Ukraine ồ ạt phản công Nga bằng vũ khí kinh tế, hàng loạt 'ông lớn' của đồng minh dính đạn

Ukraine ráo riết lục tìm các đối tượng liên quan Nga, bổ sung vào các cơ chế trừng phạt quốc tế hiện có bằng các lệnh trừng phạt của riêng nước này. Bất ngờ, trong 'danh sách đen cập nhật' xuất hiện hàng loạt tên tuổi hàng đầu trong đội ngũ doanh nghiệp của các đồng minh thân cận.

Ukraine ồ ạt tung ‘vũ khí’ kinh tế vào Nga, hàng loạt doanh nghiệp hàng đầu của đồng minh dính đạn. (nguồn: Visegradinsight)

Cơ quan Phòng chống Tham nhũng quốc gia Ukraine (NACP) vừa bổ sung thêm Nhà sản xuất vật liệu xây dựng Knauf của Đức vào danh sách các nhà tài trợ quốc tế cho cuộc xung đột quân sự của Nga.

Theo báo cáo của NACP, “chỉ riêng năm 2022, một trong những nhà sản xuất vật liệu xây dựng lớn nhất thế giới là Knauf đã nộp vào ngân sách Nga khoảng 117 triệu USD.

Ngoài ra, công ty của Đức còn bị cáo buộc tích cực có nhiều động thái ủng hộ Nga chống lại Ukraine. Đây là cơ sở để NACP bổ sung Knauf vào danh sách các nhà tài trợ quốc tế cho cuộc xung đột quân sự.

Kể từ năm 1993, Knauf đã đầu tư hơn 1,65 tỷ EUR vào nền kinh tế Nga. ‘Người khổng lồ’ về vật liệu xây dựng của Đức có đại diện tại Nga, sở hữu 10 công ty con, 20 nhà máy và gần 30 trung tâm tài nguyên.

Nhà sản xuất vật liệu xây dựng của Đức cũng đã tuyển dụng 4.000 người ở Nga và là nhà đầu tư lớn nhất của Đức trong ngành xây dựng Nga.

Knauf hiện cũng đang sở hữu các cơ sở sản xuất gạch trần cách âm và hệ thống treo tại Đặc khu kinh tế Alabuga (Tatarstan) - nơi sản xuất máy bay không người lái Shahed-136 của Nga.

Một số chức danh quản lý của Knauf được cho là cũng có mối liên hệ chặt chẽ với Điện Kremlin. Chẳng hạn, người đồng sở hữu công ty Nikolaus Wilhelm Knauf từng giữ chức vụ Lãnh sự danh dự Liên bang Nga trong 23 năm (từ tháng 2/1999 đến tháng 3/2022), có văn phòng đại diện với quyền hạn của Lãnh sự quán danh dự tại Nuremberg.

Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, công ty của Đức đã chính thức nói rõ rằng, họ không thấy có lý do gì để rời khỏi thị trường Nga. Và Knauf tuyến bộ, họ sẽ ở lại Nga chừng nào tình hình chính trị và thương mại cho phép họ làm như vậy. Bởi “họ đang chịu trách nhiệm cho hơn 4.000 nhân viên và gia đình họ, cũng như đối với khách hàng và nhà cung cấp, nhiều người trong số họ đã có mối quan hệ tuyệt vời trong nhiều năm qua” đại diện công ty cho biết.

Tháng 10/2022, truyền thông Đức đề cập việc Knauf ủng hộ việc huy động nhân viên của mình vào lực lượng vũ trang Nga.

Tháng 2/2023, Knauf đã tham gia sự kiện triển lãm YugBuild (Lãnh thổ Krasnodar, Nga) và giới thiệu các loại vật liệu xây dựng cải tiến được sản xuất tại Nga. Cuối tháng 11/2023, công ty này thậm chí còn tổ chức sự kiện triển lãm KNAUF BUILD FEST 2023 với khẩu hiệu Lễ hội lớn nhất về công nghệ và giải pháp Knauf trong xây dựng và trang trí - Sáu khu vực tăng trưởng dành cho các chuyên gia thực sự.

