động mà không cần sử dụng cách nghe gọi truyền thống (Tien (b), 2021).

Chi phí cho quảng cáo Digital Marketing có tiết kiệm hơn so với cách truyền thống: Các doanh nghiệp khi quảng cáo bằng Digital Marketing chiếm ưu thế về vốn phải bỏ ra cho quảng cáo so với cách truyền thống. Theo báo cáo mới nhất về chi tiêu quảng cáo của Gartner chỉ ra rằng các doanh nghiệp tiết kiệm khoảng 40% khi quảng cáo trên môi trường online. Báo cáo cũng chỉ ra 28% các doanh nghiệp được kiểm tra sẽ chuyển từ chi tiêu theo cách thông thường sang quảng cáo Digital Marketing” (Tien (a), 2019).

Digital Marketing hướng đến mục tiêu và sự chuyển đổi: Một trong những vai trò của Digital Marketing là quảng bá thương hiệu và tiếp thị nó thông qua phương tiện truyền thông, chuyển đổi đối tượng mục tiêu thành người mua hàng. Digital Marketing có vai trò quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu và hướng mục tiêu chuyển đổi thành khách hàng tiềm năng. Các doanh nghiệp hiện nay chỉ quan tâm đến đo lường tỷ lệ bán hàng, người đăng ký, khách hàng tiềm năng, giao dịch.

Đảm bảo doanh thu: Bên cạnh các chuyển đổi tốt hơn thông qua quảng cáo Digital Marketing hiệu quả, vai trò quan trọng trong việc đảm bảo doanh thu là điều quan trọng. Nó mang đến sự quan tâm lớn của doanh nghiệp và mọi người. Với việc nhắm mục tiêu rõ ràng, khách hàng tiềm năng cụ thể, chuyển đổi và tạo doanh thu. Chính là điều mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng hệ thống Digital Marketing; có lợi thế trong việc nâng cao kết quả kinh doanh gấp 3,3 lần. Tiếp thị trên môi trường online mở ra cánh cửa, tiếp cận mục tiêu tốt và mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực kinh doanh của mình.

Digital Marketing hướng đến người sử dụng di động: Với sự phát triển của điện thoại thông minh, tiếp thị trên điện thoại di động là phương pháp thông dụng nhất để phân tán dữ liệu và thông tin đến người dùng. Trong thời đại 4.0 hiện nay, người dùng máy tính đang dần chuyển sang sử dụng di động. Do đó, phải luôn không ngừng cải thiện giao diện cùng tốc độ. Theo báo cáo của E- Marketer, 80% người dùng mua hàng bằng điện thoại so với máy tính. Vì thế, việc tiếp cận khách hàng mua hàng bằng điện thoại đang được quan tâm hiện nay (Tien (d), 2019).

Digital Marketing cùng triển vọng nâng cao hiệu quả kinh doanh: Sử dụng chiến lược Digital Marketing hiệu quả sẽ thu hút được lượng khách hàng lớn. Nó mang đến cơ hội kêu gọi hành động mua hàng (CTA) của khách hàng ngay lập tức. Có nhiều chiến lược giúp doanh nghiệp chuyển từ kêu gọi khách hàng đưa tới hành động mua hàng. Kêu gọi hành động mua hàng cho chúng ta biết họ thường làm gì khi tìm đến Website của bạn. Họ có thể đọc bài blog, tải xuống một cái gì đó, đăng ký hoặc mua hàng. Digital Marketing cung cấp cho chúng ta tất cả giải pháp, để chúng ta lựa chọn và tìm ra cho mình giải pháp riêng để tiếp cận và khiến họ đưa ra quyết định mua hàng.

2. HOẠT ĐỘNG DIGITAL MARKETING CỦA CÁC DOANH NGHIỆP TẠI VIỆT NAM

Tại khu vực Đông Nam Á, đại diện của Google, Temasek cho rằng: Thị trường Việt Nam đang đứng ở đà phát triển, tăng 16% và đạt quy mô trên 14 tỷ USD. Trong đó lĩnh vực bán lẻ hàng hóa tăng 46%, gọi xe và đồ ăn công nghệ tăng 34%, tiếp thị giải trí và trò chơi trực tuyến tăng 18% (riêng lĩnh vực du lịch trực tuyến giảm 28%) Báo cáo này cũng dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2020 - 2025 là 29% và dự kiến 2025 quy mô thương mại Việt Nam đạt 52 tỷ USD. Theo Sách trắng năm 2021 do Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) công bố cho thấy, quy mô thị trường bán lẻ thương mại điện tử của Việt Nam dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 20% trong năm 2022, đạt khoảng 16,4 tỷ USD. Ước tính có khoảng 57 triệu đến 60 triệu người Việt Nam tham gia mua sắm trực tuyến với giá trị mua sắm bình quân đầu người 260-285 USD.

