Ukraine - 31 năm độc lập, 6 tháng xung đột và một tương lai bất định

Được trang bị vũ khí sát thương ngày càng tăng từ Mỹ và các đồng minh khác, Ukraine đôi khi có thể giành thế chủ động và gây bất ngờ cho các lực lượng Nga. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu điều đó có thể kéo dài bao lâu?

Trong diễn biến cuộc xung đột Nga-Ukraine hiện nay, khu vực nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia có nguy cơ gây tai họa nhiều nhất. (Nguồn: AFP)

Trong diễn biến cuộc xung đột Nga-Ukraine hiện nay, khu vực nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia có nguy cơ gây tai họa nhiều nhất. (Nguồn: AFP)

Người dân Ukraine vừa đón một Ngày Độc lập ảm đạm (ngày 24/8) bằng dấu mốc 6 tháng xung đột với Nga, khiến hàng nghìn người phải bỏ mạng và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Trong không khí trầm lặng, pha lo sợ của ngày kỷ niệm 31 năm Độc lập, chính quyền Kiev ra lệnh cấm tụ tập đông người ở thủ đô Kiev và thành phố Kharkiv, đồng thời yêu cầu người dân trú ẩn trong nhà.

Về cuộc xung đột Nga-Ukraine, Trung tướng Mark Hertling, cựu chỉ huy quân đội châu Âu của Mỹ nhận định: “Động lực của cuộc xung đột đang thay đổi”. Được trang bị vũ khí sát thương ngày càng tăng từ Mỹ và các đồng minh khác, Ukraine đôi khi có thể giành thế chủ động và gây bất ngờ cho các lực lượng Nga.

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu điều đó có thể kéo dài bao lâu hoặc liệu Ukraine có thể gây dựng dựa trên những chiến thắng cục bộ đó để quyết định diễn biến của cuộc xung đột hay không.

Ông Daniel Serwer, một thành viên cấp cao tại Viện Chính sách đối ngoại có trụ sở tại Washington (Mỹ), chuyên gia nghiên cứu về chiến tranh, dự báo: “Cuộc xung đột còn lâu mới kết thúc. Ukraine đang thiếu quân để tiến hành một cuộc tấn công thông thường, nhưng đang sử dụng nguồn vũ khí như pháo, máy bay không người lái, tên lửa chống tăng và các khí tài khác từ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để phản công người Nga và đánh chặn các đường tiếp tế của họ".

NATO vẫn cam kết tiếp tục hỗ trợ. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg mới đây gọi cuộc xung đột là một “trận chiến của ý chí”. Trong những tuần gần đây, các vụ nổ gần các kho chứa nhiên liệu và các địa điểm chiến lược khác ở Crimea đã khiến quân chiếm đóng của Nga giật mình và nhường chỗ cho suy đoán rằng, Ukraine đang tung ra những đòn đầu tiên trong một cuộc phản công.

Tuy nhiên, về độ nguy hiểm, khu vực xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, mà các lực lượng Nga đã sớm kiểm soát (từ 3/2022) mới là một trong những mặt trận bị đánh giá có khả năng gây hiểm họa nhất trong cuộc xung đột quân sự đang diễn ra dữ dội ở miền Nam Ukraine.

Các chuyên gia giám sát năng lượng hạt nhân của Liên hợp quốc (LHQ) lo ngại các cuộc tấn công của Nga, hoặc sự bắn trả của Ukraine có thể phá hủy hạ tầng, giải phóng bức xạ khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng.

Tiếc rằng, cuộc họp của Hội đồng Bảo an (HĐBA) về tình hình Zaporizhzhia lại trở thành "sân khấu" cho các chỉ trích qua lại giữa Nga với Ukraine và những nước ủng hộ Kiev.

"Như chúng tôi đã cảnh báo, Ukraine, các quốc gia láng giềng và toàn bộ cộng đồng quốc tế đang sống dưới mối đe dọa của một thảm họa hạt nhân", Phó Đại sứ Mỹ tại LHQ Richard Mills đã phát biểu trong một cuộc họp đặc biệt của HĐBA hôm thứ Ba (23/8).

“Mọi người có thể thấy, đây là nguy cơ về một thảm họa có thật!” ông Richard Mills nhấn mạnh.

