Úc khai tử ngành công nghiệp ô tô 100 năm tuổi

Ngành công nghiệp ô tô Úc với bề dày lịch sử hơn 100 năm vừa đi đến hồi kết sau khi nhà máy lắp ráp ô tô cuối cùng ở nước này đóng cửa, theo hãng tin NBC News.

Chiếc sedan thương hiệu Holden Commodore cuối cùng được xuất xưởng ở nhà máy của General Motors Holden. Ảnh: Facebook

Hãng xe cuối cùng ngưng hoạt động

Hôm 20-10, General Motors Holden (công ty con của hãng General Motors), hãng sản xuất xe cuối cùng ở Úc ngưng hoạt động động khi dây chuyền lắp ráp ô tô ở nhà máy của hãng này ở ngoại ô thành phố Adelaide, bang Nam Úc, xuất xưởng chiếc sedan thương hiệu Holden Commodore cuối cùng.

Trước đó nhiều hãng ô tô khác như Nissan, Mitsubishi, Ford,Toyota, cũng lần lượt chấm dứt hoạt động tại Úc.

Trong lịch sử hoạt động gần 70 năm kể từ ngày xuất xưởng chiếc ô tô do Úc thiết kế đầu tiên mang thương hiệu FX Holden vào năm 1948, General Motors Holden đã đưa ra thị trường gần 8 triệu chiếc ô tô.

Vào thời hoàng kim, ngành công nghiệp ô tô Úc sản xuất gần 500.000 ô tô mỗi năm và thậm chí vào đầu thập kỷ này, các hãng ô tô bao gồm General Motors tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu xe “made in Australia” sang các nước như Mỹ. Song khi chi phí sản xuất ngày càng tăng và chính phủ Úc quyết định chấm dứt các khoản trợ cấp, các hãng ô tô lần lượt đóng cửa các nhà máy tại nước này

“Việc chấm dứt sản xuất xe Holden ở Úc là một ngày rất buồn đối với công nhân và đối với mọi người dân Úc. Đây là ngày chấm dứt một kỷ nguyên”, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull nói.

“Chúng ta không chỉ mất đi một thương hiệu xe, chúng ta không chỉ mất đi một năng lực công nghiệp. Chúng ta đang mất đi một biểu tượng và đó là một thảm kịch”, nghị sĩ đảng Lao động Nick Champion, người đại diện cho khu vực cử tri nơi nhà máy của General Motors Holden tọa lạc, chua xót nói.

Holden, biểu tượng tự hào của nước Úc

Logo của hãng xe General Motors Holden ở nhà máy của hãng này tại vùng ngoại ô thành phố Adelaide, bang Nam Úc. Ảnh: Reuters

Ô tô sớm được đón nhận ở Úc cách đây hơn một thế kỷ khi lượng dân số còn tương đối ít và phân bố rải rác khắp lục địa Úc rộng lớn. Chiếc ô tô chạy bằng động cơ hơi nước đầu tiên ở Úc được sản xuất vào năm 1896. Chiếc ô tô chạy bằng động cơ xăng đầu tiên ở Úc có tên gọi Tarrant được lắp ráp ở Melbourne vào năm 1901.
Ford là hãng xe nước ngoài gia nhập thị trường Úc sớm nhất với quyết định thành lập công ty con Ford Australia tại thành phố Geelong, bang Victoria vào năm 1925. Trong khi đó, General Motors Holden là hãng sản xuất ô tô hàng loạt do Úc thiết kế đầu tiên ở Úc. Công ty Holden, được thành lập năm 1856, ban đầu là hãng sản xuất yên ngựa nhưng sau đó chuyển sang sản xuất ô tô vào năm 1908. General Motors thâu tóm Holden vào năm 1931 và chính thức sản xuất xe mang thương hiệu Holden riêng của Úc trên dây chuyền hàng loạt vào năm 1948.

Holden được xem là một thương hiệu biểu tượng của Úc, niềm tự hào quốc gia của người dân Úc trong nhiều thế hệ. Được gọi là “xe Úc”, các dòng xe mang thương hiệu Holden từng chiếm hơn 50% lượng xe đăng ký mới ở Úc vào năm 1958.

