Tỷ phú người Mông trên đỉnh Thẳm Tạp

Người dân bản trìu mến gọi ông Lỳ Nỏ Pó (SN 1961, trú bản Minh Châu, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, Nghệ An) là 'tỷ phú người Mông'. Điều khiến nhiều người ngạc nhiên và thấy kỳ lạ là 25 tuổi ông Pó mới đi học chữ, từ đó ông biết làm giàu trên mảnh đất đầy khó khăn, quanh năm mù sương này.

25 tuổi đi tìm con chữ

Khi hỏi về mô hình làm giàu ở xã biên giới Tri Lễ, ông Hà Văn Cương – Phó bí thư Đảng ủy xã Tri Lễ nói ngay: "Địa bàn chỉ có ông Lỳ Nỏ Pó là điển hình với mô hình chăn nuôi trang trại lớn nhất của xã với gần 100 con trâu, bò, ngựa".

Nói xong, ông Cương dẫn chúng tôi đến ngay hội trường bản Minh Châu, xã Tri Lễ – nơi ông Pó đang họp chi bộ. "Đến ngay, bởi khi họp xong ông Pó lại "phi" lên trang trại trên đỉnh núi mù sương, rồi ông vào rừng vỗ về đàn trâu bò vừa xa lại vừa khó gặp. Ông ấy chăm đàn bò lắm. Cứ rong ruổi trên 10 héc-ta khoanh nuôi trên núi Thẳm Tạp" – ông Cương vừa nói vừa giục chúng tôi nhanh chân.

Ông Lỳ Nỏ Pó say sưa kể về việc phát triển đàn trâu bò của mình.

Ông Lỳ Nỏ Pó say sưa kể về việc phát triển đàn trâu bò của mình.

Đến hội trường bản Minh Châu, ông Cương chạy vào kéo ngay ông Pó ra phía ngoài giới thiệu "Đây là tỷ phú người Mông trên đỉnh Thẳm Tạp". Nhìn ông Pó chúng tôi bất ngờ bởi dáng người ông nhỏ nhưng rắn rỏi. Ông mặc chiếc áo khoác mỏng cũ màu, chân đi đôi dép lê. "Ta làm gì mà tỷ phú. Ta chỉ có gần 100 con bò, trâu, ngựa thôi. Giờ ở xã nhiều người cùng ta làm trang trại cả mà", ông Pó ngại ngùng khi được gọi là tỷ phú.

Rồi ông kể, trước ở bản Nậm Tột nhà ta cũng nghèo lắm, cả tháng trời nhiều khi không có hạt gạo mà ăn. Rau rừng, măng với củ sắn là thức ăn chính của cả nhà. Cũng chính vì nghèo mà ông Pó quyết không lấy vợ sớm như các thanh niên người Mông ở vùng cao này. Bởi ông Pó biết rõ lấy vợ khi mình chưa đủ ăn thì sống sao được. Đến khi trong tay có ít nương rẫy, ông mới quyết định cưới vợ. Lúc đó, hai vợ chồng đều trên 18 tuổi là cặp đôi được gọi là "ế" ở bản.

Lấy vợ rồi sinh liền 2 đứa con khiến ít nương rẫy của ông Pó không đủ nuôi sống gia đình. Rồi một đêm, ông bàn với vợ phải "tìm, học được cái chữ mới thay đổi được, mới hy vọng làm giàu trên mảnh đất đầy khó khăn này". Nghe chồng tâm sự, suốt đêm đó, vợ ông Pó không ngủ được với bao suy nghĩ khi một mình phải gồng gánh 2 đứa con, rồi còn nương rẫy… Nhưng rồi vợ ông cũng đồng ý.

Năm 1986, ông Pó vác trên vai ít cân gạo lẫn "nước mắt" của vợ rồi vượt núi rừng xuống trung tâm xã theo học lớp xóa mù chữ. "Ta vẫn còn nhớ mãi hình ảnh vợ ngồi khóc, vét từng hạt gạo cho ta đi học. Bởi thế, không học được chữ ta có lỗi với vợ lắm", ông Pó trầm ngâm.