Trong khi đó, ngày 22/8, hãng thông tấn RIA dẫn lời Phó Đại sứ Nga tại LHQ Dmitry Polyanskiy cho biết, chính Moscow là bên đã yêu cầu HĐBA tổ chức cuộc họp trên, để thảo luận về những nguy cơ do pháo kích gần nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia trong mấy tuần qua.

Tại cuộc họp, Đại sứ Nga tại LHQ Vasily Nebenzya nêu rõ, "tình hình an toàn hạt nhân ngày càng xấu đi", ông lên tiếng cáo buộc các lực lượng Ukraine tấn công vào phạm vi thuộc nhà máy Zaporizhzhia và thị trấn Enerhodar mỗi ngày, làm tăng nguy cơ xảy ra thảm họa hạt nhân.

Đại sứ Nebenzya cũng giơ một bức ảnh để chứng minh mức độ tàn phá của các đợt pháo kích và chỉ trích phương Tây khi cáo buộc Nga tấn công một nhà máy điện hạt nhân được chính quân đội Nga "bảo vệ".

Đại sứ Nga tại LHQ Vasily Nebenzya khẳng định, Moscow sẵn sàng để các thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đến Zaporizhzhia để biết "thực tế chính xác".

Trước đó, các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine nhằm phi quân sự hóa khu vực này và trao quyền tiếp cận cho LHQ đã sụp đổ vào tuần trước. Washington cũng đã chính thức triệu tập và trừng phạt Đại sứ Nga tại Mỹ vì lý do Moscow đã “coi thường an toàn hạt nhân một cách liều lĩnh".

Về phía Mỹ, trong tình hình rối ren này, vào cuối tuần trước, Washington tiếp tục công bố một gói hỗ trợ mới trị giá gần 800 triệu USD, bao gồm các máy bay không người lái giám sát thu thập thông tin tình báo, các thiết bị báo động và cơ động cao, xe bọc thép chống bom phá mìn. Ngoài ra, lần đầu tiên có sự phân bổ các hệ thống tên lửa chống tăng TOW tinh vi.

Như vậy, tổng cộng Mỹ đã chi khoảng 10 tỷ USD viện trợ cho Ukraine kể từ khi Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền.

Thông tin từ Lầu Năm Góc cho biết, các nguồn cung cấp quân sự sẽ đặc biệt hữu ích ở các vùng lãnh thổ phía Nam và phía Đông Ukraine, nơi quân đội Nga đã giăng bẫy mìn, còn chính phủ của Tổng thống Zelensky muốn thúc đẩy một loạt cuộc phả công để giành lại các thành phố và thị trấn.

Hành động quân sự như vậy có thể sẽ đòi hỏi chiến đấu ở cự ly gần hơn so với những gì thường diễn ra cho đến nay, cũng như kích nổ mìn trên diện rộng.

Ông Hertling, vị tướng về hưu và cũng là nhà phân tích thường xuyên của tờ CNN đánh giá, một cuộc phản công lớn của Ukraine khó có thể tiếp diễn với những hạn chế, trong khi nguy cơ Nga mở rộng lực lượng, đặc biệt là sức mạnh không quân lớn hơn, nếu phản công thiếu hiệu quả. Nhưng theo ông, điều đó cũng không có nghĩa là Ukraine không đạt được tiến bộ.

Dư luận Mỹ cũng như các phản ứng trong Quốc hội nước này nhìn chung tích cực đối với việc Tổng thống Biden xử lý cuộc xung đột Nga-Ukraine, các biện pháp trừng phạt của chính quyền Washington đối với Moscow và khả năng vận động một liên minh quốc tế lớn ủng hộ.

Tuy nhiên, hiện khả năng đối đầu của Ukraine phần lớn phụ thuộc vào quyết tâm của các đồng minh châu Âu - và quyết tâm đó có thể sẽ bị thử thách nghiêm trọng vào thời điểm mùa Đông bắt đầu - khi họ rất cần dầu của Nga để giữ ấm.

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã cản trở một số hoạt động xuất khẩu của Nga và giá dầu và xăng trên toàn thế giới đã tăng đáng kể trước khi bắt đầu ổn định. Các nhà phân tích cảnh báo, nhu cầu năng lượng lớn vào mùa Đông tới có thể khiến giá cả tăng vọt trở lại. Còn Nga vẫn đang nắm trong tay nguồn cung cấp khí đốt cho các đối thủ châu Âu.

(theo LA Times, Reuters)

Minh Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ukraine-31-nam-doc-lap-6-thang-xung-dot-va-mot-tuong-lai-bat-dinh-195704.html