Trong báo cáo e-Conomy 2022 từ Google, Temasek và Bain & Company, năm 2022, nền kinh tế số của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á với tổng giá trị hàng hóa dự kiến tăng 28%, từ 18 tỷ USD năm 2021 lên 23 tỷ USD năm 2022. Với mức tăng trưởng 31% trong giai đoạn 2022 - 2025. Nền kinh tế số Việt Nam sẽ đạt mức 50 tỷ USD vào năm 2025 và đạt mốc kỷ lục từ 120-200 tỷ USD vào năm 2030.

Trong Báo cáo “Thay đổi hành trình mua sắm tại Đông Nam Á: Từ nhu cầu tìm kiếm đến trải nghiệm nhận hàng” do Lazada thực hiện vào tháng 9/2022 cho thấy, 76% người tiêu dùng Việt Nam mua sắm mỗi tháng một lần trên thương mại điện tử, 83% người dùng Việt Nam có thói quen tìm kiếm sản phẩm trực tiếp trên các sàn thương mại điện tử, 50% các đơn hàng trên thương mại điện tử ở Việt Nam được mua mà không có dự tính. Điều này ngầm khẳng định sự thay đổi hành vi mua sắm cửa người tiêu dùng cũng như các sàn thương mại điện tử cũng như tiếp thị số dần trở thành công cụ đắc lực. Trong tương lai gần, sàn thương mại điện tử số sẽ là mảnh đất màu mỡ cho doanh nghiệp khai thác. Đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, các doanh nghiệp càng cần phải nắm bắt cơ hội và thích ứng thời cuộc một cách tốt nhất. Hiện nay các mô hình thương mại áp dụng công nghệ thông tin và kỹ thuật số đang được phần lớn doanh nghiệp triển khai bao gồm:

(i) Mô hình kinh doanh truyền thống: doanh nghiệp phân phối trực tiếp sản phẩm đến khách hàng thông qua các đại lí cửa hàng sẽ được bổ trợ đắc lực bởi website, sàn TMĐT mà không cần quá nhiều chi phí cho kênh phân phối

(ii) Sử dụng công nghệ AI (Artifical Intelligent) - trí thông minh nhân tạo sẽ dần được áp dụng và khai thác triệt để, để tìm kiếm khách hàng, phân tích xu hướng tiêu dùng và mở rộng phạm vi bán hàng trong việc nhận diện khách hàng mục tiêu. Các nền tảng sàn thương mại số như Lazada, Shopee, Tiki, TikTok ngày càng phát triển giúp người dùng tăng nhu cầu mua sắm và tìm kiếm thông tin, ngoài ra còn mang đến những trải nghiệm gần gũi hơn.

(iii) Mua bán và sáp nhập (M&A): đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, cải thiện tỷ suất lợi nhuận và rút ngắn con đường dẫn đến lợi nhuận cho doanh nghiệp. Mua bán và sáp nhập doanh nghiệp đặc biệt là giữa các công ty có các thế mạnh bổ sung cho nhau, cho phép các trang thương mại điện tử tăng cường thị phần, đồng thời tận dụng cơ sở hạ tầng, nguồn lực tài chính và con người.

(iv) Đa dạng kênh mua sắm: Nhu cầu kế hợp mua sắm truyền thống và thương mại ngày càng gia tăng, doanh nghiệp đối mặt với việc chuyển đổi linh hoạt giữa 2 hình thức cùng với việc đa dạng hóa phương thức thanh toán mang lại trải nghiệm tốt, thoải mái cho khách hàng.

