Ứng dụng khoa học công nghệ, nâng giá trị cho bắp sinh khối

Đề tài 'Tuyển chọn giống và xây dựng quy trình sản xuất ngô sinh khối tại tỉnh Phú Yên' được triển khai từ tháng 1/2023, đến nay các nhà khoa học ở Viện Nghiên cứu ngô đã tuyển chọn được một số giống có năng suất sinh khối chất xanh cao, tại huyện Đồng Xuân và Tây Hòa; hoàn thiện quy trình thâm canh, sơ chế, chế biến và bảo quản… Qua đó giúp người trồng bắp ở Phú Yên nhận thức được lợi ích của việc áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác giống bắp sinh khối, tuyên truyền cho những hộ dân xung quanh làm theo…

Nông dân tham quan mô hình trồng bắp sinh khối ở thị trấn Phú Thứ (huyện Tây Hòa). Ảnh: LỆ VĂN

Đây là đề tài khoa học, công nghệ (KH-CN) cấp tỉnh do TS Nguyễn Hữu Hùng (Viện Nghiên cứu ngô) làm chủ nhiệm. Bước đầu, đề tài này mang lại hiệu quả thiết thực, có thể nhân rộng.

Tăng giá trị kinh tế từ trồng bắp sinh khối

Gia đình ông Trần Văn Cường, trú thị trấn Phú Thứ (huyện Tây Hòa) được Viện Nghiên cứu ngô hỗ trợ giống và kỹ thuật để trồng thí điểm 1.500m2 bắp sinh khối giống MG9 và MG19, trồng 2 vụ năm 2023 và vụ đông xuân 2024. Đây là giống bắp mới có ưu điểm cây to, bộ lá xanh bền, khả năng thích ứng rộng. Bắp được trồng lấy thân, lá, bắp non làm thức ăn thô xanh cho gia súc. Thời gian sinh trưởng của bắp sinh khối khoảng 80-90 ngày, năng suất bình quân từ 72-80 tấn/ha.

Ông Cường cho biết: “Trước đây gia đình trồng nhiều loại bắp nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Từ năm 2023, được hỗ trợ giống và kỹ thuật trồng, tuy thời tiết có khắc nghiệt nhưng cây bắp sinh trưởng tốt. Ngoài ra, giống bắp sinh khối và quy trình trồng này vừa tiết kiệm thời gian, công chăm sóc, năng suất vượt trội, lại canh tác được nhiều vụ trong năm, hiệu quả kinh tế cao hơn. Sau gần 3 tháng trồng, gia đình thu hoạch được gần 20 tấn cây bắp bán được trên 10 triệu đồng”.

Ông Trần Duy Khiêm, thôn Triêm Đức (xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân) cũng được hỗ trợ giống và kỹ thuật để trồng thí điểm bắp sinh khối giống MG9 và MG19.

Ông Khiêm cho biết: “Năm đầu tiên tôi trồng trên diện tích 2.000m2, khi thu hoạch sản lượng đạt cao hơn so với cây bắp trồng lấy hạt hằng năm; trồng và chăm sóc cũng không mất nhiều công sức. Hiện nay, tôi trồng 1.400m2 qua nhiều vụ, tôi thấy trồng bắp sinh khối có nhiều cái lợi như rút ngắn thời gian, mỗi vụ chỉ mất khoảng 80 ngày; tiết kiệm chi phí đầu tư phân bón và nhân công trong khâu thu hoạch. Thu hoạch sản phẩm tươi, nên không mất thêm chi phí tách hạt, phơi khô và bảo quản như trồng bắp lấy hạt”.

Tại hội thảo “Đánh giá quy trình sản xuất, chế biến bảo quản bắp sinh khối” (huyện Tây Hòa), nhiều người hào hứng khi được tham quan tại các mô hình điểm về trồng bắp sinh khối trực tiếp trao đổi với các nhà khoa học ở Viện Nghiên cứu ngô…

TS Đặng Ngọc Hà, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu ngô, qua kiểm tra thực tế và đánh giá các mô hình, cho biết: Cây bắp sinh trưởng và phát triển tốt, đồng đều, bộ lá xanh bền. Cây có khả năng chống chịu một số loại sâu bệnh hại chính và phùhợp điều kiện khí hậu tại địa phương.

