Ukraine cải cách: quan chức kê khai tài sản

Thủ tướng Ukraine Volodymyr Groysman làm gương bằng cách tự kê khai tài sản: ông tiết lộ rằng hai vợ chồng hiện sở hữu 1,8 triệu USD tiền mặt. Ông cũng thề rằng sẽ không khoan nhượng với tham nhũng.

BBC News đưa tin ngày 30/10, rằng Groysman được bổ nhiệm làm lãnh đạo chính phủ từ tháng 4. Thủ tướng đồng thời có 100.000 USD trong các tài khoản ngân hàng khác nhau, 15 bất động sản và một bộ sưu tập gồm 12 đồng hồ đắt tiền. Ông công khai một bản danh sách các tài sản của ông cùng lúc với việc Luật Chống tham nhũng mới của Ukraine được ban hành, trong đó buộc các công chức nhà nước cấp cao phải công khai tài sản của họ trên một hệ thống dữ liệu điện tử mới.

Được biết, Groysman đã làm công chức nhà nước được 14 năm. Cuộc cải cách được xem là cần thiết cho chính quyền Kiev nhằm tiếp tục nhận được sự ủng hộ từ các đồng minh phương Tây. Khoảng 50.000 công chức nhà nước cấp cao, bao gồm thẩm phán, chính trị gia và công chức nhà nước sẽ phải công khai tài sản của họ trước Chủ Nhật 30/10.

Trong một thông báo trên tài khoản cá nhân Facebook, Groysman cho rằng "khoản tiết kiệm lớn" này là "tài sản và quyền lợi từ hợp tác kinh doanh cùng với thu nhập từ kinh doanh của vợ ông".

Thủ tướng Volodymyr Groysman thề sẽ không khoan nhượng với tham nhũng. Ảnh: AFP.

Ông không phải là chính trị gia duy nhất tại Ukraine sở hữu lượng tiền mặt lớn như vậy. Một thành viên khác của quốc hội, ông Viktor Romanyuk, cũng đã kê khai rằng ông sở hữu 753.000 USD tiền mặt. Thị trưởng gây tranh cãi của thành phố Kharkov lớn thứ hai của Ukraine, ông Gennadiy Kernes, công khai tài sản hơn 1,6 triệu USD. Ông này đã từng ủng hộ lực lượng ly khai thân Nga ở miền Tây Ukraine năm 2014, nhưng sau đó quay lại ủng hộ chính phủ Ukraine.

Việc kê khai tài sản này sẽ khó mà vực dậy niềm tin nơi người dân vào bộ máy nhà nước Ukraine, nơi mà mức lương tối thiểu hàng tháng chỉ ở mức 56,69 USD Các ngân hàng ở Ukraine không còn là nơi đáng tin cậy để các chính trị gia cấp cao lưu trữ tiền mặt của mình, khi mà bản thân các ngân hàng đang trải qua những cuộc cải cách sâu rộng.

Ông Alexander Valchysen từ tổ chức Quản lý tài sản ICU tại Kiev, cho rằng: "khi cá nhân trữ tiền mặt, có nghĩa họ không tin vào hệ thống tài chính. 'Việc kế toán minh bạch' là cần thiết cho việc thiết lập một nền kinh tế ổn định, ngăn chặn được 'sự gian lận tài chính' và nâng cao sự tín nhiệm của ngân hàng". Tuy nhiên, kế hoạch công khai tài sản tại Ukraine được xem là giải pháp cốt yếu trong việc giải quyết vấn nạn tham nhũng, vốn là e ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Người vô gia cư ở Kiev ngủ trên lề đường phố. Ảnh: AFP

Bà Oleksandra Ustinova từ Trung tâm hành động chống tham nhũng Ukraine, cho biết việc kê khai tài sản là "một cuộc cách mạng", và hy vọng rằng việc này sẽ khiến cho những vụ việc kê khai khả nghi có thể được điều tra và mang ra truy tố. Bà cũng cho biết thêm rằng 500 thẩm phán đã xin từ chức, thay vì tiến hành kê khai tài sản, và tin rằng một tòa án chống tham nhũng đóng vai trò thiết yếu nếu Ukraine muốn cải cách triệt để, bắt đầu việc truy tố các quan chức tham nhũng.

Bản dự thảo luật cho việc thành lập tòa án như vậy được trông đợi sẽ được Quốc hội Ukraine thông qua vào những tuần tới. Không có bằng chứng nào cho thấy những chính trị gia có tên trong danh sách đã vi phạm pháp luật. Và kê khai tài sản trên mạng có thể xoa dịu những người ủng hộ Ukraine ở Washington và các nước Tây Âu.

Đại sứ Anh tại Kiev Judith Gough, đã đăng trên Twitter rằng sự kê khai tài sản của Thủ tướng Groysman là một "bước đi quan trọng". Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko - “Vua Chocolate”, một trong những người giàu nhất Ukraine, vẫn đang trong quá trình kê khai tài sản của mình. Người phát ngôn tổng thống thông báo rằng việc kê khai sẽ được hoành thành trước hạn cuối là Chủ Nhật 30/10. Trước khi trở thành Tổng thống Ukraine Poroshenko có được khối tài sản đáng kể do việc kinh doanh chocolate mang lại.

Lê Miên Tường (Theo BBC)

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/ukraine-cai-cach-quan-chuc-ke-khai-tai-san-d48937.html