3. CÁC HẠN CHẾ VÀ THÁCH THỨC

Dù digital marketing mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp nhưng nó vẫn còn nhiều rào cản và thử thách cho các doanh nghiệp tham gia. Các hạn chế có thể kẻ đến bao gồm:

Thứ nhất, niềm tin của người tiêu dùng với các giao dịch trực tuyến tại Việt Nam vẫn còn thấp. Minh chứng rõ ràng nhất có thể nhận thấy là ngay cả trong đại dịch Covid-19, khi số lượng và giá trị các giao dịch thương mại điện tử tăng lên một cách đột biến thì phần lớn giao dịch vẫn sử dụng chủ yếu là hình thức COD (nhận hàng trực tiếp và thanh toán bằng tiền mặt). Người tiêu dùng vẫn thích mua sắm trực tiếp hơn so với mua sắm trực tuyến. Nguyên nhân do bên cạnh việc khó kiểm định chất lượng hàng hóa, 44% người tiêu dùng không tin tưởng đơn vị bán hàng, 45% cho rằng mua hàng tại các cửa hàng thuận tiện hơn so với mua sắm trực tuyến.

Thứ hai, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn khá phổ biến. Hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, buôn bán hàng cấm, không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn còn tràn lan, phổ biến.

Thứ ba, chi phí giao hàng cao và yêu cầu thời gian giao hàng chặt chẽ. Thực tế cho thấy, thời gian giao hàng lâu, trung bình thường là 5-6 ngày cho một đơn hàng được giao tới tay người tiêu dùng. Bên cạnh đó, thương mại điện tử xuyên biên giới cũng thường xuyên phải đối mặt với các vấn đề về chuyển đổi tiền tệ và ngôn ngữ...

Thứ tư, việc sử dụng tiền mặt vẫn còn phổ biến. Theo Sách trắng thương mại điện tử năm 2022 tỷ lệ khách hàng lựa chọn hình thức thanh toán tiền mặt khi mua hàng trên sàn thương mại điện tử lên tới trên 70%. Hạ tầng cơ sở và trang thiết bị kỹ thuật phục vụ các hình thức thanh toán điện tử còn kém hiệu quả, chưa tương xứng với tiềm năng. Số lượng không nhỏ người dân địa phương không có tài khoản ngân hàng cũng là một yếu tố cản trở thanh toán trực tuyến.

Thứ năm, sự gia tăng tội phạm, gian lận tài chính trong thương mại điện tử. Khi nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam được dự báo sẽ đạt 50 tỷ USD vào năm 2025 (theo Báo cáo e-conomy SEA 2022 của Google, Temasek, Bain & Company), các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với sự gia tăng của các mối đe dọa mạng tinh vi hơn và các cuộc tấn công vào các giao dịch trực tuyến.

Thứ sáu, qua khảo sát nhóm nhỏ các doanh nghiệp trong ngành thời trang cho thấy khách hàng không hài lòng khi nhận sản phẩm không giống như họ thấy trên các trang thương mại điện tử, livestream…

Mặc khác, cạnh tranh thương mại điện tử xuyên biên giới (cross-border ecommerce) ngày càng khốc liệt, cùng các nhà sản xuất có ngân sách quảng cáo lớn bắt đầu ưu tiên dịch chuyển lượng ngân sách quảng cáo khổng lồ của họ để tranh giành khách hàng trên kênh thương mại điện tử nên chi phí chi trả cho các hoạt động digital maketing của các doanh nghiệp này càng cao.

Tóm lại, để thành công các doanh nghiệp cần phải am hiểu như thế nào là marketing, hoạch định các chiến lược marketing. Digital Marketing (tiếp thị kỹ thuật số) trở thành phương pháp tiếp cận khách hàng tất yếu của mọi doanh nghiệp. Trong thời đại công nghệ 4.0, người tiêu dùng bắt đầu điều chỉnh thói quen truyền thống sang tiêu dùng trực tuyến thì đòi hỏi các doanh nghiệp cũng phải mạnh dạn thay đổi nhiều chiến lược để đáp ứng một cách nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả đối với hành vi tiêu dùng mới. Vì thế, các chủ doanh nghiệp sẽ chủ động để tiếp cận khách hàng thông qua các công cụ online. Do vậy, các doanh nghiệp cần phải có một đội ngũ chuyên nghiệp tiếp xúc với khách hàng, có những sáng tạo, những kịch bản hay để tiêu thụ được sản phẩm. Digital Marketing đã và đang làm thỏa mãn những yêu cầu trên của các công ty. Digital Marketing xuất hiện và phát triển rất nhanh nhờ chi phí thấp, tiếp cận đúng khách hàng tiềm năng và có thể tương tác mạnh mẽ với khách hàng. Digital Marketing là giải pháp mới mẻ, có thể coi đây là “cánh tay đắt lực” của nhiều doanh nghiệp để đem thương hiệu, sản phẩm đến với đông đảo người dùng từ đó mở rộng thị trường và tăng doanh thu.

4. MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Dù đạt được một số thành tựu nhất định, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa phát huy được hết khả năng và tận dụng tối đa hiệu quả của hoạt động Digital marketing. Do vậy, trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh thực hiện một số biện pháp nhằm hoàn thiện và thúc đẩy sự phát triển của Digital marketing. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng của hoạt động Digital marketing, đặc biệt là nhận thức từ bộ phận quản lý cấp cao. Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại giữa cấp quản lý và bộ phận marketing, cũng như cập nhật các chương trình Digital marketing của doanh nghiệp đang triển khai tới các phòng ban khác trong nội bộ doanh nghiệp để chứng minh tính hiệu quả của Digital marketing trong hoạt động kinh doanh.

Thứ hai, hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin. Việc hoàn thiện, đồng bộ và nâng cao hạ tầng công nghệ sẽ giúp khách hàng bảo mật thông tin, đồng thời mang lại những thành quả cho doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh hình ảnh và uy tín, cạnh tranh tốt trên thị trường (xây dựng hình ảnh sản phẩm, logo doanh nghiệp…), tránh hàng nhái, hàng giả trên thị trường. Ngoài ra, doanh nghiệp cần nâng cấp thiết bị, phần mềm, công cụ liên quan tới hệ thống mạng và website; xây dựng chính sách an ninh toàn diện cho công ty và khách hàng trong cả hiện tại và tương lai.

Thứ ba, các doanh nghiệp cần xem xét rút ngắn thời gian giao hàng khoảng 2-3 ngày sẽ nhận được hàng. Thường xuyên đưa ra các mã giảm giá ship hoặc miễn phí ship trong khoảng cách 4-5 km để kích thích người tiêu dùng.

Thứ tư, hoàn thiện chiến lược phát triển Digital marketing của doanh nghiệp. Chiến lược Digital marketing của doanh nghiệp cần phải được tập trung xây dựng một cách bài bản và đầu tư nhiều thời gian cũng như công sức để hoạch định.

Thứ năm, xây dựng đội ngũ nhân sự phụ trách Digital marketing có chất lượng, trình độ và tính chuyên nghiệp cao. Doanh nghiệp cần thường xuyên tổ chức các khóa huấn luyện đào tạo cũng như ban hành những chính sách khuyến khích nhân viên nâng cao trình độ và chuyên môn trong lĩnh vực Digital marketing.

Thứ sáu, mô tả sản phẩm đúng với thực tế, không phóng đại nói quá về tính năng sản phẩm. Cho khách hàng được đổi trả miễn phí trong 1-3 ngày, nếu ko vừa size, hàng ko giống mẫu, lắng nghe Khách hàng, khuyến khích khách hàng cũng như các blogger chuyên về thời trang mặc thử các sản phẩm mới và để lại đánh giá thông qua mạng xã hội…

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Sanclemente-Téllez, J. C. (2017). Marketing and Corporate Social Responsibility (CSR). Moving between broadening the concept of marketing and social factors as a marketing strategy. Spanish journal of marketing-ESIC, 21, 4-25.

2. Tien (a), N. H., & Vinh, N. D. T. (2019). ERP Application in SMEs in Vietnam-Limitations

3. Potentials and Development Solutions. International journal of commerce and management research. 2019c, 5(5), 75-78.

4. Tien (b), N. H., Anh, D. B. H., Vu, N. T., On, P. V., Duc, P. M., & Hung, N. T. (2021). Customer service culture at VIB bank in Vietnam. Himalayan Journal of Economics and Business Management, 2(4), 44-51.

5. Tien (c), N. H., Dat, N. V., & Chi, D. T. P. (2019). Product policy in international marketing comparative analysis between Samsung and Apple. International Journal of Research in Marketing Management and Sales, 1(2), 129-133. Development, 1(5), 95-100.

ThS. Võ Thành Tín, ThS. Nguyễn Thị Ngọc Lan

Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng

Tạp chí in số tháng 5/2024

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/ung-dung-marketing-ky-thuat-so-tai-cac-doanh-nghiep-nho-va-vua-o-viet-nam-d48776.html