Ứng dụng AI đình đám của Trung Quốc ghi nhận mốc tăng trưởng ấn tượng

Chatbot trí tuệ nhân tạo (AI) Ernie Bot do công ty Baidu của Trung Quốc phát triển đã thu hút được hơn 200 triệu lượt người dùng mỗi ngày.

Ông Robin Li - Giám đốc điều hành Baidu - đã xác nhận mốc thành công mới này vào ngày 16/4, tại một hội nghị ở Thâm Quyến. Theo ông Robin Li, giao diện lập trình ứng dụng (API) của Ernie Bot đang được sử dụng 200 triệu lần/ngày. Điều này có nghĩa là chatbot được người dùng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ 200 triệu lần trong ngày. Số lượng khách hàng doanh nghiệp sử dụng chatbot này hiện là 85.000.

Chatbot Ernie bắt đầu được triển khai bản thử nghiệm vào tháng 3/2023 và chính thức mở rộng cho công chúng từ cuối tháng Tám cùng năm sau khi được Chính phủ Trung Quốc cấp phép hoạt động. Đây là công cụ AI đầu tiên được phát triển tại Trung Quốc và là một trong nhóm 8 chatbot AI đầu tiên được nhà chức trách nước này phê duyệt. Ernie Bot đã vượt mốc 100 triệu người dùng vào tháng 12/2023. Dữ liệu từ AIcpb.com - một trang web theo dõi lượt truy cập của người dùng dịch vụ AI trực tuyến - cho thấy Ernie Bot đã được truy cập tổng cộng 14,9 triệu lần trên ứng dụng và trang web trong tháng 3/2024, tăng hơn 48% so với tháng trước đó. Theo dữ liệu của AIcpb.com, tại thị trường Trung Quốc, chatbot Kimi của công ty khởi nghiệp Moonshot AI được tập đoàn Alibaba hậu thuẫn)đang bám đuổi về mức độ tăng trưởng và sự phổ biến đối với người dùng. Nhưng nhìn chung các dịch vụ AI tạo sinh của Trung Quốc vẫn ở đằng sau với khoảng cách khá xa so với các đối thủ nước ngoài. ChatGPT của OpenAI hiện vẫn là dịch vụ AI tạo sinh phổ biến nhất thế giới, với tổng lưu lượng truy cập và ứng dụng tăng 9% đạt 1,86 tỷ lượt trong tháng Ba. Baidu cuối tháng 2/2024 đã công bố thu nhập ròng tăng 169%, đây là một dấu hiệu tích cực cho lĩnh vực công nghệ của đất nước khi tình trạng bất ổn kinh tế trên diện rộng vẫn tiếp diễn. Sau nhiều năm tăng trưởng chóng mặt, các công ty công nghệ hàng đầu của Trung Quốc gần đây phải đối mặt với những thách thức chưa từng có, khi các nhà chức trách theo đuổi việc giám sát quy định chặt chẽ hơn. Công cuộc điều chỉnh các quy định đã dẫn đến việc hàng tỷ USD vốn hóa thị trường của nhiều công ty “bốc hơi” trong năm 2020, qua đó kéo lợi nhuận của nhiều “gã khổng lồ” Internet trong nước đi xuống. Tuy nhiên, khi quá trình phục hồi sau đại dịch tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bị đình trệ, các nhà chức trách đang áp dụng cách tiếp cận ôn hòa hơn đối với lĩnh vực công nghệ, coi đây như một nguồn tăng trưởng và việc làm chính. Baidu, một trong những công ty công nghệ hàng đầu của đất nước, đã báo cáo thu nhập ròng đạt tổng cộng 20,315 tỷ NDT (2,8 tỷ USD) trong năm 2023, tương ứng với mức tăng 169%. Sự tăng trưởng mạnh mẽ này một phần do nó được so sánh với mức cơ sở thấp trong năm tài chính 2022, khi Baidu ghi nhận thu nhập ròng giảm 26% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, có một dấu hiệu kém tích cực hơn là thu nhập ròng quý IV/2023 của Baidu chỉ đạt chưa đến 2,6 tỷ NDT (361 triệu USD), giảm 48% so với cùng kỳ năm 2022. Baidu đang vận hành công cụ tìm kiếm hàng đầu Trung Quốc và thu được phần lớn doanh thu từ quảng cáo. Baidu đã phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các đối thủ trong nước bao gồm Tencent, nhà điều hành nền tảng nhắn tin phổ biến WeChat và ByteDance, công ty mẹ của TikTok. Baidu cũng đã mở rộng hoạt động trong lĩnh vực xe tự hành đang phát triển, với đội xe taxi không người lái ở Bắc Kinh và các thành phố khác trên cả nước.

Hương Thủy (Theo AFP)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ung-dung-ai-dinh-dam-cua-trung-quoc-ghi-nhan-moc-tang-truong-an-tuong/330123.html