Ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý vi phạm giao thông

Chiều 20-7, Ban An toàn giao thông tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị trực tuyến toàn tỉnh sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022.

Chủ trì hội nghị có Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đỗ Tiến Đông; Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh; Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải Đoàn Hữu Dũng.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đỗ Tiến Đông phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Lê Anh

Theo báo cáo tại hội nghị, trong 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 167 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 124 người và 137 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2021, giảm 4 vụ, giảm 3 người chết, tăng 2 người bị thương. Có 10 địa phương giảm về TNGT, 3 địa phương không tăng không giảm và 4 địa phương tăng số người chết do TNGT. Đặc biệt, TNGT trên tỉnh lộ tăng 21,43%, TNGT do người dưới 18 tuổi gây ra 19 vụ (tăng 58,33%). Trên địa bàn tỉnh xảy ra 4 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm 15 người chết, 4 người bị thương. 4 địa phương có số người chết do TNGT tăng từ 50% trở lên gồm: huyện Kông Chro, Chư Prông, Đak Đoa và thị xã Ayun Pa. Cơ quan Cảnh sát Điều tra các cấp đã khởi tố 34 vụ/35 bị can, không khởi tố 36 vụ, ra 12 quyết định xử phạt vi phạm hành chính 138,5 triệu đồng; chuyển cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính 9 vụ; chuyển cơ quan quân sự 2 vụ và đang tiếp tục điều tra, xác minh 83 vụ.

Cũng trong thời gian trên, lực lượng Cảnh sát Giao thông, Cảnh sát Trật tự phát hiện, lập biên bản 42.235 trường hợp vi phạm, tạm giữ 6.414 phương tiện, 11.670 giấy tờ các loại; xử phạt 39.268 trường hợp với số tiền trên 24 tỷ đồng; tước quyền sử dụng có thời hạn 706 giấy phép lái xe. Thanh tra Sở Giao thông-Vận tải thực hiện 29 cuộc thanh tra thường xuyên về bảo đảm TTATGT, bảo vệ kết cấu hạ tầng và hành lang an toàn đường bộ. Qua kiểm tra 198 lượt phương tiện, phát hiện 41 trường hợp vi phạm; ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 20 tổ chức và 41 cá nhân với tổng số tiền hơn 480 triệu đồng; tước quyền sử dụng có thời hạn 8 giấy phép lái xe, 13 phù hiệu vận tải và buộc hạ tải 62,54 tấn hàng hóa.

Nói về những khó khăn trong công tác tuần tra, kiểm soát để xử lý vi phạm, phòng ngừa TNGT tại địa phương, ông Lê Quang Thái-Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh, Trưởng ban An toàn giao thông huyện-cho rằng: Hầu hết các vụ TNGT trên địa bàn đều xảy ra trên tuyến quốc lộ 14. Tuy nhiên, lực lượng Công an địa phương, đặc biệt là Công an xã không được quyền tuần tra, kiểm soát trên tuyến quốc lộ chạy qua địa bàn xã nên rất khó khép kín địa bàn trong quá trình xử lý vi phạm TTATGT. Vì vậy, cần có quy chế phối hợp, phân cấp sát hơn để thực hiện.

Đại tá Lê Văn Hà (bìa phải)-Phó Giám đốc Công an tỉnh kiểm tra trung tâm điều hành hệ thống camera giám sát giao thông tại Công an TP. Pleiku. Ảnh: Thúy Trinh


Còn ông Phạm Minh Trung-Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa, Trưởng ban An toàn giao thông huyện thì đề nghị: Hiện nay, trên tuyến quốc lộ 19 qua địa bàn huyện Đak Đoa thiếu nhiều biển báo giao thông. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến TNGT trên địa bàn gia tăng. Đề nghị Ban An toàn giao thông tỉnh, Sở Giao thông-Vận tải khảo sát lắp đặt đầy đủ hệ thống biển báo trên quốc lộ 19.

Cũng tại hội nghị, Thiếu tướng Rah Lan Lâm cho rằng: Ngoài những nguyên nhân chung mà các địa phương đã trình bày, Ban An toàn giao thông ở một số địa phương còn bị động, lơ là, chưa quan tâm cập nhật văn bản, kế hoạch và những chỉ đạo của cấp trên trong công tác đảm bảo TTATGT, chỉ khi có chỉ đạo mạnh mới thực hiện. Các địa phương chưa chủ động thống kê các “điểm đen” giao thông, những bất cập của hệ thống đèn chiếu sáng trên các tuyến đường, đặc biệt là tuyến giao thông nông thôn để đề xuất phương án xử lý. Bên cạnh đó, Ban An toàn giao thông một số địa phương chưa thực sự gắn trách nhiệm của mình vào công tác đảm bảo TTATGT để có cơ chế phối hợp thường xuyên, liên tục với lực lượng Công an. “Thời gian tới, Công an tỉnh sẽ triển khai ký kết quy chế phối hợp giữa Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh và Công an các huyện, thị xã, thành phố có tuyến quốc lộ chạy qua để phân trách nhiệm rõ ràng cho từng lực lượng trong quá trình tuần tra, kiểm soát đảm bảo TTATGT”-Giám đốc Công an tỉnh cho hay.

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đỗ Tiến Đông đề nghị Ban An toàn giao thông các địa phương nghiêm túc thực hiện việc sơ kết, đánh giá tình hình TTATGT trên địa bàn, đồng thời rà soát những kế hoạch và nhiệm vụ đã đề ra để xem đã thực hiện đầy đủ, nghiêm túc hay chưa, nếu còn thiếu sót cần nhanh chóng khắc phục. Cần thực hiện thường xuyên, liên tục công tác tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, đa dạng hóa nội dung, phương thức tuyên truyền để người dân dễ nắm bắt. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện kế hoạch đảm bảo TTATGT gắn với đấu tranh, phòng ngừa tội phạm ở cơ sở.

“Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý vi phạm TTATGT, tăng cường phạt nguội các hành vi vi phạm. Thực hiện nghiêm các chỉ đạo của trung ương và của tỉnh, đặc biệt là chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 1240/UBND-NC ngày 14-6-2022 về việc chấp hành nghiêm quy định về phòng-chống tác hại của rượu, bia. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động phải gương mẫu chấp hành các quy định về bảo đảm TTATGT, không để xảy ra vi phạm, TNGT… Từ đó hoàn thành mục tiêu kéo giảm TNGT cả 3 tiêu chí vào cuối năm 2022”-Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh.

HẠ VY

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/744/202207/ung-dung-cong-nghe-thong-tin-trong-xu-ly-vi-pham-giao-thong-5784214/