UBTV Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi)

(VOV) - Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) bao gồm 9 chương, 58 điều, giảm 1 chương về khen thưởng và xử lý vi phạm, nhưng tăng thêm 34 điều so với Luật hiện hành.

Tiếp tục phiên họp thứ 35, sáng 4/10, Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên chủ trì phiên họp. Dự thảo luật có những nội dung mới: Quy định rõ hơn về bản chất, tổ chức hợp tác xã; Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng tham gia Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã; Bảo đảm của nhà nước đối với Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã; Một số quy định bổ sung về thủ tục hành chính và Sửa đổi, bổ sung một số quy định về tổ chức, quản lý, tài chính Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã. Thảo luận tại phiên họp, các thành viên UBTV Quốc hội tán thành sự cần thiết phải ban hành Luật Hợp tác xã (sửa đổi) do Luật Hợp tác xã hiện nay vẫn còn 1 số hạn chế như: chưa làm nổi bật tính chất phục vụ xã viên của tổ chức hợp tác xã; các quy định về chính sách ưu đãi, hỗ trợ, quản lý nhà nước, thanh tra, giám sát…còn thiếu hoặc chưa được hướng dẫn thực hiện. Đồng thời cho rằng, với những nội dung không thực sự có tính chất đặc thù thì không cần quy định lại mà có thể dẫn chiếu theo quy định đã ghi tại các Luật khác. Các thành viên UBTV Quốc hội đồng tình với việc phân phối lợi nhuận của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải dựa trên mức độ đóng góp của từng xã viên và phần còn lại chia cho xã viên theo mức độ sử dụng dịch vụ của hợp tác xã. Theo đó, xã viên vừa là chủ sở hữu, vừa là khách hàng của hợp tác xã. Xã viên càng tiêu thụ nhiều sản phẩm, dịch vụ thì doanh thu và lợi nhuận của Hợp tác xã càng tăng theo. Vì vậy, nhiều đại biểu nhấn mạnh việc quy định tỷ lệ cứng cho việc phân phối theo mức độ sử dụng dịch vụ và vốn góp, để đảm bảo hợp tác xã tổ chức và hoạt động theo đúng bản chất. Đồng thời cũng phải có quy định cụ thể đối với trường hợp xã viên đóng góp đất đai vào Hợp tác xã. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng: “Phân phối phải theo hình thức hết sức đa dạng, theo lao động, nhưng cũng có những yếu tố phải phân phối theo vốn góp, kể cả tài sản và đất đai đóng góp. Người nông dân sợ nhất hiện nay là nếu nộp đất vào hợp tác xã thì sau này không rút ra được nữa. Cho nên người dân muốn sổ đỏ (giấy sở hữu đất) họ vẫn cầm, nhưng góp ruộng vào với hợp tác xã. Vì thế, hợp tác xã nên có một cơ chế nào đó phân chia lợi nhuận, nếu góp nhiều đất thì được hướng phân phối trên cơ sở đất đã góp. Tôi cho rằng, chúng ta nên suy nghĩ thêm một số nguyên tắc trong một số điều của Luật này”. Về điều kiện trở thành thành viên hợp tác xã, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội – ông Hà Văn Hiền cho rằng, cần bổ sung vào phần giải thích từ ngữ như thế nào là hợp tác xã được thành lập nhằm tạo việc làm cho thành viên và đối với hợp tác xã dịch vụ cũng cần làm rõ khái niệm đầu vào và đầu ra. Từ đó xem xét quy định cụ thể về nghĩa vụ sử dụng dịch vụ đầu vào, đầu ra, tính liên tục của việc sử dụng dịch vụ và giá trị tối thiểu của khối lượng dịch vụ xã viên phải sử dụng. Một vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau là về việc Hợp tác xã được thành lập công ty, góp vốn, mua cổ phần. Ý kiến thứ nhất cho rằng, Hợp tác xã, Liên minh Hợp tác xã được quyền thành lập Công ty TNHH một thành viên, góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, ý kiến khác lại cho rằng, nếu cho phép Hợp tác xã thành lập Công ty, góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp khác có thể làm hợp tác xã xa rời bản chất và mục đích hoạt động, đồng thời tăng thêm rủi ro cho hoạt động Hợp tác xã. Chiều cùng ngày, UBTV Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Lưu trữ./. Lại Hoa-Minh Châm

Nguồn VOV: http://vovnews.vn/home/ubtv-quoc-hoi-thao-luan-ve-du-thao-luat-hop-tac-xa-sua-doi/201010/156550.vov