Úc quyết định tiếp tục hợp đồng thuê cảng Darwin 99 năm với Trung Quốc

Cảng Darwin có tầm quan trọng chiến lược là nơi Thủy quân Lục chiến Mỹ luân chuyển hàng năm như một phần trong chiến lược xoay trục sang châu Á của Washington.

Chính phủ liên bang Úc (Australia) đã quyết định không hủy hợp đồng thuê 99 năm của một công ty Trung Quốc đối với Cảng Darwin có tầm quan trọng chiến lược, bất chấp lo ngại của Washington về nguy cơ các lực lượng Mỹ và Australia đóng quân gần đó bị do thám.

Quyết định trên được đưa ra sau cuộc đánh giá về hợp đồng thuê cảng giữa chính quyền Lãnh thổ Bắc Úc và Landbridge Industry Australia, một công ty con của Tập đoàn Shandong Landbridge có trụ sở tại Nhật Chiếu, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, trong một thỏa thuận trị giá 506 triệu đô Úc (390 triệu USD) vào năm 2015.

Văn phòng Thủ tướng và Nội các Úc hôm 20/10 cho biết, cuộc đánh giá cho thấy các biện pháp giám sát và quản lý hiện tại là đủ để quản lý rủi ro đối với các cơ sở hạ tầng quan trọng như Cảng Darwin.

“Người Úc có thể tin tưởng rằng sự an toàn của họ sẽ không bị xâm phạm, đồng thời đảm bảo rằng Úc vẫn là điểm đến cạnh tranh cho đầu tư nước ngoài”, Văn phòng Thủ tướng và Nội các Úc cho biết trong một tuyên bố.

Quyết định được đưa ra trước khi Thủ tướng Úc Anthony Albanese bay đến Washington, D.C. vào tuần tới để gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ông Albanese cũng có kế hoạch sớm trở thành Thủ tướng Úc đầu tiên đến thăm Trung Quốc sau 7 năm.

Landbridge cho biết trong một tuyên bố rằng họ hy vọng quyết định trên sẽ chấm dứt những lo ngại về an ninh.

Nhưng ông Neil James, Giám đốc Điều hành của Hiệp hội Quốc phòng Úc – một tổ chức nghiên cứu, cho biết cách duy nhất để tránh rủi ro là ngay từ đầu không có hợp đồng thuê và nếu đã nhỡ cho thuê rồi thì chính quyền nên “cắn răng hủy nó”.

Một máy bay ném bom của Không quân Mỹ hạ cánh xuống căn cứ ở Darwin, Bắc Úc, vào năm 2018. Ảnh: Sydney Morning Herald

Vào thời điểm cách đây 8 năm, theo chính quyền địa phương, Landbridge đã trả giá cao hơn 32 nhà đầu tư tư nhân tiềm năng khác cho cơ sở hạ tầng cảng cũ kỹ ở miền Bắc Úc, nơi 3 năm trước đó Thủy quân Lục chiến Mỹ bắt đầu luân chuyển hàng năm như một phần trong chiến lược xoay trục sang châu Á của Washington.

Một tháng sau khi thỏa thuận được công bố, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Barack Obama đã chỉ trích Thủ tướng Úc khi đó là ông Malcolm Turnbull trong một cuộc gặp ở Philippines về việc thiếu tham vấn với Mỹ.

Ông Obama nói với ông Turnbull rằng lẽ ra Washington phải được “cảnh báo trước về những vấn đề như thế này” và yêu cầu lần sau chớ có lặp lại như vậy, tờ The Australian Financial Review đưa tin.

Ông Turnbull nói với các phóng viên rằng việc tư nhân hóa cảng không phải là bí mật. “Việc các nhà đầu tư Trung Quốc quan tâm đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở Úc cũng không phải là điều gì bí mật”, ông cho biết.

“Và theo luật của chúng tôi, Bộ Quốc phòng hoặc Chính phủ liên bang có thể can thiệp và kiểm soát cơ sở hạ tầng như thế này trong những trường hợp được coi là cần thiết cho mục đích phòng thủ”, ông Turnbull bổ sung.

Bộ Quốc phòng Úc và Cơ quan Tình báo An ninh Úc kể từ đó đã công khai ủng hộ hợp đồng được ký kết vào năm 2015, tức 1 năm sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Úc trong thời điểm quan hệ song phương đang ở giai đoạn cao trào.

Mối quan hệ Trung-Úc đã giảm mạnh kể từ đó, mặc dù đã có dấu hiệu ổn định kể từ cuộc bầu cử Chính phủ Úc hiện tại.

Một ủy ban của Quốc hội Úc đã khuyến nghị vào năm 2021 rằng chính phủ khi đó nên xem xét khôi phục quyền kiểm soát cảng của Úc nếu hợp đồng thuê trái với lợi ích quốc gia. Chính phủ Úc phản ứng bằng cách tổ chức cuộc đánh giá nói trên và không tìm thấy căn cứ nào để chấm dứt hợp đồng thuê.

Nhưng Ủy ban Đánh giá Đầu tư Nước ngoài – cơ quan quản lý liên bang về quyền sở hữu nước ngoài, đã giành được quyền hạn mới để ngăn chặn các giao dịch tương tự trong tương lai.

Minh Đức (Theo The Independent, Al Jazeera)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/uc-quyet-dinh-tiep-tuc-hop-dong-thue-cang-darwin-99-nam-voi-trung-quoc-a632033.html