Vì vậy, “các chuyên gia Knauf đã tiếp tục đóng góp xây dựng các thành phố cho Nga. Điều này đặc biệt trái ngược với hàng nghìn tòa nhà bị phá hủy ở Ukraine, được Knauf “tài trợ” cùng với những thứ khác, như thuế”, NACP nhấn mạnh.

Trước Knauf, công ty Rockwool của Đan Mạch cũng đã được đưa vào danh sách các nhà tài trợ quốc tế cho cuộc xung đột ở Ukraine.

Ngày 3/11, Tập đoàn Nestle của Thụy Sỹ cũng chính thức bị đưa vào “danh sách đen” này.

Có vẻ không hề kém cạnh so với Knauf của Đức, Nestle - một trong những nhà sản xuất thực phẩm lớn nhất thế giới, với hàng loạt thương hiệu đình đám như KitKat, Nescafé, Nesquik, Nestea và các thương hiệu khác đã có 7 nhà máy ở Nga và tuyển dụng hơn 7.000 người, tính đến đầu năm 2022.

Mặc dù lợi nhuận từ thị trường Nga chỉ chiếm hơn 2% tổng doanh thu của Nestle, nhưng bất chấp cuộc xung đột, vẫn tiếp tục hoạt động ở Nga, cung cấp hàng hóa cho Moscow và mở rộng cơ sở sản xuất tại Nga. Theo NACP, Nestle cũng giải thích điều này là do nhu cầu của người dân Nga về các nhu yếu phẩm cơ bản, cũng như bảo về các nhân viên người Nga của mình.

Hồi đầu tháng 9, theo NACP, những người khổng lồ về thực phẩm của Mỹ gồm PepsiCo và Mars cũng bị cáo buộc bất chấp những tuyên bố về cắt giảm hoạt động kinh doanh, ngừng quảng cáo và sản xuất sản phẩm, họ vẫn tiếp tục hoạt động ở Nga, đóng những khoản thuế đáng kể cho ngân sách, qua đó hỗ trợ nền kinh tế của nước Nga".

Mới đây nhất, ngày 23/11, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ký liền hai sắc lệnh, thực hiện quyết định của Hội đồng An ninh và quốc phòng về việc tung ra các biện pháp trừng phạt đối với 147 cá nhân và 303 pháp nhân có liên quan tiềm năng của Nga.

Theo gói đầu tiên, danh sách các cá nhân bị trừng phạt bao gồm 60 công dân của Nga, Cyprus, Uzbekistan, Belarus, Anh, cũng như những người có hai quốc tịch Nga và Cyprus, Công quốc Liechtenstein và Thụy Sỹ, Áo và Thụy Sỹ, Nga và Đức, Nga và Ukraine.

Theo sắc lệnh của Tổng thống Ukraine, lệnh trừng phạt có thời hạn 10 năm. Kiev cũng bổ sung các cơ chế trừng phạt quốc tế hiện có bằng các biện pháp trừng phạt của riêng mình. Và các nhà chức trách của nước này đang nỗ lực để các biện pháp trừng phạt do các đối tác áp đặt được mở rộng tới những đối tượng chống lại những quyết định liên quan, đã được thông qua ở Ukraine.

Tổng cộng có 210 công ty được đưa vào danh sách đính kèm các pháp nhân bị áp dụng các biện pháp trừng phạt trong thời gian từ 3 đến 10 năm.

Trong danh sách 93 pháp nhân bị trừng phạt, hơn 30 pháp nhân được thành lập ở Liên bang Nga, 18 pháp nhân ở Cyprus, 5 pháp nhân ở UAE, 5 pháp nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ, 2 pháp nhân ở Trung Quốc, một pháp nhân ở Pháp, 2 pháp nhân ở Thụy Sỹ, một ở Quần đảo Cayman, một ở Đảo Man, một ở Cộng hòa Slovakia, một ở Anh, một ở Malta và hai ở Cộng hòa Trung Phi.

(theo Ukrinform)

Minh Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ukraine-o-at-phan-cong-nga-bang-vu-khi-kinh-te-hang-loat-ong-lon-cua-dong-minh-dinh-dan-251237.html