Ông Pó bên đàn gia súc.

Ông Pó bên đàn gia súc.

Học xong tiểu học, biết đọc các con chữ nhưng ông vẫn quyết tâm xuống Trung tâm giáo dục thường xuyên của huyện để học thêm nữa. Ông Pó kể: "Đi học lên lại thêm gánh nặng cho vợ. Chưa kể đường sá xa xôi, mà thời đó xe cộ chưa có. Nhưng ta bất ngờ khi định nói với vợ thì vợ lại mở lời trước "anh cố học thêm để biết cách chăn nuôi trên núi đá"".

Thế là ông Pó học đến lớp 7. Nhưng việc học của ông phải dừng lại khi người vợ trở dạ, phải nhập viện cấp cứu vì sinh khó. Ông Pó nghĩ, vợ vất vả, con lại nhỏ yếu nên quyết nghỉ học để về chăm vợ, chăm con. "Tiếc lắm chứ nhưng không còn cách nào khác. Với lại ta cũng đọc thông viết thạo và biết thêm rất nhiều kiến thức về chăn nuôi sau 2 năm ở dưới huyện", ông Pó kể.

Một góc trang trại của ông Pó trên đỉnh Thẳm Tạp.

Một góc trang trại của ông Pó trên đỉnh Thẳm Tạp.

Biết con chữ, nên ông Pó được tín nhiệm, bầu làm Bí thư Đoàn thanh niên kiêm Trưởng bản Phà Khốm. Năm 1996, ông vinh dự được kết nạp vào Đảng. Bước ngoặt đến với ông khi năm 1999, Ngân hàng Chính sách xã hội có chương trình vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế.

Biết tin đó, ông chạy ngay về nhà bàn với vợ sẽ vay vốn để làm ăn. Nghe vậy, vợ ông Pó lo lắng: "Vay tiền thì có trả được không?". "Vay để nuôi bò, ta sẽ trồng thêm cỏ không lo bò đói, chết mô. Ta đọc kỹ cách nuôi bò rồi", ông Pó quả quyết.

Bàn xong, hai vợ chồng liều làm hồ sơ vay 5 triệu, mua 2 con bò nhỏ. Dắt bò trên núi, tay ông Pó run run cột chặt bò vào gốc cây và bắt đầu nghĩ cách làm giàu.

Tỷ phú trên núi Thẳm Tạp

Từ 2 con bò đó nó đẻ thêm bê con. Cứ như thế dần dần đàn bò của ông ngày một tăng lên. "Cái quan trọng là phải sát sao chăm sóc bò. Có như thế bò mới mau lớn. Khi nó lớn ta bán con to mua thêm 2 con nhỏ. Đó là cách ta tăng nhanh đàn bò. Phải chịu khó như rứa mới được" – ông Pó nói.

Ông Pó hiện có hơn 100 con bò, trâu, ngựa.

Ông Pó hiện có hơn 100 con bò, trâu, ngựa.

Nhìn ra xa ông Pó kể thêm, có thời điểm giáp Tết, trời rét cắt da cắt thịt mà lúc đó đàn bò của ta thả rông trong rừng, không có chỗ nuôi nhốt, che chắn nên bị chết gần 20 con. Xót xa lắm. Sau đợt đó, ông Pó quyết làm chuồng, làm mái che và đốt lửa sưởi ấm cho bò. Rồi ông tranh thủ tham dự các lớp khuyến nông, học hỏi thêm về cách thức chăm sóc đàn gia súc. Đều đặn mỗi năm ông tiêm phòng cho đàn trâu bò của mình 2 lần, bổ sung muối vào thức ăn để tăng sức đề kháng.

