Ứng dụng hiệu quả y học cổ truyền vào chăm sóc sức khỏe Nhân dân

Kế thừa, bảo tồn và phát huy tinh hoa y học cổ truyền, không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đội ngũ lương y huyện Vĩnh Linh đã đồng hành tích cực cùng y học hiện đại, nỗ lực chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nhất là tại tuyến cơ sở.

 Lương y Dương Thị Hiên chữa bệnh bằng các bài thuốc Nam rất hiệu quả - Ảnh: L.T

Lương y Dương Thị Hiên chữa bệnh bằng các bài thuốc Nam rất hiệu quả - Ảnh: L.T

Mới đầu giờ sáng song tại phòng chẩn trị y học cổ truyền của lương y Dương Thị Hiên, Khu phố 9, thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh đã có khá nhiều người đến thăm khám. Ông Trịnh Văn Viện (sinh năm 1965), ở xã Quảng Châu, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình cho biết, gần 2 năm trước do cơ thể ông gầy yếu, ăn kém, ngủ kém, thêm nữa lại mắc chứng thoái hóa đốt sống và bệnh thống phong, chân sưng, vận động rất khó khăn. Qua tìm hiểu, gia đình ông không quản đường sá xa xôi tìm đến lương y Dương Thị Hiên thăm khám. Sau khi định hướng chữa trị, được lương y kê đơn điều trị, chỉ 1 đợt với 20 thang thuốc Nam sắc uống, sức khỏe của ông hồi phục nhanh, hết đau nhức. Ông có thể tự thân vận động, sinh hoạt trở lại bình thường. Đến nay, chỉ cần kiểm tra định kỳ, sử dụng thêm một số thuốc bồi bổ sức khỏe.

Còn ông Trần Văn Khuê, 77 tuổi, ở thôn Gia Phúc, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh cho hay, theo chuẩn đoán của Bệnh viện Trung ương Huế ông bị thoái hóa đốt sống L3, L4, L5, phải nằm tại chỗ, huyết áp thấp. Kiên trì điều trị 3 đợt 55 ngày bằng 45 thang thuốc dưới sự hướng dẫn của lương y Dương Thị Hiên, cơ thể ông Khuê hấp thụ thuốc dần ổn định sức khỏe, tình trạng đi lại tốt… Tâm huyết hơn 20 năm trong lĩnh vực y học cổ truyền, dày công nghiên cứu, sưu tầm, mở rộng vườn thuốc Nam trên 1.000 m2 đủ chủng loại, lương y Dương Thị Hiên đã cho ra đời nhiều bài thuốc quý chuyên về xương khớp, hệ thần kinh, suy nhược… được bệnh nhân trong và ngoài tỉnh tin dùng. Với những đóng góp trong công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân, lương y Dương Thị Hiên đã nhận nhiều khen thưởng của Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Sở Y tế, hội đông y các cấp…

Tại Vĩnh Linh, các lương y áp dụng đa dạng phương pháp y học cổ truyền tăng hiệu quả điều trị, chữa khỏi nhiều loại bệnh như: Tiền thiên, thủy hỏa bất túc, hậu thiên, các chứng thấp nhiệt, nhiệt độc… nên nhu cầu khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền trong Nhân dân ngày càng cao. Theo Chủ tịch Hội Đông y huyện Vĩnh Linh Thái Bá Tỵ, 5 năm qua, gần 20 phòng chẩn trị thuộc 18 xã, thị trấn toàn huyện đã đón khoảng 150.000 bệnh nhân đến khám và điều trị bằng phương pháp y học cổ truyền với hơn 700.000 thang thuốc. Riêng các cơ sở y tế như Khoa Đông y thuộc Trung tâm Y tế huyện và nhiều trạm y tế như: Trung Nam, Bến Quan, Kim Thạch, Cửa Tùng… tỉ lệ bệnh nhân lựa chọn điều trị bằng y học cổ truyền đạt khoảng 30%.

