Ukraine nuôi hy vọng hồi sinh siêu vận tải cơ 'giấc mơ' An-225

Ukraine vẫn nôi hy vọng hồi phục dòng vận tải cơ huyền thoại lớn nhất thế giới An-225 biệt danh 'giấc mơ' dù việc này có thể tốn tới hàng tỷ USD.

Với trọng tải cất cánh lên tới 640 tấn, An-225 trở thành chiếc máy bay to lớn nhất mà con người từng chế tạo.

An-225 được coi là kỳ quan công nghệ quân sự của Liên Xô khiến Mỹ và Trung Quốc thán phục.

Antonov An-225 Mriya (tiếng Ukraine: Антонов Ан-225 Мрія, tên ký hiệu của NATO: Cossack) là máy bay vận tải chiến lược do Phòng thiết kế Antonov chế tạo.

Đây là loại máy bay vận tải lớn nhất thế giới, dự án máy bay này được chế tạo vào những năm 80 thế kỷ trước. Mriya trong tiếng Ukraine có nghĩa là "Giấc mơ".

An-225 ban đầu được thiết kế với mục đích chuyên chở tàu con thoi Buran và tên lửa đẩy Energia.An-225 lần đầu ra mắt công chúng ở Triển lãm hàng không Paris năm 1989.

Nhưng phải tới năm 2002, An-225 mới thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên.

Đó là chuyến bay chuyển 216.000 suất ăn có tổng trọng lượng 187,5 tấn từ Đức sang Oman, một quốc gia Trung Đông, cho lính Mỹ đóng quân ở đó.

Máy bay cao 18 m và có sải cánh 88,4 m, khối lượng rỗng 285 tấn và khối lượng cất cánh tối đa 640 tấn.

Phi cơ được lắp 6 động cơ turbine phản lực D-18T với tổng sức đẩy gần 141 tấn.

Khoang chứa hàng của máy bay dài 43 m, rộng 6,4 m và cao 4,4 m, với thể tích lên tới 1.300 mét khối.

An-225 đang giữ 240 kỷ lục hàng không thế giới, trong đó bao gồm kỷ lục về chở khối hàng hóa đơn lẻ nặng tới gần 190 tấn, cũng như tổng tải trọng hàng hóa 253,8 tấn.

Nó cũng là máy bay nặng nhất và có sải cánh lớn nhất trong lịch sử. An-225 có tới 32 chiếc bánh.

Với thân hình đồ sộ, An-225 có thể vận chuyển khối lượng hàng cực lớn, tới 250 tấn ở khoang trong hay 200 tấn ở ngoài thân, và vật vận chuyển ngoài có thể dài tới 70m.

An-225 có thể vận chuyển những đồ vật từng được cho là không thể vận chuyển bằng đường không như đầu xe lửa, máy phát điện nặng tới 150 tấn.

Do là siêu máy bay, nên An-225 không thể cất cánh ở đường băng ngắn và quãng đường chạy đà cần thiết để nó cất cánh là 3.500 m.

Máy bay lớn nhất thế giới An-225 được chế tạo với hai nguyên mẫu, một chiếc đã hoàn thiện và phục vụ trong biên chế của không quân Ukraine

Trong khi nguyên mẫu thứ 2 mới chế tạo được khoảng 70% thì bị dừng lại.

Chiếc An-225 duy nhất hoàn thiện từng là niềm tự hào của không quân Ukraine, cũng như đây là phương tiện bay duy nhất phương Tây buộc phải thuê để chở những vật siêu nặng.

Tuy nhiên đáng tiếc là chiếc An-225 này đã bị phá hủy trong cuộc xung đột tại Đông Âu đang diễn ra.

"Thật đau lòng khi đến đây, chứng kiến máy bay bị hư hại, nhà chứa cũng bị tàn phá", Yevhen Bashynsky, 38 tuổi, cựu phi công của máy bay An-225 cho biết.

Cơ quan An ninh Ukraine hôm 5/4 cho biết nhà chức trách đang tiến hành điều tra về việc cựu giám đốc công ty Antonov đã không ra lệnh sơ tán máy bay đến nơi an toàn ở Đức theo kế hoạch khi chiến sự nổ ra.

Tháng 5 năm ngoái, nhận thấy ý nghĩa biểu tượng quan trọng của An-225 Mriya, Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố Ukraine sẽ hồi sinh vận tải cơ huyền thoại này.

Hàng chục kỹ sư và kỹ thuật viên đã lục tung đống đổ nát còn lại của Mriya tại Hostomel với hy vọng có thể chắt lọc những bộ phận hữu ích.

Theo nhà thiết kế Valerii Kostiuk của Antonov, họ sẽ tháo một bên cánh của máy bay để cố gắng khôi phục nó.

"Máy bay sẽ được trang bị động cơ hiện đại, thiết bị điện tử tiên tiến. Các công ty nổi tiếng sẽ tham gia vào quá trình hồi sinh nó", ông nhấn mạnh.

Không rõ đó là những công ty nào và Ukraine sẽ chi trả ra sao để chế tạo máy bay mới, khi các chuyên gia ước tính chi phí có thể lên đến hàng tỷ USD.

Giám đốc điều hành Antonov Bykovets cũng hiểu rõ rằng đây không phải ưu tiên hàng đầu đối với một đất nước đang bị tàn phá bởi chiến sự.

Dù vậy, ông Bykovets khẳng định công việc vẫn cần được hoàn thành.

"Chiếc vận tải cơ này là biểu tượng của Ukraine. Nó là một biểu tượng giống như tháp Burj Khalifa hay tượng Nữ thần Tự do", Giám đốc điều hành Antonov Bykovets nhấn mạnh.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ukraine-nuoi-hy-vong-hoi-sinh-sieu-van-tai-co-giac-mo-an-225-post536434.antd