Ngoài ra, các giống bắp MG9, MG19 có sinh khối lớn phù hợp với những vùng trồng để làm nguyên liệu cho chăn nuôi gia súc với năng suất sinh khối bình quân đạt trên 72 tấn/ha, mang lại lãi thuần 60-70 triệu đồng/ha cho người dân. Các giống bắp sinh khối này giúp người dân giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác.

TS Nguyễn Hữu Hùng (bìa phải) hướng dẫn ông Trần Văn Cường chăm sóc bắp sinh khối. Ảnh: LỆ VĂN

Triển vọng mới cho cây bắp sinh khối

Theo TS Nguyễn Hữu Hùng, mục tiêu chính của đề tài là tuyển chọn được một số giống bắp có năng suất sinh khối cao, chất lượng tốt và hoàn thiện quy trình thâm canh bắp sinh khối làm thức ăn cho gia súc tại Phú Yên. Trong đó, chúng tôi tập trung tuyển chọn được 2 giống có năng suất trên 70 tấn/ha; hàm lượng chất khô từ 28-30%; hàm lượng protein >9%, tỉ lệ chất xơ đạt từ 18-20% khối lượng chất khô; xây dựng quy trình hoàn thiện thâm canh cây bắp sinh khối làm thức ăn cho gia súc; hoàn thiện quy trình sơ chế, chế biến và bảo quản bắp sinh khối làm thức ăn gia súc; xây dựng 2 mô hình sản xuất bắp sinh khối có năng suất trên 70 tấn/ha; đào tạo tập huấn và hướng dẫn kỹ thuật 20-40 kỹ thuật viên cơ sở...

“Bắp là cây trồng ngắn ngày phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết và tiểu vùng khí hậu. Sự sinh trưởng, phát triển và năng suất của giống bắp sinh khối chịu tác động rất nhiều từ các yếu tố kỹ thuật canh tác, điều kiện sinh thái. Việc tuyển chọn giống và nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật canh tác cho giống bắp sinh khối được tiến hành ở 2 huyện Tây Hòa và Đồng Xuân thời gian qua đã cho nhiều kết quả tích cực để có thể áp dụng cho các vùng sinh thái chính của Phú Yên”, TS Nguyễn Hữu Hùng nói.

Theo ông Trương Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, bắp sinh khối là cây trồng tiềm năng cho mục tiêu làm thức ăn xanh trong chăn nuôi nhờ tính ưu việt về giá trị dinh dưỡng và tổng thu năng lượng cao (dễ tiêu hóa). Thời gian sinh trưởng ngắn, ít chịu ảnh hưởng thất thường của thời tiết so với bắp lấy hạt nên thuận lợi cho việc bố trí thời vụ. Do vậy, trồng bắp sinh khối đang được nhiều nông dân đầu tư để phát triển kinh tế.

“Sản xuất bắp sinh khối góp phần nâng cao hiệu quả của chương trình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị các-bon thấp nhờ việc sử dụng triệt để tất cả các bộ phận của cây bắp và ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Sau thành công của mô hình, các địa phương nên tuyên truyền vận động người dân tìm hiểu và nhân rộng mô hình để tạo vùng liên kết sản xuất hàng hóa mang lại thu nhập, phát triển kinh tế”, ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH&CN nhấn mạnh.

Bắp sinh khối là loại cây trồng ngắn ngày, phát triển nhanh, khỏe mạnh, thân to, bộ rễ chân kiềng có khả năng chống đổ. Thay vì thu hoạch để lấy hạt lúc bắp đã chín hoàn toàn, cây bắp thu hoạch làm thức ăn cho gia súc ở giai đoạn bắp chín sáp sẽ đảm bảo độ mềm, giàu dinh dưỡng và sự ngon miệng cho vật nuôi.

TS Nguyễn Hữu Hùng

VĂN TÀI

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/79/315381/ung-dung-khoa-hoc-cong-nghe-nang-gia-tri-cho-bap-sinh-khoi.html