Ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất giống nấm

Hiện nay, sản xuất nấm ăn quy mô hộ gia đình trên địa bàn tỉnh ngày càng được mở rộng. Trồng nấm dần trở thành một nghề phụ có thu nhập khá tốt cho nông dân và giải quyết được nhiều thời gian nông nhàn. Tuy nhiên, nghề trồng nấm đòi hỏi kỹ thuật sản xuất cao, nhất là khâu sản xuất giống mà nông dân ít làm được hoặc nếu có làm được thì chất lượng giống không tốt, dẫn đến năng suất nấm không cao. Từ thực tế đó, Trạm Nghiên cứu và phát triển nấm Cam Lộ đã ứng dụng thành công công nghệ sản xuất nấm giống dạng dịch thể để cung cấp cho người trồng nấm, tạo thành chuỗi liên kết chặt chẽ giữa cơ quan nghiên cứu và nông dân trong sản xuất nấm, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa tạo nhiều việc làm trong các công đoạn sản xuất nấm.

Sản xuất bịch phôi để cấy giống nấm dịch thể tại Trạm Nghiên cứu và phát triển nấm Cam Lộ -Ảnh: H.V.A

Trước đây, nhiều hộ dân cũng học hỏi nghề trồng nấm từ các nơi khác về làm thử những loại nấm ăn thông thường như nấm sò, nấm mộc nhĩ, nấm rơm… nhưng hiệu quả không cao và chất lượng, sản lượng sản phẩm không đồng đều. Nguyên nhân là do kỹ thuật sản xuất nấm giống chưa đạt yêu cầu. Trong sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu, khó nhất là khâu sản xuất giống nấm. Điều kiện và trình độ sản xuất của nông dân chưa đủ sức để tạo ra những bịch nấm giống có chất lượng tốt. Vì thế, sau nhiều năm cố gắng học hỏi để phát triển nghề mới, nông dân Quảng Trị vẫn không thể phát triển tốt nghề trồng nấm.

Trạm Nghiên cứu và phát triển nấm Cam Lộ thuộc Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và thông tin KH&CN tỉnh đã đầu tư hệ thống sản xuất giống nấm dạng dịch thể rồi gieo vào bịch phôi để cung ứng cho nông dân trong và ngoài tỉnh. Đến nay, hệ thống các loại máy móc phục vụ cho việc sản xuất nấm giống của trạm cơ bản được đầu tư đồng bộ như: Máy đóng bịch phôi công suất 15.000 bịch/ngày, hệ thống lên men tự động 300 lít/mẻ, hệ thống sản xuất giống dịch thể 30 - 300 lít/mẻ… Sau khi sản xuất được giống nấm dịch thể, trạm gieo giống này vào bịch phôi rồi cung ứng cho nông dân trồng nấm.

Với hệ thống cơ sở vật chất phục vụ sản xuất khá đồng bộ, năng lực sản xuất giống nấm của trạm mỗi năm có thể gần 1 triệu bịch với chất lượng tốt, cho sản phẩm đồng đều và năng suất cao. Nhưng do nhu cầu sản xuất nấm trên địa bàn vẫn còn ở mức độ trung bình nên mỗi năm trạm chỉ mới sản xuất từ 300- 400 ngàn bịch giống nấm các loại, trong đó cung ứng cho nhu cầu của nông dân trong tỉnh khoảng 300- 350 ngàn bịch và cung ứng ngoại tỉnh khoảng 40- 50 ngàn bịch. Với năng lực sản xuất bịch giống nấm như vậy thì trạm sẽ đáp ứng tốt bịch phôi giống nấm cho nông dân nếu nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất nấm tăng cao. Người dân sản xuất nấm chỉ cần mua bịch phôi đã gieo giống nấm dịch thể về treo trong nhà trồng nấm, chăm sóc và thu hái.

Gia đình anh Đỗ Sỹ Trí ở xã Triệu Đại, Triệu Phong được chương trình phát triển kinh tế nông thôn và miền núi của Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ kinh phí làm nhà trồng nấm, hỗ trợ 50% giá nấm giống đã rất tích cực phát triển nghề trồng nấm và mang lại kết quả khá. Sau gần 3 năm triển khai, anh Trí đã sản xuất nấm với quy mô 10.000 bịch, thu hoạch sản phẩm bán ra thị trường được hơn 110 triệu đồng. Trừ các khoản chi phí, anh Trí thu lãi được gần 80 triệu đồng. Anh Trí cho biết: “Trước khi làm nghề nấm, tôi được Sở Khoa học và Công nghệ cho tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật. Sau khi nắm vững kỹ thuật rồi thì chỉ cần mua bịch phôi đã cấy sẵn giống nấm dịch thể về treo lên, tưới tắm và thu hái thôi.

Sản xuất nấm đã có bịch giống sẵn dễ làm mà cho thu nhập cũng ổn”. Sản xuất nấm tạo ra sản phẩm sạch, giàu chất dinh dưỡng nên nấm hiện nay được nhiều người lựa chọn làm thực phẩm thường xuyên có lợi cho sức khỏe. Vì thế, trồng nấm mang lại thu nhập khá cho nông dân. Mỗi tháng ngoài thu nhập từ nghề chính ra thì thu nhập từ trồng nấm của một hộ nông dân có quy mô nhà nấm khoảng 100 m2 (thường treo khoảng 300 bịch/tháng) cho thu nhập 3- 3,5 triệu đồng/tháng. Đây là khoản thu không lớn nhưng thường xuyên và so với sản xuất nông nghiệp là khoản thu đáng kể, góp phần ổn định cuộc sống cho người dân, tạo việc làm thêm lúc nông nhàn.

Hơn nữa, trong quá trình sản xuất bịch phôi nấm, Trạm Nghiên cứu và phát triển nấm Cam Lộ đã tận dụng được phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp. Bịch cấy nấm giống sau khi sản xuất xong nấm được trạm hướng dẫn nông dân xử lý bằng chế phẩm sinh học tạo thành phân hữu cơ bón cho cây trồng. Từ nguyên liệu đầu vào đến phế phẩm đầu ra trong quy trình sản xuất nấm đều tham gia xử lý tốt môi trường trong sản xuất nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường.

Trưởng Trạm Nghiên cứu và phát triển nấm Cam Lộ Nguyễn Ngọc Huỳnh cho biết: “Việc sản xuất bịch gieo giống nấm dịch thể của trạm đã giúp cho nông dân sản xuất nấm hiệu quả hơn nhiều, sản phẩm nấm an toàn, không bị nhiễm các loại vi khuẩn độc hại nhờ trạm đã có hệ thống xử lý an toàn, khử khuẩn tốt. Hơn nữa, việc cung ứng giống nấm bằng bịch phôi cấy dịch thể giúp cho nông dân sản xuất nấm đơn giản hơn rất nhiều. Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và thông tin KH&CN tỉnh cũng tổ chức nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, thu hái, bảo quản nấm cho nông dân”.

Với sự hỗ trợ, cung ứng giống nấm dạng bịch cấy phôi của Trạm Nghiên cứu và phát triển nấm Cam Lộ, nghề trồng nấm đã trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Cùng với nhu cầu tiêu thụ nấm ngày càng nhiều của người tiêu dùng đã giúp cho nghề trồng nấm trên địa bàn phát triển tốt trong những năm gần đây, góp phần chuyển đổi ngành nghề và tạo thu nhập ổn định cho nông dân.

Trần Anh Minh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=151464