Đội ngũ bác sĩ, lương y y học cổ truyền huyện Vĩnh Linh được chuẩn hóa, tận tâm với nghề đã tăng cường học tập, nghiên cứu thuyết âm dương, thủy hỏa, kinh dịch, kết hợp hài hòa kinh nghiệm dân gian với y học truyền thống làm ra những bài thuốc độc đáo, có giá trị. Nhiều lương y tuyến cơ sở vùng sâu, vùng xa ứng dụng khoa học vào chữa bệnh bằng các bài thuốc Nam, châm cứu. Hệ thống phòng chẩn trị được quan tâm nâng cấp, đầu tư trang thiết bị đảm bảo đúng quy định. Bên cạnh đó, triển khai đề án “Đẩy mạnh phát triển y học cổ truyền trên địa bàn huyện Vĩnh Linh giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, Hội Đông y huyện đã nghiên cứu xây dựng kế hoạch khôi phục, phân vùng, phát triển nhiều loại cây thuốc quý như: Hoắc hương, lạc tiên, khổ sâm, nấm linh chi...

Tại Trung tâm Y tế huyện và các trạm y tế xã, thị trấn hình thành vườn thuốc Nam mẫu theo tiêu chuẩn danh mục thuốc thiết yếu. Hội Đông y huyện Vĩnh Linh thường xuyên tham gia các hội thảo khoa học giới thiệu, học hỏi bài thuốc hay, cây thuốc quý nhằm thực hiện công tác nuôi trồng, chế biến dược liệu theo hướng bền vững. Từ đó, chủ động cung ứng nguồn dược liệu tại chỗ trực tiếp phục vụ việc chăm sóc, điều trị cũng như hướng dẫn Nhân dân biết cách sử dụng, khuyến khích nhân rộng vườn thuốc tại gia đình phòng và trị một số bệnh thông thường trong cộng đồng. Ngoài ra, các phương pháp tập luyện, điều trị kết hợp không dùng thuốc, châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt cũng cho kết quả khả quan đối với những chứng thấp khớp, giãn dây chằng, cước khí, bệnh cơ năng…

Riêng phương pháp không dùng thuốc, trung bình mỗi năm tại Vĩnh Linh có trên 11.200 bệnh nhân điều trị. Đặc biệt, một số bệnh lý có tính chất mãn tính, điều trị y học cổ truyền song song với y học hiện đại đem lại kết quả khả quan cho người bệnh. Mong muốn mang y thuật, bài thuốc quý chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân tại tuyến cơ sở, đội ngũ lương y huyện Vĩnh Linh còn đứng ra kết nối, tổ chức nhiều đợt khám chữa bệnh từ thiện, 5 năm qua đã thăm khám cho gần 1.000 người dân, cấp hơn 6.000 thang thuốc miễn phí.

“Để y học cổ truyền thêm ứng dụng rộng rãi, hiệu quả, góp phần làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới, thời gian tới hội sẽ tiếp tục thu hút, bồi dưỡng cả về y đức và trình độ cho đội ngũ cán bộ, hội viên, nhất là lương y trẻ; duy trì, mở rộng các phòng chẩn trị đã đạt tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Y tế để người dân được chăm sóc sức khỏe đầy đủ ngay từ tuyến đầu, đồng thời giảm tải cho y tế tuyến trên. Chú trọng quy hoạch vùng, liên kết phát triển vườn thuốc Nam; tăng cường nhiều đợt khám chữa bệnh, hoạt động từ thiện, nhân đạo đến những địa phương vùng khó, vùng sâu, vùng xa. Từ đó, đáp ứng thêm nhu cầu thăm khám sức khỏe, chữa trị bệnh của Nhân dân, nhất là bệnh nhân nghèo, hoàn cảnh khó khăn”, Chủ tịch Hội Đông y huyện Vĩnh Linh Thái Bá Tỵ cho biết thêm.

Linh Trang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=166286&title=ung-dung-hieu-qua-y-hoc-co-truyen-vao-cham-soc-suc-khoe-nhan-dan