Hãng xe General Motors Holden đã thúc đẩy lượng xe sản xuất tại Úc lên đỉnh điểm vào năm 1970 với khoảng 475.000 chiếc. Tuy nhiên, lượng xe sản xuất trong nước bắt đầu suy giảm dần trong thiên niên kỷ mới và tụt xuống còn 167.538 chiếc vào năm 2015 khi các hãng xe nước ngoài tháo chạy khỏi Úc để xây dựng các nhà máy mới ở các thị trường mới nổi như Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ và Trung Quốc, những nơi có chi phí sản xuất thấp hơn.

Đối với nhiều người, sự kết thúc của kỷ nguyên ngành công nghiệp ô tô của Úc đã được báo hiệu sớm khi hãng Ford đóng cửa nhà máy cuối cùng tại Úc vào tháng 10-2016 sau 91 năm hoạt động. Toyota cũng vừa đóng cửa nhà máy lắp ráp ô tô tại Úc vào hồi đầu tháng 10.

200.000 việc làm bị mất

“Chúng ta chưa từng chứng kiến sự sụp đổ của toàn bộ một ngành công nghiệp trong lịch sử gần đây nhưng điều đó đang xảy ra ở Úc”, John Spoehr, giáo sư ở Đại học Adelaide, nói với hãng tin AP khi Toyota chấm dứt sản xuất tại Úc. Spoehr là đồng tác giả của một nghiên cứu ước tính rằng sự chấm dứt hoạt động sản xuất ô tô ở Úc sẽ khiến nước này mất 200.000 việc làm có thu nhập tốt.

Spoehr cho biết General Motors Holden đã cam kết bơm khoản đầu tư khoảng một tỉ đô la vào nền kinh tế Nam Úc và sự ra đi này “sẽ để lại lỗ hổng kinh tế thực sự lớn”.

Nhà máy của General Motors Holden đóng cửa khiến 995 công nhân mất việc. “Thực sự là điều bi kịch khi chúng tôi có lẻ để mất một trong những hãng xe tốt nhất thế giới”, Kane, một công nhân sơn, người làm việc ở nhà máy này trong 16 năm qua, nói.

Kane sẽ bắt đầu công việc mới ở hãng sản xuất máy điều hòa nhiệt độ nhưng anh biết rằng những công nhân khác của Holden sẽ không thể tìm việc nhanh chóng. Hàng ngàn người lao động khác trong các công ty cung cấp phụ tùng và linh kiện cho các hãng ô tô ở Úc cũng đứng trước nguy cơ mất việc.

Cú sụp đổ của ngành công nghiệp ô tô của Úc dẫn đến những lời đổ lỗi. Nhiều người cho rằng nguyên nhân của cú sụp đổ này là năm 2013, chính quyền liên bang chấm dứt các chính sách ưu đãi hào phóng mà các hãng ô tô xem là cái phao cần thiết để hỗ trợ các nhà máy đang thua lỗ.

Song cũng có nhiều ý kiến chỉ trích rằng các công đoàn đẩy cao lương công nhân giữa lúc nguồn lao động giá rẻ đang dồi dào ở các thị trường châu Á lân cận.

Về phần mình, Thủ tướng Malcolm Turnbull đổ lỗi người tiêu dùng quay lưng với ngành công nghiệp ô tô nước nhà. “Mọi người ngưng mua các chiếc sedan được sản xuất tại Úc. Các nhà sản xuất dần ngưng hoạt động ở Úc cho thấy rõ một điều rằng đó không phải là sự thất bại của các chính sách trợ cấp từ chính phủ”, ông nói.

Nguyên nhân khác khiến ngành công nghiệp ô tô trong nước của Úc bị khai tử có thể bao gồm thuế nhập khẩu ô tô của Úc giảm mạnh do hiệp định thương mại tự do song phương với các nước sản xuất ô tô như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan và Malaysia có hiệu lực trong những năm gần đây.

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/165807/uc-khai-tu-nganh-cong-nghiep-o-to-100-nam-tuoi.html