Đến khâu thức ăn cũng phải chủ động trong mùa rét. Ông nghĩ ngay đến cỏ voi. Cái giống cỏ dễ trồng lại nhanh lớn. Từ đó, ông Pó dành một diện tích lớn để trồng loại cỏ này cạnh chuồng trại. Có chuồng trại, có cỏ rồi ông nghĩ ngay đến khâu giống. "Muốn có trâu, bò tốt thì phải có giống tốt. Cho nên cứ ba, bốn năm là phải thay con đực một lần. Chưa hết, phải chia thành nhiều đàn nhỏ. Mỗi đàn chỉ có 1-2 con bò đực. Mà phải là bò đực to, khỏe, như thế mới tốt giống" - ông Pó chia sẻ và cho biết thêm, hiện tổng đàn trâu, bò, ngựa của ông lên đến hơn 100 con. Mỗi năm gia đình xuất bán từ 15 - 20 con trâu, bò, ngựa, đem lại thu nhập từ 300-400 triệu đồng. Ông cũng là một trong những hộ hiếm hoi của xã Tri Lễ đã thực hiện thành công việc bảo tồn giống gen quý hiếm đàn bò Mông, ngựa Mông của dân tộc mình.

Ông Pó hướng dẫn bà con kinh nghiệm cách chăm sóc và cách gia tăng đàn gia súc.

Ông Pó hướng dẫn bà con kinh nghiệm cách chăm sóc và cách gia tăng đàn gia súc.

Khi đã có đủ cái ăn, cái mặc, gia đình ông Lỳ Nỏ Pó hướng tới việc hỗ trợ và giúp đỡ bà con còn khó khăn trên địa bàn. Ông đã vận động hỗ trợ, giúp đỡ, cho vay không lãi đối với các hộ gia đình nghèo. Ông tận tình giúp đỡ từ khâu lựa chọn đất hoang để khoanh vùng chăn nuôi đến chọn con giống sao cho có năng suất cao để tạo nguồn thu nhập cho đồng bào. Rồi ông vận động các hộ gia đình tập trung bảo vệ cây, con giống. Hướng dẫn bà con cách tiêm phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc. Đến nay, nhiều gia đình trong xã đã biết nuôi và phát triển đàn trâu, bò, từ đó có thu nhập tốt, thoát nghèo.

Ông Pó – người có cái nhìn vượt núi

Ông Hà Văn Cương - Phó Bí thư Đảng ủy xã Tri Lễ, huyện Quế Phong (Nghệ An) nhấn mạnh: "Ông Pó là người có cái nhìn vượt núi để làm giàu. Giờ trang trại của ông Pó có quy mô tổng đàn nhiều nhất xã, có thời điểm lên tới hơn 100 con gia súc các loại. Không chỉ làm kinh tế giỏi, được báo cáo điển hình tại hội nghị nông dân giỏi toàn tỉnh, ông Pó nhiều năm liền được công nhận là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Quý hơn nữa, không chỉ biết làm giàu cho bản thân, ông Pó còn là người đi truyền kinh nghiệm, tạo nguồn vốn vay giúp đỡ nhiều hộ dân trong xã. Từ mô hình kinh tế hiệu quả của ông Pó, Đảng ủy, chính quyền xã Tri Lễ đã tổ chức các hộ dân tham quan, học hỏi kinh nghiệm để từ đó nhân rộng ra địa bàn toàn xã. Tính đến nay, xã biên giới Tri Lễ có hơn 100 mô hình chăn nuôi, mặc dù quy mô còn nhỏ lẻ nhưng đã và đang chứng tỏ hướng đi đúng trong phát triển kinh tế ở địa phương".

Biến Thể Covid 19 Mới Có Thể Lây Nhiễm Sâu Trong Phổi, Gây Triệu Chứng Bệnh Nặng I SKĐS

Vũ Đồng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ty-phu-nguoi-mong-tren-dinh-tham-tap-169240124100432655.htm